✴️ Chẩn đoán và điều trị bệnh Basedow

1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh Basedow còn đuợc gọi là bệnh Parry, bệnh Graves (Anh) là bệnh bướu tuyến giáp lan toả, nhiễm độc hormon giáp, cho đến nay còn chưa rõ nguyên nhân. Biểu hiện lâm sàng là các triệu chứng nhiễm độc hormon giáp, bướu cổ to lan toả, tổn thương mắt và da.

Bệnh được Karl Adolph von Basedow (1799 -1854), một bác sĩ người Đức mô tả năm 1840 sau này bệnh được mang tên ông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở tuổi trung niên 21 - 40 tuổi, nữ gặp nhiều hơn nam (tỉ lệ nữ/nam là 9/1). Trong 3 thập kỷ qua đã có nhiều tiến bộ trong hiểu biết về cơ chế bệnh sinh và điều trị bệnh Basedow. Ngày nay người ta cho rằng bệnh sinh của bệnh Basedow là cơ chế tự miễn dịch.

Rối loạn tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào mô khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch thường tạo ra các protein chuyên biệt gọi là kháng thể. Kháng thể phản ứng chống lại các vật chất lạ (ví dụ vi khuẩn, virus, độc tố) trong cơ thể. Kháng thể có thể trực tiếp tiêu diệt vi sinh vật hoặc bao bọc chúng để chúng dễ dàng bị phá hủy bởi các tế bào bạch cầu. Các kháng thể cụ thể sẽ được tạo ra để đáp ứng với các chất lạ cụ thể khác nhau. Một chất lạ khi xâm nhập vào cơ thể kích thích một kháng thể được tạo ra gọi là kháng nguyên.

Trong bệnh basedow, hệ thống miễn dịch tạo ra một kháng thể bất thường được gọi là immunoglobulin kích thích tuyến giáp. Kháng thể này bắt chước chức năng của hormone kích thích tuyến giáp bình thường. Nó bám vào bề mặt các tế bào tuyến giáp  khỏe mạnh và mở các tế bào sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến việc sản uất quá mức hormone này (hay làm cho tuyến giáp hoạt động quá mức). Bên cạnh đó, khi mắc bệnh basedow, các tế bào mắt cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh nguyên nhân chính rối loạn tự miễn dịch thì một số yếu tố khác cũng góp phần vào sự phát triển cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh basedow.

 

2. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

Bệnh Basedow gặp 0,5% dân số, trong đó 2/3 số bệnh nhân có phì đại tuyến giáp, tỉ lệ nữ/nam là 9/1, tuổi trung bình 40-60, có thể trẻ hơn nếu có tiền sử gia đình.

Hội chứng nhiễm độc hormon giáp

+ Tim mạch:

- Tim đập nhanh thường xuyên, mạnh, mạch nảy

- Huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương giảm

- Điện tim: tần số > 90 nhịp/phút, Biên độ sóng R tăng, chỉ số Sokolovleon dương tính nhưng không có dày thất trái (trục điện tim trung gian).

+ Vận mạch: co và giãn mạch biểu hiện mặt đỏ bừng hoặc tái

+ Cường thần kinh giao cảm:

- Run tay biên độ nhỏ

- Ra nhiều mồ hôi

- Rối loạn cư xử: hay bối rối khi tiếp xúc

- Dễ say sóng

+ Tiêu hoá: phân thường nát lỏng

+ Toàn thân:

- Luôn nóng bức, thích tắm nước lạnh do tăng chuyển hóa

- Ăn nhiều nhưng gầy, xút cân

- Chuyển hoá cơ bản tăng

- Nhược cơ, yếu cơ gốc chi

Bướu cổ to

+ Bướu to lan toả, thuỳ phải thường to hơn thuỳ trái, mật độ mềm, di động theo nhịp nuốt.

+ Có thể có tiếng thổi tâm thu hoặc tiếng thổi liên tục tại các cực của tuyến.

+ Phân loại mức độ to của tuyến giáp

Triệu chứng về mắt

+ Co kéo cơ mi trên:

- Dấu hiệu Dalrymple: bệnh nhân nhìn thẳng thấy hở lưỡi liềm trắng củng mạc phía trên.

- Dấu hiệu Steellwag: thấy khe mi rộng

- Dấu hiệu Gifford: có nếp gấp mi trên khi bệnh nhân nhắm mắt

+ Rối loạn vận động giữa cơ vận nhãn và cơ mi trên:

- Dấu hiệu Graefe: bệnh nhân giữ yên đầu liếc mắt xuống thấy hở củng mạc trên do mi trên co theo không kịp nhãn cầu.

- Dấu hiệu Kokher: bệnh nhân giữ yên đầu, liếc mắt lên trên thấy hở củng mạc phía dưới.

+ Lồi mắt:

- Ánh mắt sáng

- Lồi mắt thực sự: xác định bằng lồi kế Hertel

          Bình thường: 12 mm

          Lồi mắt độ 1: 14 - 17 mm

          Lồi mắt độ 2: 18 - 22 mm

          Lồi mắt độ 3: > 23 mm

Rối loạn chức năng sinh dục

Rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, giảm ham muốn tình dục.

 

3. XÉT NGHIỆM CẬN LÂM SÀNG

Định lượng hormon tuyến giáp

FT4 Tăng, một số bệnh nhân ở giai đoạn sớm chỉ có FT3 tăng

Định lượng nồng độ TSH trong máu

TSH giảm

Các cận lâm sàng khác

Nồng độ kháng thể TSH-RAb tăng

Xạ hình tuyến giáp cho hình ảnh tuyến giáp tăng bắt giữ iod phóng xạ hoặc Technitium.

Siêu âm tuyến giáp: Kích thước tuyến giáp tăng, cấu trúc giảm âm không đồng nhất, có thể thấy những ổ giảm âm nhỏ. Siêu âm Doppler màu có thể thấy hình ảnh cấu trúc tuyến giáp hỗn loạn như hình ảnh đám cháy trong thời kì tâm thu và tâm trương với các mạch máu giãn trong tuyến giáp.

 

4. ĐIỀU TRỊ

Trên thế giới hiện nay, bệnh Basedow điều trị chủ yếu bằng 3 phương pháp chính: Nội khoa, xạ trị và phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp.

1. Điều trị nội khoa:


– Đây là biện pháp được ưu tiên hàng đầu, được chỉ định khi bệnh mới phát hiện, tuyến giáp to vừa, không có nhân Basedow, chưa có biến chứng và bệnh nhân có điều kiện để điều trị lâu dài theo dõi bệnh.
– Có 3 loại thuốc kháng giáp được sử dụng chủ yếu đó là: Methimazole, carbimazole, PTU. Trong đó PTU được khuyến cáo không sử dụng trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow.
– Tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn với phương pháp này là 60-70% sau 12- 18 tháng điều trị.

2. Điều trị bằng xạ trị:


– Phương pháp được lựa chọn là phóng xạ trị Iod 131 với mục đích làm cho bướu giáp nhỏ lại và đưa chức năng tuyến giáp từ cường năng về bình thường.
– Chống chỉ định với trẻ em và phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Bệnh nhân có tình trạng nhiễm độc nặng hoặc bướu quá lớn chèn ép gây nuốt nghẹn hay sặc , khó thở thì ưu tiên phương pháp phầu thuật hơn.

3. Điều trị ngoại khoa:


– Phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4-6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngưng thuốc, bướu giáp to gây mất thẩm mỹ hoặc có biến chứng khó thở.
– Nguyên tắc là cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp chỉ để lại một phần nhỏ 3-6 gram để duy trì chức năng tạo hormone bình thường.
– Biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật: Khàn tiếng, hạ calci máu, nhiễm trùng vết mổ…

Xem thêm: Tình trạng mắt lồi do bệnh Graves

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top