Hệ tiết niệu bao gồm: thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái (bàng quang), niệu đạo (dẫn nước tiểu từ bàng quang ra lỗ niệu đạo để thải ra ngoài). Hệ tiết niệu giúp thải bỏ những chất độc và các chất hòa tan từ sự lưu thông máu. Khi hệ tiết niệu găp trục trặc sức khỏe con người bị ảnh hưởng không nhỏ và dưới đây là 2 bệnh lý thường gặp nhất của hệ tiết niệu.
Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh lý viêm nhiễm xảy ra trên đường tiết niệu do vi khuẩn gây viêm nhiễm. Đây là bệnh lý phổ biến nhất ở đường tiết niệu. Bệnh xuất hiện khi vi khuẩn đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc do vi khuẩn từ máu đến định cư tại nơi này.
Khi bị viêm đường tiết niệu, người bệnh thường có những triệu chứng như: tiểu buốt, tiểu rắt (tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ được ít nước tiểu), đi tiểu ra máu, nước tiểu đục, có cảm giác đau vùng bụng dưới (viêm đường dẫn niệu), đau bên mạn sườn hoặc đau vùng thắt lưng (trong trường hợp nhiễm trùng thận).
Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu như vệ sinh vùng kín không tốt, sử dụng thủ thuật thông tiểu, do lây nhiễm vi khuẩn từ bạn tình khi quan hệ (đặc biệt là vi khuẩn lậu),… Mầm bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở phần thấp (niệu đạo, bàng quang). Nếu không được điều trị, nó có thể khiến bệnh nặng hơn dẫn tới viêm đường tiết niệu trên (niệu quản, thận) làm suy giảm chức năng thận, rất nguy hiểm.
Một số biến chứng nguy hiểm của viêm đường tiết niệu nếu không được chữa trị kịp thời:
– Viêm thận bể thận cấp.
– Áp xe quanh thận.
– Suy thận cấp.
– Nhiễm trùng huyết.
– Trẻ em nếu mắc trào ngược bàng quang niệu quản có thể dẫn đến nhiễm trùng thận nhanh chóng đưa đến suy thận mạn.
– Phụ nữ có thai bị viêm đường tiết niệu có thể dẫn đến đẻ non, sẩy thai, nhiễm trùng sơ sinh…
Sỏi thận
Sỏi thận hay nói đúng hơn là sỏi đường tiết niệu có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên hệ thống đường tiết niệu (như thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo). Những hạt này thông thường là các chất lắng cặn kết tinh và tụ quanh một hạt nhân hữu cơ. Theo các chuyên gia, có khoảng 90% các hạt sỏi chứa chất canxi.
Sau khi hình thành, chúng sẽ đi vào niệu quản. Có khoảng 90% các viên sỏi kích thước nhỏ, có thể dễ dàng lọt qua niệu quản mà không gây tắc. Tuy nhiên nếu lớn hơn, chúng có thể gây tắc cả niệu quản, dẫn đến những cơn đau thận ở bên hông phía sau, đau lan tỏa hướng xuống háng theo đường tiểu. Cơn đau thận thường có những dấu hiệu như ớn lạnh, sốt, buồn nôn kèm theo.
Bệnh hay xảy ra thứ phát sau khi bị các rối loạn chuyển hoá canxi như thừa vitamin D, loãng xương, tăng năng tuyến cận giáp trạng,…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh