✴️ Bệnh thận do tiểu đường là gì?

Bệnh thận do tiểu đường là gì?

Bệnh thận do tiểu đường là một loại bệnh lý ở thận có nguyên nhân từ tiểu đường. Là nguyên nhân số một gây ra suy thận. Có khoảng 1/3 số bệnh nhân tiểu đường sẽ dẫn đến suy thận.

Bệnh nhân có bệnh tiểu đường và bệnh thận kết hợp sẽ có tiến triển xấu hơn so với những người chỉ có bệnh thận đơn thuần. Vì những người bị bệnh tiểu đường thường có xu hướng có các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, tăng cholesterol và các bệnh mạch máu (xơ vữa động mạch). Bệnh nhân tiểu đường cũng thường có các vấn đề khác liên quan đến thận như nhiễm khuẩn bàng quang, tổn thương hệ thống thần kinh chi phối bàng quang.

Bệnh thận do tiểu đường loại 1 có chút khác biệt so với bệnh thận do tiểu đường loại 2. Ở tiểu đường loại 1, bệnh thận hiếm khi bắt đầu trong 10 năm đầu sau khi được chẩn đoán tiểu đường. Ở tiểu đường loại 2, một số bệnh nhân đã mắc bệnh thận ngay tại thời điểm được chẩn đoán tiểu đường.

Tại sao bệnh ĐTĐ lại hay gây tổn thương thận?

Tỉ lệ và mức độ nặng của biến chứng thận liên quan tới thời gian bị bệnh và mức độ kiểm soát đường huyết. Theo các thống kê, có khoảng 20 – 40% các bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị biến chứng thận, trong đó có nhiều bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đã có protein niệu ngay khi được phát hiện ĐTĐ, còn với bệnh nhân ĐTĐ týp 1 thì sau 10 năm bị bệnh có khoảng 50% số bệnh nhân đã có suy thận giai đoạn cuối và sau 20 năm thì con số này đã lên tới 75%. Tại các khoa thận, khoảng 40% số bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo là do biến chứng thận của ĐTĐ.
Hàng ngày, khi ăn các thức ăn có nhiều chất đạm (protein), sau một quá trình chuyển hóa sẽ có nhiều chất thải độc hại được tạo thành. Thận chứa hàng triệu mạch máu nhỏ mà thành của các mạch máu này có những lỗ rất nhỏ giống như những cái túi lọc. Khi máu chảy qua các mạch máu, những chất độc hại có kích thước rất nhỏ sẽ chui qua những lỗ này đi ra nước tiểu rồi được tống ra ngoài. Ngược lại, những chất hữu ích trong cơ thể như protein, tế bào hồng cầu có kích thước lớn nên không thể lọt qua những lỗ này nên vẫn được giữ lại trong máu.

 

Các triệu chứng của bệnh thận do tiểu đường?

Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì. Chỉ khi chức năng thận đã suy giảm có thể có các triệu chứng sau:

  • Phù tay, chân, mặt
  • Khó ngủ, khó tập trung
  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Yếu cơ
  • Ngứa (thường là triệu chứng của bệnh thận giai đoạn cuối) và da rất khô
  • Buồn ngủ (thường là triệu chứng của bệnh thận giai đoạn cuối)
  • Nhịp tim bất thường, do sự tăng nồng độ kali trong máu
  • Chuột rút

Do những tổn thương tiến triển, thận của bạn không thể lọc các chất thải ra khỏi máu. Các chất thải này tăng dần trong cơ thể đến mức có thể gây độc còn gọi là tình trạng tăng ure huyết. Những người bị tăng ure huyết thường bị lú lẫn và thậm chí tiến triển đến hôn mê trong một số ít trường hợp.

 

Chẩn đoán bệnh thận do tiểu đường?

Một số xét nghiệm máu về các chỉ số sinh hóa đặc biệt có thể sử dụng chẩn đoán tổn thương thận. Có thể phát hiện tổn thương thận ở giai đoạn sớm bằng xét protein nước tiểu (đạm niệu). Việc điều trị giúp làm chậm quá trình suy thận. Đó là lý do vì sao bạn nên xét nghiệm nước tiểu hàng năm nếu bị bệnh tiểu đường.

 

Điều trị bệnh thận do tiểu đường?

Điều trị hạ huyết áp và kiểm soát đường máu rất cần thiết để làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thận do tiểu đường. Nhóm thuốc được gọi là Ức chế men chuyển angiotensin (ACE) có thể giúp làm chậm tiến trình tổn thương ở thận.

Mặc dù nhóm thuốc ức chế men chuyển – bao gồm ramipil (Altace), quinapril (Accupril) và lisinopril (Prinivil, Zestril), thường được dùng để điều trị tăng huyết áp và một số vấn đề khác; nhưng thường được kê cho bệnh nhân tiểu đường để phòng ngừa các biến chứng ngay cả khi huyết áp của họ bình thường.

Trường hợp bệnh nhân bị tác dụng phụ của nhóm thuốc này thì một nhóm thuốc khác với tên gọi Thuốc khóa thụ thể angiotensin (ARBs) có thể được sử dụng thay thế.

Nếu không được chữa trị, thận sẽ tiếp tục bị tổn thương và gây mất nhiều protein hơn qua nước tiểu. Suy thận tiến triển nặng sẽ cần điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận.

 

Tài liệu tham khảo

http://www.webmd.com/diabetes/guide/diabetes-kidney-disease

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top