✴️ Chế độ ăn cho người đái tháo đường type 2 được Hiệp hội Đái tháo đường khuyên dùng

Vì sao cần xây dựng một chế độ ăn cân bằng dành cho người có bệnh đái tháo đường type 2?

Trường hợp nếu nhận chẩn đoán bị đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về kế hoạch ăn uống lành mạnh. Bởi lẽ, việc dùng bữa hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng, lượng đường huyết cũng như các yếu tố có thể dẫn đến bệnh tim mạch như cao huyết áp hoặc mỡ máu.

Khi được nạp thêm calo và chất béo, bằng những cơ chế khác nhau, cơ thể sẽ sử dụng những nguyên liệu này để tổng hợp đường. Nếu mức đường huyết tăng cao kéo dài sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe như tổn thương ở thần kinh, thận và tim.

Bạn hoàn toàn có thể giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn bằng cách lựa chọn những chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cũng như theo dõi thói quen ăn uống của bản thân.

 

Sau nhiều thập kỷ ủng hộ chế độ ăn giàu carbohydrate, ít chất béo, một báo cáo mới đây từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đã chia sẻ thêm nhiều lựa chọn về chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường type 2 khác mang lại hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là với những đối tượng đái tháo đường có kèm theo bệnh tim mạch.

 

1. Chế độ ăn uống DASH

DASH là viết tắt của phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngăn chặn tăng huyết áp (Dietary Approaches to Stop Hypertension).

Ban đầu, DASH được xây dựng dành riêng cho đối tượng cao huyết áp. Tuy nhiên, một nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san “Diabetes Care” vào năm 2004 đã cho thấy chế độ ăn uống này có khả năng cải thiện mức độ nhạy cảm với insulin lên đến 50%. Qua đó cho thấy DASH là một lựa chọn tối ưu giúp kiểm soát tốt lượng đường huyết.

Amy Campbell, chuyên gia dinh dưỡng bệnh đái tháo đường, đã nhận định: “Chế độ DASH giành được nhiều sự quan tâm do đây là mô hình ăn uống thực tế, không đòi hỏi các loại thực phẩm quá đặc biệt và mọi thành viên trong gia đình người bệnh đều có thể áp dụng dễ dàng”.

Theo đó, DASH được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí:

  • Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm, cá (để bổ sung omega-3) cùng các loại hạt
  • Tăng cường lượng rau củ, trái cây và các sản phẩm từ sữa ít béo
  • Hạn chế việc dùng muối, đồ ngọt và các loại thịt đỏ
  • Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, chẳng hạn như thịt béo, các loại dầu nhiệt đới như dừa, dầu cọ.

2. Chế độ ăn chay (vegetarian) hoặc thuần chay (vegan) dành cho người bị tiểu đường type 2

Về cơ bản, chế độ ăn thuần chay chỉ bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, trong khi chế độ ăn chay lại có thêm các sản phẩm phụ từ động vật như sữa, trứng hoặc phô mai.

Tuy nhiên nhìn chung, những chế độ ăn này thường nhấn mạnh vào việc tiêu thụ các nguồn protein từ thực vật như: đậu phụ, đậu lăng, đậu Hà Lan, các loại hạt cũng như ngũ cốc. Bên cạnh đó, người ăn chay còn có thể sử dụng thêm nhiều loại trái cây và rau quả khác nhau.

Nghiên cứu về “Chế độ ăn chay trong phòng ngừa, quản lý bệnh đái tháo đường và các biến chứng” do Roman Pawlak thực hiện năm 2017 đã chỉ ra rằng: Việc giảm thiểu hoặc loại bỏ hẳn nguồn thực phẩm từ động vật khỏi chế độ ăn sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Hơn nữa, việc này cũng có lợi cho việc giảm cholesterol và mỡ xấu, từ đó thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả. 

 

3. Chế độ ăn Địa Trung Hải (Mediterranean Diet)

Chế độ ăn Địa Trung Hải tương tự như các chế độ dinh dưỡng tốt cho tim khác. Chế độ ăn này tập trung vào việc sử dụng các thực phẩm lành mạnh bao gồm: cá, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau, hạn chế ăn nhiều thịt (nhất là thịt đỏ), chất béo bão hòa, các sản phẩm từ sữa hay đồ ngọt.

Năm 2014, báo cáo từ nghiên cứu “Chế độ ăn Địa Trung Hải và bệnh tiểu đường” của nhóm 3 nhà khoa học Michael Georgoulis, Meropi D. Kontogianni và Nikos Yiannakouris cho thấy: Việc áp dụng chế độ ăn này cho những người tiểu đường type 2 đem lại kết quả khá khả quan. Theo đó, lượng đường huyết của họ có xu hướng thấp hơn so với người theo chế độ ăn thông thường. Một nghiên cứu khác vào năm 2004 đã chỉ ra rằng những người ăn theo kiểu Địa Trung Hải sẽ giúp giảm sự kháng insulin và thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả.

 

4. Chế độ ăn low-carb (LCD)

Chế độ ăn rất ít carbohydrate (VLCD) cũng đã được chứng minh giúp giảm lượng A1C (nồng độ A1C càng cao (trên 6.5%), bạn càng có nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh tiểu đường), mức triglycerid (chất béo trong huyết thanh) và hạ huyết áp. Nếu tuân thủ chế độ ăn này một cách nghiêm ngặt, mỗi ngày bạn chỉ được phép dùng từ 20 – 50 gram carbohydrate (tương đương một vài mẩu bánh mì).

Trong khi đó, chế độ ăn low-carb (LCD) lại ít nghiêm ngặt hơn, bạn có thể dùng từ 25 – 40% lượng carb hằng ngày so với chế độ ăn ADA cũ (50% carb). Tương tự như DASH, LCD chủ yếu chú trọng việc dùng các loại rau không chứa tinh bột, điển hình như: xà lách, bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, đậu rồng, đậu que…

Cả hai phương pháp trên đều ủng hộ việc sử dụng chất béo từ thực vật, chẳng hạn dầu, bơ hạt. Hơi trái ngược với DASH, chế độ LCD lại chấp nhận dùng các chất béo từ động vật và protein dưới dạng thịt nạc, thịt gia cầm và cá, nhưng không sử dụng các loại thịt, trứng hay phô mai có vị béo hơn.

Tiêu chuẩn chăm sóc y tế của ADA năm 2019 đã bổ sung chế độ low-carb vào các kiểu ăn uống khuyến nghị cho người tiểu đường type 2.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top