✴️ Cách hạn chế biến chứng của bệnh tiểu đường

Nội dung

Những biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân bị tiểu đường

Bệnh tiểu đường thông thường có những biểu hiện sau:

  • Đi tiểu nhiều nhiều: Do đường máu tăng cao, lượng insulin do tụy tiết ra không đủ để làm nhiệm vụ đưa glucose vào tế bào, đến một ngưỡng nào đó sẽ đào thải qua nước tiểu.
  • Sụt cân: có thể sụt cân nhanh hoặc từ từ tùy vào từng loại bệnh tiểu đường.
  • Ăn nhiều: Do tế bào bị thiếu glucose nên bệnh nhân luôn có cảm giác đói và ăn rất nhiều.
  • Mệt mỏi: Do glucose không được vận chuyển vào trong tế bào, hoặc không đáp ứng được nhu cầu hoạt động, dẫn đến tế bào thiếu năng lượng khiến cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.

 

Biến chứng bệnh tiểu đường

Tùy thuộc vào từng loại bệnh tiểu đường, quá trình điều trị và kiểm soát bệnh mà có thể xảy ra. Biến chứng bệnh tiểu đường gồm biến chứng cấp tính và mạn tính:

 

Biến chứng cấp tính

Hạ đường huyết: Là khi Glucose máu < 3,1 mmol/l, do người bệnh ăn kiêng quá mức hoặc uống thuốc hạ đường huyết quá liều dẫn đến lời nói cử chỉ chậm chạp, cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, đói, run, yếu cơ, cồn cào, vã mồ hôi. Khi đường huyết hạ xuống đến mức độ nào đó có thể xảy ra hôn mê.

Đường huyết quá cao (> 33,3 mmol/l): Do bệnh nhân không kiểm soát đường huyết tốt, đưa và cơ thể quá nhiều đường bột dẫn đến khát nước, tiểu nhiều, yếu cơ, cơ giật, thậm chí là hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu và tử vong.

 

Biến chứng mạn tính

  • Biến chứng về mắt: Đường huyết cao gây tổn mạch máu võng mạc dẫn đến giảm thị lực, thậm chí là mù lòa, ngoài ra các biến chứng khác như đục thủy tinh thể, trơ loét giác mạc, teo thị giác, tăng nhãn áp cũng có thể xảy ra.
  • Biến chứng về tim mạch như: Xơ vữa động mạch, tăng mỡ máu, cao huyết áp…
  • Biến chứng về thần kinh: do tổn thương các mạch máu nuôi dây thần kinh dẫn đến bệnh nhân có cảm giác tê chân và tay. Tổn thương dây thần kinh thực vật dẫn đến tụt huyết áp, ngất, đổ mồ hôi, tiểu tiện không tự chủ, rối loạn chức năng sinh dục…
  • Biến chứng về thận: Suy thận, hội chứng thận hư, viêm đài bể thận, hoại tử nhú thận, tăng huyết áp do tổn thương các mạch máu ở cầu thận.
  • Biến chứng nhiễm trùng: Đường trong máu cao là điều kiện để vi khuẩn phát triển và làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, gây nên nhiễm trùng nhiều vùng trên cơ thể như hoại tử mỡ da, viêm da, nấm da và chỉ 1 vết thương nhỏ cũng dẫn đến loét, lâu lành và hoại tử
  • Biến chứng về hô hấp: Viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm.
  • Biến chứng về tiêu hóa: Viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường (ảnh minh họa)

 

Biện pháp phòng tránh biến chứng tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể cải thiện và ít xảy ra biến chứng nếu có những sinh hoạt điều độ và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, ngoài ra có thể phòng tránh biến chứng bệnh tiểu đường bằng các phương pháp sau:

  • Kiểm soát lượng đường huyết bằng cách đo đường huyết 4 lần/ngày: trước ăn sáng, 2h sau ăn sáng, trước ăn tối và 2h sau ăn tối để có những biện pháp ổn định đường huyết.
  • Xét nghiệm nước tiểu thường xuyên (3-6 tháng/lần) để kiểm soát lượng đường dư thừa trong máu khiến cho thận hoạt động quá tải.
  • Kiểm tra tim mạch thường xuyên
  • Kiểm tra mắt để tránh những biến chứng nguy hiểm về mắt của bệnh tiểu đường.
  • Chăm sóc cho đôi chân của mình: Tránh đi giày chật, đi chân trần, tránh để vết chai sẹo gây nhiễm trùng chân, để tránh các biến chứng gây nhiễm trùng
  • Thường xuyên luyện tập thể dục: Tập luyện để kiểm soát lượng tiểu đường và béo phì.
  • Đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để nắm rõ tình trạng bệnh của mình và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.

Đo đường huyết thường xuyên để có biện pháp phòng tránh biến chứng tiểu đường (ảnh minh họa)

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top