✴️ Bệnh sỏi thận – chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Nội dung

1. Khái niệm bệnh sỏi thận

Sỏi thận là những tinh thể rắn từ những chất khoáng, lắng cặn khác nhau kết tụ lại và tạo thành sỏi. Bệnh sỏi thận chỉ những viên sỏi được hình thành ở thận và có thể gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, sỏi thận cũng có thể di chuyển và rơi xuống niệu quản, bàng quang.

Sỏi thận với kích thước nhỏ thì thường có thể tự trôi ra ngoài thông qua bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên nếu sỏi không thể ra ngoài và ngày càng phát triển kích thước thì có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Lúc này người bệnh cần loại bỏ sỏi càng sớm càng tốt theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.

Sỏi thận là những lắng cặn từ các tinh thể khác nhau, không bài tiết được ra ngoài theo đường tiểu

 

2. Bệnh sỏi thận có những triệu chứng nào?

Giai đoạn đầu, sỏi không gây triệu chứng nào đặc biệt. Bệnh chỉ trở nên nghiêm trọng khi sỏi phát triển lớn và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở đường tiết niệu. Các triệu chứng được liệt kê ở dưới đây đều do biến chứng gây nên:

– Triệu chứng đau lưng lan xuống mạn dưới:

Hiện tượng này xuất hiện khi sỏi di chuyển trong thận hoặc xuống niệu quản và cọ xát ở lớp niêm mạc. Sỏi càng lớn thì cơn đau càng dữ dội và cực kỳ khó chịu, kéo dài nhiều giờ.

– Tiểu máu:

Đây là triệu chứng khi sỏi gây ra tổn thương ở niêm mạc. Sau đó thận bài tiết nước tiểu ra ngoài có lẫn với máu.

– Cơn đau khi đi tiểu:

Cơn đau này cũng là do sỏi di chuyển khi bài tiết gây đau. Cơn đau sẽ mạnh hơn nếu trước đó người bệnh có hoạt động hay vận động quá sức.

– Có triệu chứng như bị ốm:

Người bệnh có thể bị sốt, nóng lạnh, nôn hoặc buồn nôn khi sỏi gây nhiễm trùng ở đường tiết niệu. Khi gặp trạng thái này cần cấp cứu gấp.

– Thận bị sưng to:

Hiện tượng thận sưng to có thể sờ thấy được khi sỏi lớn và phát triển ở trong thận.

Nhiều triệu chứng của sỏi thận có thể lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý khác nên người bệnh cần thăm khám tại chuyên khoa để xác định rõ tình trạng bệnh lý của cơ thể mình.

 

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh

3.1. Chẩn đoán bệnh sỏi thận

Vì diễn tiến của bệnh là âm thầm, ngoài các dấu hiệu lâm sàng thì người bệnh sẽ được thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng sau để xác định sỏi:

– Thực hiện các xét nghiệm: Xét nghiệm máu xác định nồng độ canxi và axit uric đánh giá chức năng thận. Xét nghiệm nước tiểu đánh giá nồng độ các chất tạo thành sỏi.

– Chẩn đoán hình ảnh: Thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí và hình dạng viên sỏi. Chụp X – quang có thể phát hiện phần lớn sỏi, trừ những viên sỏi quá nhỏ và cản quang. Chụp CT quan sát được tất cả các loại sỏi, kể cả những viên sỏi nhỏ. Siêu âm cũng là cách đơn giản để đánh giá vị trí sỏi.

 

3.2. Điều trị bệnh sỏi thận

Qua các chẩn đoán và thăm khám các chức năng tổng quát của cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp:

Sỏi nhỏ, không triệu chứng:

– Uống nước, dùng thuốc kết hợp dinh dưỡng hợp lý: Người bệnh có thể được khuyên uống nhiều nước, ăn uống theo thực đơn phòng ngừa sỏi để đẩy sỏi ra ngoài bằng đường tiểu mà không cần các phương pháp can thiệp điều trị khác. Thông thường, sỏi dưới 4mm và bệnh nhân không bị hẹp niệu quản hay niệu đạo thì có thể bài tiết ra ngoài. Bệnh nhân cần uống đủ ít nhất 2 lít nước một ngày. Nếu sỏi vẫn không ra ngoài, bác sĩ có thể chỉ định 1 số loại thuốc giảm đau, nhóm thuốc chẹn alpha giúp giảm đau, giãn cơ để đẩy nhanh sỏi ra ngoài.

Sỏi lớn, đã gây đau đớn, khó chịu:

Tán sỏi công nghệ cao là một bước tiến mới trong điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu. Các phương pháp tán sỏi được đánh giá cao vì tính không đau, hạn chế xâm lấn và hồi  phục nhanh chóng. Những phương pháp tán sỏi đang được ứng dụng phổ biến là:

– Tán sỏi ngoài cơ thể với ưu điểm không đau, không mổ, không nằm viện. Bệnh nhân chỉ mất 30 – 45p nằm trên máy tán là có thể xuất viện. Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho những viên sỏi thận <1.5cm, sỏi niệu quản ⅓ trên sát đài bể thận và bé hơn 1 cm.

– Tán sỏi nội soi qua da với ưu điểm là có thể tán sỏi to, sỏi rắn lâu năm mà lại không phải mổ, vết trích trên da chỉ tầm 5mm, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn mổ mở nhiều ngày. Phương pháp này áp dụng cho sỏi thận, sỏi niệu quản ⅓ trên kích thước lớn hơn 1.5cm.

– Tán sỏi nội soi ngược dòng với ưu điểm là không có vết mổ nên bệnh nhân không lo đau sau mổ, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24h và nghỉ ngơi thời gian ngắn là có thể hồi phục. Phương pháp này áp dụng cho sỏi bàng quang với mọi kích thước khác nhau, sỏi niệu quản ⅓ giữa và dưới.

Đối với những viên sỏi quá lớn hoặc người bệnh không thích hợp tán sỏi, có thể dùng phương pháp phẫu thuật để can thiệp lấy sỏi ra ngoài. Phẫu thuật có thể là mổ mở hoặc mổ nội soi, trong đó, ưu tiên mổ nội soi vì ít đau và an toàn hơn so với mổ mở.

 

4. Kết luận

Như vậy, bệnh sỏi thận hoàn toàn có thể điều trị bằng các phương pháp khác nhau tùy trường hợp cụ thể. Để tránh những biến chứng thì người bệnh cần thăm khám và điều trị nhanh chóng chứ không nên chủ quan cho rằng sỏi không triệu chứng thì không nguy hiểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top