✴️ Viêm đường tiết niệu dưới: Căn bệnh nguy hiểm thầm lặng

Nội dung

1. Viêm đường tiết niệu dưới là gì?

Hệ tiết niệu bao gồm 4 bộ phận chính: thân, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Viêm đường tiết niệu dưới là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bàng quang và niệu đạo do các vi khuẩn, vi nấm xâm nhập, tấn công và gây nhiễm trùng.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới thường là do vi khuẩn xâm nhập theo đường ngược dòng. Chúng đi từ vùng quang trực tràng, hậu môn đến niệu đạo sau đó đi ngược lên đến bàng quang. Trong một vài trường hợp hiếm hoi cũng có vi khuẩn đi từ trên xuống. Chúng bắt đầu đi ra từ máu hoặc bạch huyết xâm nhập vào thận rồi đi dọc xuống đến bàng quang và niệu đạo. Nếu vi khuẩn chỉ dừng lại và gây viêm ở niệu đạo gọi là viêm niệu đạo. Nếu vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ở bàng quang gọi là viêm bàng quang.

Viêm đường tiết niệu dưới là bệnh lý thường gặp ở nữ giới

 

2. Đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm đường niệu dưới?

Viêm đường niệu dưới có thể gặp ở cả hai giới trong mọi độ tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ nữ giới bị viêm đường tiết niệu dưới cao hơn nam giới. Bởi do đặc điểm cấu trúc giải phẫu, niệu đạo của nữ giới ngắn và tương đối thẳng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và đi vào bàng quang hơn ở nam giới.

Ngoài ra, những người bị suy giảm hệ miễn dịch (như đái tháo đường, HIV/AIDS, uống thuốc ức chế miễn dịch…); người mắc bệnh sỏi đường tiết niệu hay bị hẹp tắc đường tiết niệu bẩm sinh; người suy giảm chức năng thận; người thực hiện thủ thuật thông bàng quang, sỏi bàng quang hay phải đặt ống thông tiểu kéo dài hoặc nhiều lần; nam giới bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt, ống thông tiểu, nội soi bàng quang; nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt; nữ giới sau tuổi mãn kinh, người bị viêm nhiễm phụ khoa, nam khoa hay những người gặp chấn thương niệu đạo…cũng dễ mắc bệnh viêm đường tiết niệu thấp hơn bình thường.

 

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm đường niệu dưới

Bản chất của nước thường tiểu là vô trùng (không có vi khuẩn). Thành phần của nước tiểu ở nồng độ ure cao và nồng độ pH thấp ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi. Hơn nữa dòng nước tiểu đi một chiều ra ngoài giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và bàng quang. Tuy vậy, có một số loại vi khuẩn đặc biệt có thể tồn tại và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt này. Chúng bám vào và xâm thực tại niêm mạc của bàng quang. E.coli là vi khuẩn gây ra đại đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu dưới. Cùng một vài vi khuẩn Gram (-) khác như Klebsiella, Proteus, Enterobacter và Citrobacter hay vi khuẩn Gram (+) như Enterococcus và Staphylococcus saprophyticus.

Một số yếu tố nguy cơ:

  • Quan hệ tình dục thiếu an toàn: Vi khuẩn từ người bệnh có thể xâm nhập vào dương vật hoặc âm đạo của bạn tình. Hoạt động tình dục đẩy vi khuẩn vào sâu bên trong hệ niệu gây nguy cơ viêm nhiễm.
  • Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hay sai cách cũng khiến vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập sang đường niệu gây viêm nhiễm.
  • Uống ít nước và thường xuyên nhịn tiểu, vi khuẩn có thời gian nhân lên nhanh chóng với số lượng lớn. Chúng tấn công niêm mạc bàng quang gây viêm nhiễm.
  • Phụ nữ sau tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến âm hộ dễ bị viêm do khô và lớp niêm mạc cùng đáy bàng quang mỏng dần khiến khả năng kháng khuẩn của bộ phận này suy giảm. Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo một cách dễ dàng.
  • Nam giới lớn tuổi bị u xơ tuyến tiền liệt gây ứ đọng nước tiểu trong bàng quang, là điều kiện thuận lợi cho viêm đường niệu dưới.

 

4. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh

4.1. Triệu chứng lâm sàng viêm đường tiết niệu dưới:

  • Đau vùng trên xương mu hoặc đau vùng bụng dưới.
  • Tiểu rắt: người bệnh đi tiểu nhiều lần trong ngày, trung bình từ 5-10 lần, thậm chí có thể lên tới 20 lần. Mỗi lần đi tiểu chỉ được lượng rất ít nước tiểu, có khi chỉ vài giọt.
  • Tiểu buốt: người bệnh có cảm giác đau buốt và nóng rát ở tầng sinh môn.
  • Tiểu gấp: người bệnh cảm thấy cần đi tiểu rất cấp bách.
  • Tiểu ra máu: xảy ra khi có chảy máu bàng quang.
  • Tiểu ra mủ: nước tiểu đục. Hiện tượng này xảy ra khi viêm bàng quang nặng.
  • Triệu chứng toàn thân khác: cơ thể mệt mỏi, buồn nôn và nôn, sốt, đau ở góc sườn – cột sống…

 

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng:

Xét nghiệm nước tiểu để xác định các chỉ dấu:

  • Bạch cầu – hồng cầu niệu vi thể.
  • Mủ trong niệu nếu viêm bàng quang nặng.
  • Soi cặn nước tiểu có thể thấy vi khuẩn.
  • Cấy nước tiểu giữa dòng: Trong trường hợp có 103-105 vi khuẩn/ml nước tiểu thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn. Trường hợp có trên 105 vi khuẩn/ml nước tiểu là chắc chắn nhiễm khuẩn niệu.
  • Cặn Addis: Trường hợp có 2000-5000 bạch cầu/ml/ph thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn. Nếu có trên 5000 bạch cầu/ml/ph là chắc chắn nhiễm khuẩn niệu

 

4.3. Nhiễm khuẩn tái diễn:

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có thể tái diễn nếu điều trị kháng sinh không đầy đủ hoặc không được điều trị. Trường hợp này các triệu chứng bệnh giảm sau đó sẽ bùng phát trở lại.

 

4.4. Chẩn đoán:

Chẩn đoán dương tính khi có các triệu chứng lâm sàng kết hợp với bạch cầu hoặc vi khuẩn có trong nước tiểu.

 

5. Viêm đường tiết niệu thấp có nguy hiểm không?

Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm đường niệu dưới hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh có thể nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng như:

  • Gây tổn thương đường tiết niệu: khi bệnh chuyển sang mãn tính, các triệu chứng bệnh càng gia tăng và gây tổn thương nghiêm trọng ở niêm mạc đường niệu.
  • Suy thận: vi khuẩn có thể ngược dòng lên thận gây viêm nhiễm tại cơ quan này, dẫn đến viêm đài bể thận. Nếu tình trạng kéo dài có thể dẫn đến suy thận vĩnh viễn.
  • Nhiễm trùng máu: vi khuẩn không được điều trị dứt điểm có thể di chuyển vào máu, gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và tử vong.
  • Vô sinh hiếm muộn: nhiễm khuẩn ở hệ niệu có thể lây lan sang cơ quan sinh dục. Nữ giới bị viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… Nam giới viêm tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh… làm cản trở quá trình thụ tinh và gia tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Nguy hiểm hơn, nữ giới bị bệnh khi mang thai có thể gặp phải tình trạng nhiễm trùng nước ối, nhiễm trùng bào thai làm tăng nguy cơ sinh non…
  • Tác động tiêu cực đến cuộc sống: Khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán nản, stress…

 

6. Điều trị viêm đường niệu dưới

Tuỳ theo mức độ nặng – nhẹ, tính chất cấp tính – mãn tính và chủng vi khuẩn gây bệnh mà có những biện pháp điều trị khác nhau. Nguyên tắc chung là lựa chọn kháng sinh thích hợp, tốt nhất là dùng thuốc theo kháng sinh đồ (tức là sau khi cấy nước tiểu hoặc máu, đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với một số thuốc kháng sinh. Sau đó lựa chọn kháng sinh nhạy cảm nhất, dễ hấp thu, ít tác dụng phụ nhất…); điều trị triệu chứng và kết hợp với điều trị hỗ trợ khác.

Viêm đường tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ. Các nhóm thuốc kháng sinh thường hiện nay như Amoxicillin, Nitrofurantoin, Ciprofloxacin, Trimethoprim-Sulfamethoxazole. Bên cạnh đó có thể sử dụng kết hợp với thuốc giãn cơ trơn, thuốc giảm đau để hỗ trợ quá trình bài tiết nước tiểu và làm giảm triệu chứng bệnh.

Thời gian sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Căn cứ từng trường hợp cụ thể mà có thể dùng liều duy nhất hay dùng kéo dài 3 – 10 ngày hoặc dài hơn.

Lưu ý các thông tin về thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

 

7. Các biện pháp hỗ trợ phòng viêm đường niệu dưới

  • Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc đường niệu và thải vi khuẩn trong hệ niệu ra ngoài.
  • Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, sữa chua để cung cấp dưỡng chất, tăng sức đề kháng chống lại vi khuẩn có hại.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng cách để ngăn chặn con đường vi khuẩn xâm nhập và tấn công hệ tiết niệu và cơ quan sinh dục.
  • Không nhịn tiểu để không có vi khuẩn trong nước tiểu có cơ hội phát sinh.
  • Không nên mặc quần áo, đồ lót quá chật hay sử dụng các sản phẩm có tính khử cao.
  • Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh tránh nguy cơ lây nhiễm sang đối tác.
  • Điều trị ngay và luôn các nguy cơ gây viêm đường tiết niệu như sỏi tiết niệu, hẹp niệu đạo, u xơ tiền liệt tuyến…
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng viêm đường niệu.

Viêm đường tiết niệu dưới sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh để lâu hoặc bị tái phát nhiều lần. Do đó, nếu nghi ngờ đường niệu đang có dấu hiệu viêm nhiễm, bạn hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top