Màu sắc của nước tiểu là một chỉ số sinh học quan trọng, phản ánh tình trạng chuyển hóa và sức khỏe toàn thân. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt do sự hiện diện của sắc tố Urochrome – sản phẩm chuyển hóa từ Hemoglobin. Khi nước tiểu có màu vàng đậm bất thường, đây có thể là dấu hiệu của các rối loạn hoặc bệnh lý cần được lưu ý và đánh giá kỹ lưỡng.
Màu sắc nước tiểu cũng chỉ điểm tình trạng sức khỏe của bạn
Khi cơ thể không được cung cấp đủ nước hoặc bị mất nước (do sốt, tiêu chảy, nôn ói, ra mồ hôi nhiều…), nước tiểu trở nên cô đặc và có màu vàng đậm. Đây là nguyên nhân phổ biến và thường không nguy hiểm nếu được khắc phục kịp thời bằng việc bù nước đầy đủ.
Các tình trạng như viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm thận – bể thận có thể làm thay đổi màu nước tiểu, khiến nước tiểu có màu vàng đậm, đôi khi kèm đục, mủ hoặc máu vi thể. Viêm đường tiết niệu thường gặp hơn ở nữ giới do đặc điểm giải phẫu.
Các bệnh lý như sốt rét, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, hoặc các rối loạn huyết học có thể gây tan máu cấp, giải phóng Hemoglobin và sản sinh lượng lớn Bilirubin. Bilirubin gián tiếp tăng cao trong máu được thải qua nước tiểu dưới dạng liên hợp, làm nước tiểu sẫm màu.
Suy giảm chức năng gan trong các bệnh như viêm gan virus, viêm gan do rượu, gan nhiễm mỡ, xơ gan hoặc ung thư gan làm rối loạn chuyển hóa và thải trừ Bilirubin, gây tăng Bilirubin máu và dẫn đến nước tiểu vàng đậm. Trường hợp này có thể kèm theo vàng da, mệt mỏi, ngứa da.
Các bệnh như thiếu máu tan máu tự miễn, thalassemia hoặc do thuốc gây phá hủy hồng cầu, có thể khiến nước tiểu chuyển màu sẫm (vàng đậm hoặc đỏ nâu) do đào thải sản phẩm của quá trình ly giải hồng cầu qua thận.
Một số thực phẩm có sắc tố đậm như củ dền, quả mâm xôi, thực phẩm chứa phẩm màu nhân tạo có thể gây thay đổi màu nước tiểu. Một số thuốc như vitamin nhóm B, rifampin, phenazopyridine, hoặc các thuốc điều trị lao cũng có thể làm nước tiểu chuyển vàng đậm hoặc cam đỏ.
Là rối loạn chuyển hóa hiếm gặp liên quan đến tổng hợp Hem nhóm Heme, hội chứng này có thể gây nước tiểu đậm màu kèm các triệu chứng toàn thân như đau bụng, rối loạn thần kinh, nhạy cảm ánh sáng và động kinh.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nước tiểu sẫm màu có thể liên quan đến các bệnh lý ác tính như ung thư bàng quang, thận, tuyến tiền liệt hoặc tụy, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng khác như tiểu máu, sút cân, đau vùng hạ vị hoặc thắt lưng.
Theo dõi và loại trừ nguyên nhân sinh lý: Nếu nước tiểu vàng đậm chỉ xảy ra tạm thời, cần đánh giá chế độ ăn, mức độ uống nước và sử dụng thuốc trong thời gian gần.
Khám chuyên khoa tiết niệu – gan mật nếu kéo dài: Khi tình trạng nước tiểu đậm màu kéo dài, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi, sốt, vàng da, tiểu buốt, tiểu ra máu…), cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm: tổng phân tích nước tiểu, chức năng gan thận, siêu âm ổ bụng, định lượng Bilirubin, men gan, công thức máu,...
Tuân thủ điều trị nếu có chẩn đoán bệnh lý nền: Điều trị nguyên nhân đóng vai trò then chốt. Cần phối hợp điều trị tích cực với bác sĩ chuyên khoa, duy trì lối sống lành mạnh, bổ sung nước đầy đủ và chế độ dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ phục hồi chức năng gan – thận.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh