✴️ Cách sử dụng que thử để kiểm tra đường huyết tại nhà

Nội dung

1. Que thử đái tháo đường là gì?

Que thử đái tháo đường hay que thử đường huyết là một bộ phận của máy đo tiểu đường giúp kiểm tra nồng độ đường có trong máu, được thực hiện bằng cách chích máu đầu ngón tay. Que thử đái tháo đường chỉ dùng một lần duy nhất và tuyệt đối không tái sử dụng lại. Bất kỳ ai muốn kiểm tra lượng đường trong máu đều có thể sử dụng phương pháp này. Bạn có thể tự đo tại nhà để kiểm soát các chỉ số. Ngoài ra, phương pháp còn giúp kiểm tra đường máu nhanh tại giường ở các cơ sở y tế,… 

2. So sánh phương pháp thử đường huyết bằng que thử với xét nghiệm máu

Đo đường huyết bằng que thử tại nhà

Hiện nay, có rất nhiều máy đo đường huyết đa dạng về mẫu mã, tốc độ xử lý, kích thước, giá cả. Kết quả sẽ được hiển thị trong vòng 15 giây và được lưu lại ở thiết bị.

  • Ưu điểm: Máy đo nhỏ gọn, tiện lợi, cho kết quả nhanh chóng, phù hợp với người lớn tuổi khi sử dụng tại nhà. Có bán tại các nhà thuốc và bệnh viện với giá hợp lý. Một vài thiết bị có thể tính đường huyết trung bình trong một khoảng thời gian, hoặc cung cấp phần mềm để xử lý kết quả và hiển thị dưới dạng các biểu đồ.
  • Nhược điểm: Gây đau. Kết quả có sự dao động do nhiều yếu tố tác động như: que thử không được bảo quản đúng cách, người dùng thực hiện chưa đúng thao tác,…

Đo đường huyết bằng que thử tại nhà cho kết quả nhanh

Xét nghiệm máu

Phương pháp xét nghiệm máu kiểm tra đường huyết được thực hiện tại các cơ sở y tế với trang thiết bị hiện đại. Để xác định có đái tháo đường, cần phải thử đường huyết tĩnh mạch. Ở người bình thường: đường huyết tĩnh mạch lúc đói 70 – 100mg/dl (được gọi là đói khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy máu). Người bị đái tháo đường khi đường huyết lúc đói hơn hay bằng 126mg/dl (ít nhất 2 lần thử vào 2 ngày khác nhau).

  • Ưu điểm: Được thực hiện bởi các nhân viên y tế, trang thiết bị hiện đại, kết quả chính xác.
  • Nhược điểm: Không cho kết quả nhanh như khi sử dụng máy đo.

3. Các loại que thử đái tháo đường thường dùng

Chức năng que thử đường huyết của các máy đều như nhau, là một bộ phận không thể thiếu dùng để kiểm tra lượng đường có trong máu. Tuy nhiên, mỗi một loại máy thử tiểu đường đều có loại que tương ứng cho máy đó. Người dùng lưu ý không nên sử dụng “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Nếu bạn sử dụng máy đo đường huyết nào thì bắt buộc phải dùng que thử của chính dòng máy đó thì khi đo đường huyết, máy mới đọc được kết quả.

Các loại que thử đái tháo đường thường dùng

 

4. Hướng dẫn cách sử dụng que thử đái tháo đường

Mặc dù mỗi loại máy đều có que thử đường huyết phù hợp nhưng về cơ bản thì cách sử dụng thì đều tương tự như nhau, cụ thể:

  • Đầu tiên, rửa tay thật kỹ bằng nước ấm và lau khô trước khi đo.
  • Lắp kim lấy máu vào bút thử tiểu đường theo như hướng dẫn sử dụng.
  • Điều chỉnh độ sâu của kim cho phù hợp với loại da của mình (mỏng, bình thường, dày).
  • Lắp que thử đường huyết vào máy đo. Cần lưu ý nhanh chóng đóng lọ que thử để tránh độ ẩm tác động đến các que khác làm hỏng que hoặc cho kết quả không chính xác.
  • Bóp nhẹ đầu ngón tay để máu lưu thông về. Sau đó ấn nhẹ ống bút vào đầu ngón tay. Kim lấy máu sẽ đâm nhẹ vào ngón tay của bạn.
  • Nhỏ giọt máu vừa xuất hiện lên đúng phần que thử trên máy đo.
  • Sau đó bạn dùng khăn sạch ấn nhẹ vào ngón tay để cầm máu và đợi vài giây cho máy hiển thị kết quả.
  • Cuối cùng ghi chép lại kết quả và vệ sinh dụng cụ theo đúng hướng dẫn.

5. Cách bảo quản que thử đường huyết

Để đảm bảo kết quả đo đường huyết chính xác nhất, người dùng cần lưu ý bảo quản như sau:

  • Hộp đựng que thử đường huyết nên được cất trữ ở nơi khô ráo với nhiệt độ phòng.
  • Đặt hộp que thử tránh xa ánh nắng trực tiếp và nhiệt, bảo quản ở nhiệt độ từ 24-30℃.
  • Không làm lạnh que thử.
  • Không chuyển que thử đường huyết sang các hộp khác nhau.
  • Luôn đóng chặt nắp hộp đựng que thử đường huyết ngay sau khi lấy que thử.

6. Một số lưu ý khi sử dụng que thử đường huyết

Cách sử dụng và bảo quản que thử đường huyết ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đường máu của bạn. Chính vì vậy để tránh những sai số ngoài ý muốn, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Que thử sau khi được lấy ra phải sử dụng luôn và chú ý rửa tay sạch sẽ, khô ráo trước khi cầm vào que.
  • Tuyệt đối không bẻ cong, cắt hoặc làm đứt gãy que thử ở bất kỳ hình thức nào để tránh làm sai số khi kiểm tra.
  • Chú ý hạn sử dụng của que và sau khi đã mở nắp lọ, khuyến cáo không nên sử dụng quá 3 tháng.
  • Que thử chỉ sử dụng duy nhất 1 lần và tuyệt đối không sử dụng lại.

Sử dụng que thử đái tháo đường là cách theo dõi thường được dùng hiện nay, giúp đánh giá tình trạng bệnh tốt hay xấu. Kết quả được đo tại nhà nhanh sẽ giúp cho bác sĩ điều trị đái tháo đường tốt hơn cho người bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top