✴️ Xử lý khi bị nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ

Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm đường tiết niệu là do các vi khuẩn thuộc đường tiêu hóa như: E.coli, enterobacter, klebsiella, proteus, và các loại vi khuẩn lây qua đường tình dục như lậu cầu, chlamydia… hoặc nấm candida albicans. Đặc biệt, các loại vi khuẩn này có thể vừa gây viêm đường tiết niệu vừa gây nhiễm trùng đường sinh dục, nhất là do quan hệ tình dục không đảm bảo vệ sinh.

Nhiễm trùng tiết niệu thường gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh

Bệnh viêm đường tiết niệu thường chia làm 2 loại là giai đoạn cấp tính và mạn tính.

Trong trường hợp cấp tính có thể có sốt, tiểu buốt, tiểu máu hoặc tiểu mủ (lậu cấp tính), buồn nôn, nôn.

Nhiễm trùng tiết niệu mạn tính thường hay đau thắt lưng và nhất là phía bên đường tiết niệu bị viêm nhiễm. Một số trường hợp có thể có đầy hơi, chướng bụng đặc biệt là viêm nhiễm do sỏi đường tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản), hiện tượng tiểu dắt, tiểu buốt, tiểu són cũng thường bắt gặp.

Nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ nếu không được xử trí và kịp thời có thể gây nên áp-xe quanh thận, viêm bể thận và suy thận cấp tính hoặc bị nhiễm trùng máu. Những phụ nữ đang mang thai nếu bị nhiễm trùng tiết niệu có thể gây sảy thai, sinh non hoặc gây nhiễm trùng sơ sinh cho trẻ.

Xử lý khi bị nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ

Khi nghi ngờ bị nhiễm trùng tiết niệu, chị em cần đi khám bệnh ngay, nhất là khám ở những cơ sở y tế, bệnh viện để xác định căn nguyên gây nhiễm trùng tiết niệu. Khi khám bệnh, bác sĩ ngoài khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh, sẽ chỉ định làm siêu âm, chụp X-quang hệ thống đường tiết niệu.

Đặc biệt là khi nghi ngờ là nhiễm trùng tiết niệu sẽ cho làm xét nghiệm nước tiểu, từ khâu nhuộm soi kính hiển vi cho đến các kỹ thuật cao hơn là nuôi cấy tìm vi khuẩn có trong nước tiểu.

Khi được chẩn đoán mắc nhiễm trùng tiết niệu, chị em sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc như amoxicillin, nitrofurantoin, sulfamethoxazol …

Thông thường, các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu sẽ hết trong một vài ngày hỗ trợ điều trị. Nhưng người bệnh sẽ phải dùng kháng sinh trong 1 tuần hoặc hơn. Hãy dùng đủ liều kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo rằng nhiễm khuẩn được loại trừ.

Đối với nhiễm trùng tiết niệu nặng, có thể phải nhập viện và hỗ trợ điều trị bằng kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Khi tái phát xảy ra thường xuyên hoặc nhiễm khuẩn thận trở nên mạn tính, cần khám tiết niệu vì có thể phải hỗ trợ điều trị tổn thương thực thể gây ra bệnh.

Người bệnh cần tới trực tiếp bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán và được hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh.

Để phòng viêm đường tiết niệu cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường sinh dục tiết niệu hàng ngày, nhất là trước và sau khi sinh hoạt tình dục. Người ta cũng khuyên đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh hoạt tình dục thì nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục, đồng thời nên rửa, lau sạch bộ phận sinh dục theo hướng từ trước ra sau để tránh hiện tượng đưa vi khuẩn vào niệu đạo gây viêm nhiễm ngược dòng. Nên tập thói quen uống đủ lượng nước cần cho mỗi cơ thể trong một ngày đêm (khoảng từ 1,5 – 2 lít). Không được nhịn tiểu trong điều kiện có thể đi tiểu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top