Chức năng của thận
Thận đảm nhiệm 3 vai trò chính
Loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể,
Kích thích sản xuất và kiểm soát các chức năng khác của cơ thể, chẳng hạn như điều hòa huyết áp và sản xuất các tế bào máu đỏ
Quy định mức độ khoáng chất hoặc chất điện giải (ví dụ, natri, canxi, và kali) và chất lỏng trong cơ thể
Suy giảm chức năng thận cần được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả
Thận hoàn toàn có thể hoạt động bình thường với chỉ một bên thận. Tuy nhiên, khi cả hai thận đều bị suy yếu, thận đóng cửa và không còn khả năng có thể lọc chất thải, nước dư thừa ra khỏi máu. Kết quả là, chất độc bắt đầu hình thành trong máu và gây ra các biến chứng khác nhau và ảnh hưởng đến hệ thống các cơ quan trong cơ thể.
Nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận có thể kể đến như:
Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau lâu dài với liều lượng lớn làm cho thận phải hoạt động nhiều bị tổn thương.
Thường xuyên sử dụng các đồ uống bằng nước ngọt, nước có ga làm cho cơ thể có nồng độ PH bị mất cân bằng khiến cho thận phải hoạt động mạnh để điều chỉnh lại nồng độ Ph trong cơ thể, lâu ngày thận sẽ làm việc quá tải và dẫn đến suy giảm các chức năng.
Ăn quá mặn trong thời gian dài gây ra bệnh huyết áp cao làm cho lượng máu khó có thể hoạt động, lưu thông một cách trơn tru ổn định và thận sẽ bị tổn hại.
Lượng nước uống trong ngày quá ít sẽ dẫn đến các chất thải trong nước tiểu chứa nhiều độc tố hơn so với thông thường. Điều này làm gây ra các bệnh liên quan đến thận như sỏi thận, thận ứ nước , lâu ngày sẽ làm cho thận bị suy giảm chức năng.
Ngoài nguyên nhân chính kể trên ra, còn có một số nguyên nhân thỉnh thoảng gặp phải đó là biến chứng của bệnh tiểu đường và bệnh tiểu đêm nhiều lần.
Ở giai đoạn rất sớm là tổn thương nhu mô thận, người suy thận không hề có triệu chứng gì trừ triệu chứng tiểu đạm vi thể (microalbumin). Khi chức năng thận còn dưới 10% thì mới có biểu hiện rõ ràng như tiểu nhiều, thiếu máu, phù, cao huyết áp, mau mệt, chán ăn. Giai đoạn cuối của suy thận, bệnh nhân tiểu ít hoặc không tiểu, lúc này người bệnh cần được cung cấp liệu pháp thay thế như lọc thận, ghép thận để duy trì sự sống.
Khi chức năng thận suy giảm, khả năng thải độc của thận suy giảm, gan phải làm việc nhiều hơn cũng dễ bị tổn thương vì vậy để giảm gánh nặng thêm cho thận và gan, bạn cần có chế độ ăn lành mạnh. Một số lưu ý như:
Để thải bớt kali, phốtpho, natri: các loại rau củ nên cắt nhỏ, ngâm nước, luộc với nhiều nước (gấp 5 – 10 lượng rau củ), đổ nước và chỉ ăn xác.
Để giảm muối: ngoài lượng muối tự nhiên trong thực phẩm (trung bình 2g/ngày), lượng muối có thể dùng để nêm và ăn thêm mỗi ngày 3g tức một muỗng gạt cà phê muối, ba muỗng canh nước mắm (13ml) hoặc năm muỗng canh nước tương (20ml). Lượng nước uống bằng lượng nước tiểu trong ngày cộng 500ml.
Bệnh nhân có quả thận bị tổn thương nặng, cần sử dụng các liệu pháp thay thế như lọc thận, ghép thận… cũng ăn uống như bệnh nhân có thương tổn thận nhưng cần nghiêm ngặt hơn vì nguy cơ thừa nước, muối, kali cao có thể dẫn đến tử vong. Tốt nhất, các trường hợp này cần được tư vấn trực tiếp của bác sĩ để xây dựng thực đơn cụ thể phù hợp với phương pháp điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh