✴️ Tình trạng mắt lồi do bệnh Graves

Tình trạng mắt lồi

Mắt lồi mô tả tình trạng nhãn cầu nhô ra khỏi hốc mắt. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai mắt.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, mắt lồi có thể gây ra các vấn đề về mắt như khô giác mạc và viêm kết mạc. Về lâu dài, các triệu chứng có xu hướng cải thiện, Tuy nhiên vẫn nhiều trường hợp mắt sẽ tiếp tục lồi ra ngoài nếu như nguyên nhân chính không được điều trị.
Mắt lồi không phải là một bệnh lý mà là dấu hiệu của một chứng rối loạn. Thông thường, dấu hiệu này có thể báo hiệu một vấn đề với tuyến giáp. Trong đó bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất gây lồi mắt.

Bệnh Graves và rối loạn tuyến giáp

Bệnh Graves là một bệnh tự miễn gây ra cường giáp. Người bị cường giáp có tuyến giáp hoạt động quá mức tạo ra lượng hormone dư thừa và tuyến giáp phát triển.

Tuyến giáp nằm ở cổ, các nội tiết tố do tuyến giáp tạo ra như thyroxine và triiodothyronine giúp điều chỉnh tăng trưởng, tốc độ trao đổi chất và các chức năng quan trọng khác của cơ thể.

Bệnh mắt do tuyến giáp hình thành do tình trạng các sưng viêm các mô mềm và cơ xung quanh mắt. Nguyên nhân gây ra thường do cường giáp và đôi khi do suy giáp. Cường giáp hoặc suy giáp có thể không làm cho mắt lồi ngay lập tức. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề như:

  • Mắt khô hoặc có lộm cộm ở mắt;

  • Đỏ mắt;

  • Sưng, viêm ở mắt;

  • Vấn đề về thị lực.

Nguyên nhân chung

Bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lồi mắt. Có tới 25-50% những người bị tình trạng này sẽ có các ảnh hưởng liên quan đến mắt.

Điều ngạc nhiên là các vấn đề liên quan đến mắt có thể xảy ra đến 10 - 20 năm trước khi chẩn đoán các vấn đề về tuyến giáp được xác định. Các tế bào miễn dịch tấn công tuyến giáp trong bệnh Graves cũng tích tụ trong hốc mắt. Các mô mỡ và cơ xung quanh mắt trở nên nhiều hơn đẩy mắt về phía trước và lồi ra ngoài.

Các triệu chứng

Một người bị lồi mắt do Graves có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Đau mắt

  • Khô mắt

  • Kích ứng mắt

  • Sợ ánh sáng hoặc nhạy cảm với ánh sáng

  • Chảy nước mắt, tiết dịch mắt

  • Nhìn đôi do suy yếu cơ mắt

  • Mờ mắt

  • Mù nếu dây thần kinh thị giác bị chèn ép

  • Khó cử động mắt do các cơ mắt bị ảnh hưởng

  • Cảm thấy chèn ép từ phía sau và xung quanh mắt

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh Graves không liên quan đến mắt bao gồm nhịp tim không đều, lo lắng, huyết áp tăng, tăng cảm giác thèm ăn, sụt cân, tiêu chảy và khó ngủ.

Mặc dù bệnh Graves là rối loạn phổ biến nhất có thể khiến mắt lồi tuy nhiên không phải là duy nhất.

Các nguyên nhân khác gây lồi mắt

Mắt lồi cũng có thể xảy ra nếu có một thành phần trong hốc mắt đẩy nhãn cầu về phía trước. Thành phần này có thể là:

  • Một khối u lành tính hoặc ác tính;

  • Huyết khối;

  • Một chấn thương mắt;

  • Viêm mô quanh mắt;

  • Bất thường trong não.

Bất kỳ ai nhận thấy một hoặc cả hai mắt bắt đầu lồi ra nên đi khám bác sĩ.

nguyên nhân gây lồi mắt

Chẩn đoán

Thường có thể nhận thấy mắt lồi bằng thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên chứng lồi mắt thường là dấu hiệu của một số bệnh hoặc tình trạng nên sẽ cần các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán để tìm nguyên nhân.

Các xét nghiệm, kỹ thuật có thể cần thực hiện bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để xem tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không.

  • Sử dụng máy đo độ mở mắt để đo độ lồi của mắt.

  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI, để kiểm tra và phát hiện khối u hoặc bất kỳ bất thường nào trong hoặc xung quanh mắt.

  • Chụp CT hoặc MRI não để đánh giá cấu trúc của não.

Mắt lồi có xu hướng là một bệnh tiến triển và các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Do đó, điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt.

Điều trị mắt lồi

Bệnh nhân sẽ được bác sĩ nhãn khoa hoặc chuyên gia về mắt sẽ theo dõi thường xuyên. Việc điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nguyên nhân, tuổi của người đó và sức khỏe tổng thể của họ.

Hút thuốc đã được chứng minh là làm trầm trọng thêm các tình trạng về mắt và khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó hơn. Bỏ thuốc lá được khuyến nghị cho bất kỳ ai có tình trạng này.

Nếu bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản và đưa lượng hormone tuyến giáp trở lại bình thường. Trong khi điều trị vấn đề về tuyến giáp không giải quyết được tình trạng mắt lồi, bác sĩ có thể cần đưa thêm một số biện pháp khác.

Có nhiều lựa chọn điều trị dành cho mắt lồi. Phẫu thuật có thể hữu ích cho những người bị tổn thương mắt mức độ nghiêm trọng. Các lựa chọn điều trị không phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo

  • Kính râm đối với trường hợp nhạy cảm với ánh sáng

  • Thuốc corticosteroid

  • Thuốc làm giảm phản ứng miễn dịch

  • Thuốc ngăn chặn một số kháng thể

  • Xạ trị

Trong trường hợp xạ trị, xạ trị liều thấp được áp dụng cho những trường hợp nặng và thường kết hợp với corticosteroid. Các lựa chọn phẫu thuật để điều trị có thể bao gồm:

  • Giải nén quỹ đạo: Mở rộng quỹ đạo của mắt có thể tạo thêm không gian cho mắt cũng như cơ và mô của mắt.

  • Phẫu thuật cơ mắt: Được thực hiện để điều chỉnh các cơ mắt bất thường.

  • Phẫu thuật mí mắt: Phương pháp này hoạt động bằng cách bảo vệ giác mạc và nhãn cầu bên ngoài khỏi bị hư hại.

Các biến chứng

Nếu không được điều trị, mí mắt có thể không thể khép lại khi ngủ, dẫn đến giác mạc bị khô tổn thương. Nếu giác mạc bị khô quá nhiều sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc loét, trường hợp nặng có thể gây hỏng thị lực.

Những người bị bong mắt có nhiều khả năng bị viêm kết mạc mắt. Một số ít trường hợp có thể bị chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc động mạch mắt, gây ảnh hưởng đến thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.

Tổng kết

Nhìn chung, mắt lồi là một dấu hiệu cho thấy có một tình trạng bất thường xảy ra bên trong, xung quanh mắt hoặc trong não.

Nguyên nhân phổ biến nhất của mắt lồi là bệnh Graves. Điều quan trọng là phải thăm khám bác sĩ để đưa ra kế hoạch điều trị nhằm kiểm soát các vấn đề về tuyến giáp cũng như bất kỳ biến chứng nào về mắt. Bỏ thuốc lá là vấn đề then chốt để cải thiện kết quả của phẫu thuật ở mắt. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được theo dõi chặt chẽ nhằm đảm bảo việc chăm sóc tốt nhất có thể.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top