Nguyên nhân gây bí tiểu

Nội dung

Hãy thử tưởng tượng, bạn thức giấc giữa đêm với một bàng quang căng phồng và tìm nhà vệ sinh để “xả” ngay lập tức. Nhưng đêm nay lại khác, bạn cảm thấy điều gì đó rất không bình thường. Mặc dù bàng quang bạn đang đầy ứ và bạn thấy rất buồn tiểu, nhưng bạn không làm cách nào để xả nước tiểu ra ngoài. Thay vào đó, bạn thấy đau rát vùng bụng dưới. Đây thực sự là tình trạng rất khó chịu, được gọi là bí tiểu.

Nguyên nhân gây bí tiểu?

Hiện tượng này xảy ra với cả đàn ông và phụ nữ, khi đó nước tiểu không tự chảy ra khỏi bàng quang. Đáng lẽ ra, nước tiểu phải được đẩy ra khỏi bàng quang với một lực mạnh. Có hai điều cần thiết đối với việc đẩy nước tiểu ra ngoài:

  • Các cơ bàng quang tiết niệu co lại, đẩy nước tiểu ra ngoài
  • Ống dẫn nước tiểu mở rộng để nước tiểu được đẩy ra

Nếu một trong hai điều này bị ảnh hưởng, chúng ta sẽ gặp phải khó khăn trong việc tiểu tiện. Có hai nguyên nhân chính khiến đàn ông phải đối mặt với vấn đề này: phì đại tuyến tiền liệt hoặc cơ bàng quang yếu. Mặc dù vấn đề này hiếm thấy ở phụ nữ, song yếu tố như ung thư cổ tử cung cũng có thể góp phần vào tình trạng này.

 

Triệu chứng

  • Đau bàng quang
  • Cảm giác nước tiểu ứ đầy, muốn tràn khỏi bàng quang nhưng không tiểu được
  • Căng phồng phần bụng dưới

 

Biến chứng

  • Gây hại cho bàng quang do áp lực của nước tiểu
  • Dễ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Thận gặp trục trặc

 

Lựa chọn điều trị cho tuyến tiền liệt

Ở nam giới, một trong những lý do phổ biến nhất cho chứng bí tiểu là tuyến tiền liệu mở rộng dần dần. Tuyến tiền liệt là tuyến bao quanh cổ bàng quang và tiết ra chất lỏng cấu thành tinh dịch. Tuyến tiền liệt có hình dạng vòng như bánh donut. Phần lỗ ở trung tâm là đường dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể, niệu đạo. Sau tuổi 50, nở nhiều nam giới, tuyến tiền liệt bắt đầu mở rộng về nhiều phía, gây áp lực lên niệu đạo.

Nhiều người đàn ông không quan tâm đến dấu hiệu sớm của tuyến tiền liệt cho đến khi niệu đạo bị đóng hẳn. Sau đó, họ mới đến thăm khám bác sĩ. Khi đó, bác sĩ sẽ luồn một ống thông dài vào niệu đạo để thông bàng quang. Sau hai tuần điều trị, có 70 - 80% số bệnh nhân có thể tiểu thoải mái. Nhưng đôi khi, 20 - 30% bệnh nhân phải quay trở lại gặp bác khi. Trong trường hợp này, các bộ phận của tuyến tiền liệt phải được phẫu thuật cắt bỏ hoặc điều trị bằng laser.

 

Lựa chọn điều trị cho bàng quang yếu

Các cơ của bàng quang có thể bị suy yếu do phẫu thuật cột sống, bệnh tiểu đường, chấn thương sọ não hoặc liệt hai chân. Đôi khi, các tín hiệu giữa não và bàng quang có thể bị gián đoạn do tổn thương thần kinh, và điều này khiến các cơ bắp trở nên yếu đi. Khi đó, cơ bắp sẽ không còn đủ lực để đẩy nước tiểu ra ngoài. Nhưng không giống như nguyên nhân do phì đại tuyến tiền liệt, trong trường hợp này, chúng ta sẽ không cảm thấy đau đớn.

Đối với trường hợp này, các bệnh nhân sẽ được hướng dẫn luyện tập tự co bóp bàng quang và cơ bụng để đẩy nước tiểu ra ngoài. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tự đặt ống thống mỗi khi gặp vấn đề bàng quang.

 

Làm thế nào để giảm thiểu các vấn đề?

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu sớm, hãy đến gặp bác sĩ khoa tiết niệu ngay lập tức. Phải xử lý sớm để phòng các trường hợp gây đau đớn kéo dài.

Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi thói quen không tốt và kiểm soát bệnh tiểu đường để ngăn chặn tình trạng này. Nếu bạn là đàn ông đã quá 50 tuổi, mỗi sinh nhật, hãy tự tặng mình một món quà và kiểm tra nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của mình. Đi kiểm tra hàng năm với: siêu âm tìm hiểu nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt và xét nghiệm kiểm tra tình trạng cụ thể của tuyến tiền liệt để không rơi vào tình trạng bí tiểu khó chịu này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top