✴️ Kiểm soát thói quen ăn mặn giúp phòng chống sỏi thận

Muối là một loại gia vị quen thuộc và rất cần thiết cho cơ thể, nhưng ăn mặn (ăn quá nhiều muối) trong một thời gian dài sẽ gây nên nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó có bệnh sỏi thận. Vậy nên cần kiểm soát thói quen ăn mặn giúp phòng chống sỏi thận.

 

1.Tại sao ăn mặn có thể gây nên sỏi thận

Ăn mặn có thể dẫn đến rối loạn chức năng thận do muối tăng cao khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu.

Thói quen ăn mặn khiến tuần hoàn máu tăng đến cầu thận, buộc thận phải làm việc nhiều dẫn đến suy thận, sỏi thận.

Ăn mặn dẫn đến lượng muối trong cơ thể tăng cao khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây sỏi thận, sỏi tiết niệu

 

2.Kiểm soát thói quen ăn mặn giúp phòng chống sỏi thận

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành nên sử dụng ít hơn 6gr muối (khoảng một thìa cà phê) mỗi ngày. Nếu tiêu thụ nhiều hơn con số này thì sẽ được coi là ăn mặn.

Vì vậy, cần từ bỏ thói quen ăn mặn là cách tốt nhất để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ sỏi thận, suy thận:

– Nên thường xuyên lựa chọn những thực phẩm còn tươi sống, khi chế biến thì nêm nếm ít muối và gia vị, hạn chế thói quen chấm các loại muối khi ăn trái cây.

– Không sử dụng các thực phẩm đóng hộp (cá hộp, thịt hộp), các loại thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt xông khói, cá thịt kho muối, thực phẩm ướp sẵn gia vị, các món ăn chế biến từ muối…) vì trong những thực phẩm này chứa hàm lượng muối cao gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe, cũng như thúc đẩy sự tích tụ chất gây nên sỏi thận.

– Tránh ăn các loại nước chấm quá mặn.

 

3. Biện pháp phòng ngừa sỏi thận hiệu quả

Sỏi thận hình thành không chỉ do thói quen ăn mặn mà chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa oxalate, bổ sung quá nhiều canxi, ăn nhiều đạm động vật, uống ít nước, thường xuyên nhịn tiểu, lười vận động… cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Do đó bên cạnh việc hạn chế ăn mặn, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

Đi khám sức khỏe định kỳ

Việc đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần sẽ giúp bạn nắm rõ tình trạng sức khỏe bản thân, đồng thời khám sức khỏe thường xuyên bạn sẽ được các bác sĩ tư vấn cụ thể về việc bổ sung chất cho cơ thể phù hợp để nâng cao sức khỏe và phòng tránh nhiều bệnh lý.

Nếu có sỏi thận thì việc thăm khám để phát hiện và điều trị sỏi thận sớm sẽ nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Duy trì chế độ ăn uống khoa học

– Uống đủ nước (1,5-2 lít nước/ngày) để làm loãng nước tiểu, tránh sự lắng đọng của các chất tạo sỏi thận.

– Ăn nhiều trái cây, rau tươi, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đạm thực vật, chất béo, chất chứa nhiều oxalate… Không nên tự ý bổ sung các khoáng chất dưới dạng thuốc vì dễ gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe: cụ thể nếu bổ sung thuốc canxi không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây nên sỏi thận canxi.

Chế độ sinh hoạt hợp lý

Cần có các biện pháp rèn luyện sức khỏe phù hợp hàng ngày như đi bộ, đạp xe… để duy trì sức khỏe cho cơ thể và tránh nguy cơ gây ra sỏi thận.

Các chuyên gia chỉ ra, nếu con người ít vận động, sẽ không có lợi cho việc hấp thụ canxi, khiến lượng canxi bài tiết vào nước tiểu tăng lên, gây ra sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top