✴️ Thông tin về bệnh viêm đường tiết niệu viêm bàng quang

Nội dung

1. Viêm đường tiết niệu – viêm bàng quang là gì?

Bàng quang là một bộ phận quan trọng của hệ niệu, thực hiện nhiệm vụ chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài theo đường niệu đạo.

Viêm bàng quang là thuật ngữ y học chỉ tình trạng viêm nhiễm ở bàng quang. Đây là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu phổ biến hiện nay, chiếm đến 50% các trường hợp viêm nhiễm.

Viêm đường tiết niệu viêm bàng quang chiếm đến 50% các trường hợp viêm nhiễm ở đường tiết niệu.

Viêm bàng quang được chia làm 2 giai đoạn: viêm bàng quang cấp tính (xảy ra đột ngột) và viêm bàng quang mãn tính (bệnh tái diễn nhiều lần).

Bệnh gây cảm giác đau đớn, khó chịu và có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu viêm nhiễm lan đến thận.

 

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm bàng quang

Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm bàng quang:

Viêm đường tiết niệu – viêm bàng quang do vi khuẩn

Viêm bàng quang nói riêng và viêm đường tiết niệu nói chung chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng. Chúng bám vào thành bàng quang, sinh sôi và phát triển trong đó thay vì bị đào thải ra ngoài theo đường tiểu như bình thường.E.coli là vi khuẩn gây ra đại đa số các trường hợp nhiễm trùng bàng quang. Ngoài ra còn một số loại vi khuẩn khác gây viêm bàng quang như Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh…

Không do vi khuẩn:

Trong một số trường hợp viêm bàng quang không do vi khuẩn gây ra. Cụ thể:

  • Viêm bàng quang kẽ.
  • Biến chứng của một số bệnh sỏi tiết niệu, tiểu đường, phì đại tuyến tiền liệt,…
  • Tác dụng của một số loại thuốc hóa trị, xạ trị ung thư như Cyclophosphamide, Ifosfamide…
  • Do một số loại hóa chất: xà phòng tạo bọt khi tắm bồn hoặc dùng một số loại sản phẩm vệ sinh vùng kín, kem thuốc diệt tinh trùng.
  • Dùng ống thông niệu đạo.

Yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm đường tiết niệu – viêm bàng quang

  • Giới tính: nữ giới có nguy cơ viêm bàng quang nhiều hơn nam giới. Do phụ nữ có cấu tạo niệu đạo ngắn và thẳng hơn nam giới. Lỗ niệu đạo lại nằm gần hậu môn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang.
  • Tuổi tác: trẻ em và người lớn tuổi dễ bị viêm bàng quang hơn thanh niên.
  • Quan hệ tình dục: quan hệ tình dục không an toàn kiến vi khuẩn có thể bị đẩy sâu vào bên trong niệu đạo.
  • Phụ nữ sau mãn kinh: nữ giới bước vào giai đoạn này, lượng hormone Estrogen nội sinh sụt giảm. Niêm mạc bàng quang và niệu đạo mỏng dần tạo thuận lợi cho vi khuẩn đi vào bàng quang.
  • Nam giới u xơ tiền liệt tuyến: tuyến tiền liệt phì đại gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu.
  • Các bệnh lý bàng quang, thận mắc từ trước đó như thận đa nang, bàng quang- niệu quản ngược dòng,…
  • Có tiền sử can thiệp phẫu thuật đường niệu.
  • Các bệnh suy giảm hệ miễn dịch có thể: HIV, đái tháo đường…
  • Sử dụng các thuốc, hóa chất làm giảm hệ miễn dịch như thuốc chữa ung thư, dùng cortison mạn tính,…

 

3. Biểu hiện viêm bàng quang

Các triệu chứng thường gặp khi viêm bàng quang:

Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu là những biểu hiện đặc trưng của viêm đường tiết niệu viêm bàng quang

  • Tiểu khó đi kèm với tình trạng đau buốt và nóng rát khi tiểu.
  • Tiểu nhiều lần trong ngày với lượng nước tiểu mỗi lần rất ít.
  • Lúc nào cũng có cảm giác buồn tiểu và muốn đi tiểu ngay.
  • Thường xuyên có cảm giác đau vùng dưới, đau vùng lưng hoặc vùng giữa lưng.
  • Nước tiểu có mùi amoniac mạnh, mùi hương hơi ngọt hoặc mùi hôi tanh.
  • Nước tiểu màu hồng nhạt, đỏ sẫm hoặc có lẫn các cục máu đông.
  • Nước tiểu xuất hiện tình trạng chảy mủ.
  • Sốt cao hoặc ớn lạnh khi vi khuẩn tấn công đến  thận.

 

4. Những biến chứng nguy hiểm của viêm bàng quang

Bệnh nếu không được điều trị sớm và điều trị dứt điểm sẽ gây biến chứng nguy hiểm. Đó là:

  • Viêm bàng quang mạn tính: viêm bàng quang cấp tính nếu không điều trị sớm sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.
  • Gây tổn thương đường niệu: khi các triệu chứng bệnh càng gia tăng sẽ càng gây tổn thương nghiêm trọng ở niêm mạc đường tiết niệu.
  • Bàng quang tăng hoạt: viêm nhiễm kéo dài hoặc tái diễn nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng lên thành bàng quang, thần kinh bàng quang. Điều này khiến bàng quang tăng kích thích, đi tiểu nhiều lần do khả năng chứa đựng nước tiểu của bàng quang ít hơn.
  • Suy thận: vi khuẩn nhiễm trùng ngược lên thận dẫn đến viêm đài – bể thận và làm suy giảm chức năng của thận.
  • Nhiễm trùng huyết: sự hiện diện quá lâu của vi khuẩn trong hệ niệu tạo cơ hội để chúng xâm nhập, tấn công vào máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
  • Gây vô sinh hiếm muộn: ở nam giới, đường bài xuất nước tiểu đồng thời là đường xuất tinh. Những viêm nhiễm ở đường niệu có thể lan sang cơ quan sinh dục như tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh. Điều này làm suy giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
  • Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống: người bệnh hoang mang, lo lắng, sợ hãi làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

 

5. Điều trị viêm bàng quang

Viêm bàng quang nếu phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng. Hướng điều trị nhiễm trùng đơn giản và hiệu quả nhất là dùng thuốc kháng sinh. Các loại thuốc kháng sinh phổ biến nhất điều trị viêm đường niệu là nhóm quinolon, beta-lactam, nitrofurantoin, trimethoprim-sulfamethoxazole hay aminoglycosid.

Dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm đường tiết niệu viêm bàng quang

Trên thực tế, việc dùng nhóm kháng sinh nào, dùng một nhóm hay phối hợp còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh. Về cơ bản, với những trường hợp viêm bàng quang không biến chứng thì có thể khỏi hết các triệu chứng từ 3-7 ngày. Với phụ nữ mang thai, cần chú ý nhiều hơn khi điều trị, thời gian từ 7-10 ngày.

Nếu nguyên nhân gây bệnh do quan hệ tình dục, có thể điều trị và dự phòng bằng cách dùng kháng sinh theo chỉ định sau mỗi lần quan hệ.

Trong trường hợp có trên 3 lần mắc bệnh/năm, thời gian điều trị cần kéo dài hơn. Cụ thể khi đã hết triệu chứng, người bệnh cần tiếp tục dùng thêm những đợt kháng sinh ngắn ngày để phòng tái phát.

Nếu bệnh chuyển sang mãn tính hoặc tái phát nhiều lần, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để tìm nguyên nhân gây bệnh khác. Hoặc theo dõi sự bất thường giải phẫu của đường niệu mà bị bỏ qua và chưa được phát hiện trước đó.

Trong bất kỳ trường hợp nào, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám cụ thể với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp. Tuyệt đối không mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định.

 

5. Cách phòng tránh bệnh viêm bàng quang

Mỗi người có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng những cách sau:

  • Uống nhiều nước: giúp tăng cường hoạt động của hệ niệu, đào thải một lượng vi khuẩn không nhỏ ra ngoài, tránh viêm nhiễm bàng quang
  • Không nhịn tiểu, nên đi tiểu trước khi quan hệ tình dục để vi khuẩn không có cơ hội phát triển trong bàng quang.
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục, tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập gây viêm bàng quang.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp để đảm bảo sự ổn định môi trường ở vùng kín.
  • Mặc quần lót thoáng mát, rộng rãi và nên thay thường xuyên.
  • Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý; Tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy 1 vợ 1 chồng tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh lý nguy hiểm trong đó có viêm bàng quang.

Trên đây là những thông tin cơ bản của bệnh viêm đường tiết niệu – viêm bàng quang. Hi vong qua bài viết này mọi người có thể nắm được những nguyên nhân gây bệnh. Từ đó giúp bạn có thể chủ động xây dựng các biện pháp phòng tránh cũng như điều trị bệnh hiệu quả. Lưu ý các thông tin về thuốc điều trị trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có chỉ định cụ thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top