✴️ Tổng quan về bệnh thận mạn

Bệnh thận mạn ( chronic kidney disease) còn gọi là suy thận mạn (chronic kidney failure), mô tả sự mất chức năng thận dần dần. Thận lọc các chất cặn bã và lượng nước dư ra khỏi cơ thể. Khi bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn nặng, các chất cặn bã, điện giải và nước tăng cao đến mức độ nguy hiểm. Điều trị bệnh thận mạn: chủ yếu làm chậm tiến triển các tổn thương của thận, thường là kiểm soát các bệnh lý nền. Bệnh thận mạn có thể tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hay ghép thận.

I. TỔNG QUAN:

     Bệnh thận mạn ( chronic kidney disease) còn gọi là suy thận mạn (chronic kidney failure), mô tả sự mất chức năng thận dần dần.

Thận lọc các chất cặn bã và lượng nước dư ra khỏi cơ thể. Khi bệnh thận mạn tiến triển đến giai đoạn nặng, các chất cặn bã, điện giải và nước tăng cao đến mức độ nguy hiểm.
Điều trị bệnh thận mạn: chủ yếu làm chậm tiến triển các tổn thương của thận, thường là kiểm soát các bệnh lý nền. Bệnh thận mạn có thể tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hay ghép thận.

II. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH THẬN MẠN:

     Bệnh thận mạn tiến triển chậm nên các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu, khó nhận biết hay dễ lầm với các triệu chứng của bệnh khác:

  • Nôn.
  • Buồn nôn.
  • Ăn không ngon.
  • Mệt mỏi.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Thay đổi vấn đề đi tiểu.
  • Giảm nhận thức.
  • Vọp bẻ.
  • Phù chân và mắt cá.
  • Ngứa kéo dài.
  • Đau ngực.
  • Khó thở.
  • Tăng huyết áp khó điều trị.​

III. NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH THẬN MẠN

  • Tiểu đường type 1 hay 2.
  • Tăng huyết áp.
  • Bệnh viêm cầu thận.
  • Bệnh viêm thận mô kẽ.
  • Bệnh thận đa nang.
  • Tắc nghẽn đường tiểu kéo dài, ví dụ: Bướu tiền liệt tuyến. Sỏi thận. Ung thư.
  • Trào ngược bàng quang – niệu quản, do nước tiểu dội ngược lên thận.
  • Nhiễm trùng thận tái diễn, ví dụ: viêm thận bể thận ( pyelonephritis).​

IV. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ:

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh thận mạn bao gồm:

  • Tiểu đường.
  • Tăng huyết áp.
  • Bệnh tim mạch.
  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì.
  • Là người Mỹ gốc Phi, thổ dân châu Mỹ, hay người Mỹ gốc Á.
  • Tiền sử gia đình có bệnh thận.
  • Thận có cấu trúc bất thường.
  • Lớn tuổi.

​    

V. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH THẬN MẠN

  • Ứ dịch: gây phù tay và chân, tăng huyết áp, hay ứ dịch trong phổi ( phù phổi).
  • Tăng Kali máu đột ngột: có thể làm suy yếu chức năng tim và đe dọa tính mạng.
  • Bệnh tim mạch.
  • Loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.
  • Thiếu máu.
  • Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương hay giảm khả năng sinh sản.
  • Tổn thương hệ thần kinh trung ương, có thể làm giảm tập trung, thay đổi tri giác hay co giật.
  • Giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng.
  • Viêm màng ngoài tim.
  • Đối với phụ nữ có thai: nguy cơ cao cho mẹ và thai nhi.
  • Tổn thương thận không hồi phục chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

VI. CHẨN ĐOÁN BỆNH THẬN MẠN:

Để chẩn đoán bệnh thận, bạn cần làm các test và thủ thuật sau:

  • Xét nghiệm máu: Urea, Creatinin máu ( là nồng độ các chất cặn bã mà thận có nhiệm vụ đào thải).
  • Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu, giúp phát hiện sớm bệnh thận mạn và có thể nhận biết nguyên nhân bệnh thận mạn.
  • Các kiểm tra chẩn đoán hình ảnh: có thể có ích trong một số trường hợp. Siêu âm thận để đánh giá cấu trúc và kích thước hai thận.
  • Sinh thiết thận: có ích trong một số trường hợp, theo chỉ định của bác sĩ.​

VII. ĐIỀU TRỊ BỆNH THẬN MẠN NHƯ THẾ NÀO?

Tùy thuộc vào bệnh lý nền, có một số bệnh thận có thể điều trị được. Tuy nhiên, đa số bệnh thận mạn không điều trị lành hẳn được. Điều trị chủ yếu: giúp kiểm soát các triệu chứng, giảm nhẹ biến chứng và làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.
Nếu thận của bạn bị tổn thương trầm trọng, chuyển sang giai đoạn cuối, bạn cần chạy thận nhân tạo, hay thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận để duy trì cuộc sống.

  • 1) Điều trị nguyên nhân: bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân gây ra bệnh thận mạn và điều trị tích cực. Vd: tiểu đường, tăng huyết áp, tăng acid uric, giải quyết tắc nghẽn đường tiểu ....
  • 2) Điều trị biến chứng: có thể kiểm soát được biến chứng, giúp cho bệnh nhân khỏe hơn.

a) Thuốc điều trị tăng huyết áp:

Bệnh nhân bị bệnh thận mạn có thể bị tăng huyết áp rất khó điều trị. Bác sĩ sẽ cho bạn thuốc hạ huyết áp, thường là nhóm ức chế men chuyển Angiotensin hay ức chế thụ thể Angiotensin II Receptor để bảo tồn chức năng thận. Nếu không đáp ứng, bác sĩ sẽ phối hợp thêm thuốc hạ huyết áp thuộc nhóm khác: nhóm ức chế Calci, nhóm ức chế giao cảm trung ương....Bạn nên đo huyết áp 2 – 3 lần mỗi ngày, uống thuốc hạ huyết áp sao cho huyết áp của bạn thấp hơn 130/80 mmHg sẽ giúp thận của bạn không bị tổn thương.
Có thể bác sĩ cho bạn dùng thêm thuốc lợi tiểu và cho bạn ăn chế độ ăn giảm muối.

b) Thuốc hạ Cholesterol máu.
c) Thuốc điều trị thiếu máu: Erythropoietin.
d) Thuốc giảm phù: lợi tiểu.
e) Thuốc bảo vệ xương: Calcium và vitamin D; Thuốc gắn kết Phosphate ( phosphat binder) để giảm nồng độ phosphate máu, bảo vệ mạch máu của bạn không bị vôi hóa.
f) Chế độ ăn giảm Protein: để hạn chế việc tăng các chất cặn bã như urea, creatinin trong máu.

3) Điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối:

  • Chạy thận nhân tạo ( Hemodialysis): máy chạy thận sẽ đào thải các chất cặn bã và nước dư ra khỏi cơ thể mà thận của bạn không còn đảm đương được việc này.
  • Thẩm phân phúc mạc ( Peritoneal Dialysis): bác sĩ sẽ đặt vào trong khoang bụng của bạn một catheter ( là một ống nhỏ) và đưa vào trong bụng một dung dịch để hấp thu chất cặn bã và nước dư. Sau một thời gian ngắn, dung dịch này được xả ra khỏi cơ thể của bạn, mang theo chất cặn bã cùng với nước dư.
  • Ghép thận: Từ người hiến thận còn sống hay từ người hiến thận chết não.

​     

VIII. PHÒNG NGỪA BỆNH THẬN MẠN:

Chủ yếu: giảm bớt nguy cơ làm bệnh thận mạn tiến triển.

1) Không dùng thuốc hại thận:
Không nên lạm dụng các thuốc giảm đau không kê toa, được bán dễ dàng tại các tiệm thuốc tây, như: Aspirin, Ibuprofen ( Advil..), Diclofenac, Meloxicam, Acetaminophen ( Tylenol, Paracetamol...). Dùng quá nhiều thuốc giảm đau có thể làm tổn thương thận và cần phải tránh dùng nếu bạn đã có bệnh thận mạn trước đó. Phải xin ý kiến bác sĩ, chọn lựa thuốc nào an toàn cho bạn khi bạn có nguy cơ bị bệnh thận mạn.

2) Duy trì cân nặng lý tưởng:

  • Tập thể dục.
  • Chế độ dinh dưỡng phù hợp.

3) Không hút thuốc lá:
     Hút thuốc lá có thể làm tổn thương thận của bạn và làm xấu hơn chức năng thận ở những người đã có bệnh thận trước đó.

4) Tầm soát bệnh thận sớm để điều trị.

Ghi chú:
_ Bệnh thận mạn: " mạn" có nghĩa là kéo dài.
_ Bệnh lý nền: " nền" có nghĩa là bệnh nhân đã có sẵn bệnh lý nào đó từ trước.

Xem tiếp: Điều trị thay thế bệnh thận mạn giai đoạn cuối

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top