Yếu tố nguy cơ hình thành sỏi thận

Sỏi thận là các chất cặn bã giống như đá hình thành ở trong thận. Sỏi thận thường hình thành khi nước tiểu có quá nhiều chất cặn bã và không đủ nước trong thận để hoà tan.

Các chất cặn bã có thể bao gồm các khoáng chất và các chất khác phối hợp với nhau để hình thành các tinh thể. Các tinh thể này có thể tích tụ với nhau, làm hình thành sỏi thận. Sỏi thận có thể có kích thước từ nhỏ như hạt cát cho đến kích thước của một hạt đậu hoặc một quả bóng bàn. Khi sỏi ở trong thận, có thể sẽ không gây ra triệu chứng gì, nhưng khi viên sỏi di chuyển xuống niệu đạo, có thể sẽ gây đau, khó khăn khi đi tiểu hoặc đi tiểu ra máu.

Có 2 loại sỏi thận chính là sỏi canxi và sỏi không phải canxi.

Sỏi canxi

Sỏi canxi chiếm khoảng 80 phần trăm số ca sỏi thận. Canxi có thể gắn với một chất là oxalate để hình thành sỏi canxi oxalate. Oxalate tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại hạt, rau chân vịt, chocolate và một số loại trà. Sỏi canxi oxlate có thể hình thành do hậu quả của sử dụng vitamin D liều cao, chế độ ăn uống không hợp lý hoặc các rối loạn chuyển hoá, rối loạn đường ruột.

Canxi cũng có thể gắn với phosphate trong thận để hình thành sỏi canxi phosphate. Phosphate là một hoá chất được tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, trứng và chocolate. Sỏi canxi phosphate có thể phát triển ở những người bị nhiễm toan ống thận (tình trạng thận không lọc được hết acid ra khỏi máu) hoặc là hậu quả của việc sử dụng một số loại thuốc.

 

Sỏi không phải canxi

Các loại sỏi thận không chứa canxi bao gồm:

  • Sỏi acid folic: hình thành khi nước tiểu có chứa quá nhiều acid. Tình trạng này có thể gặp phải ở những người ăn rất nhiều protein
  • Sỏi cystine: có thể phát triển ở những người bị cystine niệu, là khi nước tiểu chứa quá nhiều acid amin cystine.
  • Sỏi struvite: hình thành do viêm đường tiết niệu từ các sản phẩm thừa của vi khuẩn. Nước tiểu sẽ bị alkaline quá mức sẽ dẫn đến hình thành sỏi struvite. Loại sỏi này còn được goi là sỏi nhiễm trùng, và thường có chứa magie amoni phosphate

Nếu bạn nghi ngờ bạn vừa “thải” ra một viên sỏi thận, bạn nên mang viên sỏi đó đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm. Dựa vào loại sỏi, bác sĩ có thể sẽ kê đơn hoặc đưa ra các khuyến nghị thay đổi lối sống hợp lý.

 

Các yếu tố nguy cơ sỏi thận

Vậy ai sẽ là người dễ bị sỏi thận nhất? Câu trả lời là sỏi thận có thể xảy ra với bất cứ ai. Nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên ở người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, nhưng kể cả những người khoẻ mạnh cũng có thể bị sỏi thận.

Sỏi thận có thể phát triển ở cả nam giới và nữ giới, nhưng tỷ lệ ở nam giới có cao hơn một chút. Sỏi thận phổ biến hơn ở chủng tộc người da trắng so với người gốc Mỹ Phi hoặc Mỹ Latinh

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây ra bệnh sỏi thận:

  • Không uống đủ nước: thông thường, những người bị sỏi thận là những người không uống đủ nước hoặc là những người phải hoạt động thể chất nặng hay tập thể thao nhiều, khiến họ bị ra nhiều mồ hôi và mất nước. Không uống đủ nước sẽ khiến nước tiểu đậm đặc hơn, cũng tức là hàm lượng các chất cặn bã cao hơn, bao gồm cả hàm lượng canxi cũng sẽ bị dư thừa. Giải pháp đơn giản chính là uống đủ nước.

  • Không bổ sung đủ canxi: nhiều người tin rằng nếu họ bị sỏi canxi, thì họ không nên ăn các loại thực phẩm giàu canxi. Nhưng những người thực hiện chế độ ăn ít canxi thực ra lại có tỷ lệ sỏi thận cao hơn, theo một bài báo xuất bản năm 2014 trên tạp chí Translational Andrology and Urology. Giảm canxi có thể khiến hàm lượng oxalate tăng lên trong thận, dẫn đến sỏi.
  • Chế độ ăn nhiều muối hoặc nhiều đường: một số nguyên nhân gây tăng canxi trong nước tiểu bao gồm chế độ ăn nhiều muối hoặc đường tinh chế.
  • Ăn một lượng lớn thực phẩm giàu oxalate: ăn một lượng lớn thực phẩm giàu oxalate có thể góp phần làm tăng lượng oxalate trong nước tiểu, gây ra sỏi canxi oxalate. Tuy nhiên, do những thực phẩm này lại có lợi ích với sức khoẻ nên bác sĩ có thể sẽ gợi ý giảm lượng thực phẩm bạn ăn (thay vì loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này ra khỏi chế độ ăn). Hoặc bác sĩ cũng có thể khuyến nghị sử dụng thực phẩm giàu oxalate cùng với những thực phẩm giàu canxi, vì vậy, canxi và oxalate có thể gắn với nhau từ trong dạ dày và ruột non, trước khi đến được đến thận.
  • Uống soda: soda là một loại đồ uống có chứa phosphate và có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu và khiến sỏi canxi phosphate dễ hình thành hơn.
  • Tiêu thụ quá nhiều protein: những người ăn nhiều protein, đặc biệt là protein động vật có thể sẽ khiến hình thành sỏi acid uric. Thừa protein hoặc bổ sung quá nhiều protein dưới dạng thực phẩm chức năng không chỉ làm tăng hàm lượng acid uric trong nước tiểu mà còn làm tăng hàm lượng canxi và citrate. Đây là 3 yếu tố rất quan trọng dẫn đến hình thành sỏi thận
  • Thiếu các chất ức chế hình thành sỏi: một số chất có thể ngăn chặn hình thành sỏi trong thận, nhưng nhiều người lại thiếu đi những chất này trong nước tiểu. Vì vậy, kể cả khi một số người vận động nhiều nhưng uống ít nước thì họ vẫn không bị sỏi thận vì có các chất ức chế hình thành sỏi trong nước tiểu. Đặc biệt, citrate là một chất ức chế hình thành sỏi quan trọng. Nếu bạn có hàm lượng citrate trong nước tiểu rất thấp, bạn sẽ dễ hình thành sỏi thận hơn. Giảm citrate còn có thể là do dùng thuốc, tiêu chảy, nhiễm toan ống thận hoặc chế độ ăn quá nhiều protein.
  • Tiền sử gia đình và gen: sỏi thân có tính chất di truyền, vì vậy các yếu tố về gen đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sỏi thận

 

Các vấn đề sức khoẻ khác cũng có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận

Ngoài tiểu đường, tăng huyết áp và cystine niệu, các vấn đề sức khoẻ khác cũng có liên  quan đến việc hình thành sỏi thận, bao gồm:

  • Tắc nghẽn hệ tiết niệu
  • Thường xuyên bị viêm đường tiết niệu
  • Tăng acid uric niệu
  • U nang thận
  • Béo phì
  • Viêm mạn tính đường ruột hoặc các vấn đề khác về hệ tiêu hoá, ví dụ như tiêu chảy mạn tính
  • Phẫu thuật đường tiêu hoá, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu canxi và nước của cơ thể
  • Tăng oxalate trong ruột: do ruột non hấp thu quá nhiều oxalate, dẫn đến tăng canxi trong nước tiểu
  • Bệnh gout
  • Cường tuyến cận giáp: khi tuyến cận giáp tiết ra quá nheièu hormone tuyến cận giáp, gây tích tụ canxi trong máu.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top