✴️ Điều trị bệnh tiểu đường thế nào cho hiệu quả?

Bệnh tiểu đường là một căn bệnh phổ biến của xã hội hiện nay. Điều trị bệnh tiểu đường như thế nào là vấn đề thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng. Nếu không được điều trị hoặc kiểm soát, căn bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, bệnh thận, tổn thương huyết mạch, nhiễm trùng, bệnh tim, tổn thương thần kinh, huyết áp cao, đột quỵ, tê liệt chân tay và hôn mê.

Trong điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để có thể kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu bằng cách kết hợp giữa sử dụng thuốc với chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày.

 

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Với những người mắc bệnh tiểu đường loại 1, cơ thể không tự sản xuất được insulin. Khi không có insulin, tế bào sẽ không sử dụng được glucose (đường), do đó glucose trong máu sẽ tăng cao. Bệnh nhân cần tiêm insulin thường xuyên hoặc sử dụng máy bơm insulin tự động.

Người bệnh tiểu đường loại 1 cần tiêm insulin thường xuyên hoặc sử dụng máy bơm insulin tự động

 

Bởi vì việc điều trị bằng insulin là bắt buộc có tính chất liên tục và đều đặn, nên người bệnh có thể tự tiêm tại nhà hoặc đến bệnh viện. Đối với những trường hợp sử dụng máy bơm insulin tự động, bơm tiêm sẽ tự động đưa lượng insulin vào cơ thể liên tục theo đúng thời gian và liều lượng đã được lập trình.

Insulin có 4 loại:

Tác dụng nhanh (có hiệu lực trong vòng vài phút và kéo dài 2-4 giờ)

Tác dụng ngắn (có hiệu lực trong vòng 30 phút và kéo dài 3-6 giờ)

Tác dụng trung bình (có hiệu lực trong vòng 2-4 giờ và kéo dài đến 18 giờ)

Tác dụng kéo dài (có hiệu lực trong 6-10 giờ và kéo dài hơn 24 giờ)

Mỗi trường hợp sẽ có một kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường được thiết kế riêng và có thể điều chỉnh dựa trên chế độ ăn uống, luyện tập và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu, người bệnh có thể theo dõi được nhu cầu insulin của cơ thể và thảo luận với bác sĩ để tìm ra liều lượng insulin phù hợp nhất. Những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm tra lượng đường trong máu vài lần mỗi ngày bằng máy đo đường huyết. Máy đo đường huyết cho phép theo dõi những biến động đường huyết để từ đó có sự điều chỉnh trong sử dụng thuốc hay chế độ ăn uống và luyện tập.

Trong khi đó với một số bệnh nhân tiểu đường loại 2, đường huyết có thể được kiểm soát hiệu quả chỉ với chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý. Những bệnh nhân khác lại cần điều trị bằng thuốc, bao gồm insulin và một số loại thuốc uống khác.

Người bệnh tiểu đường loại 2 có thể được điều trị bằng thuốc, bao gồm insulin và một số loại thuốc uống khác

 

Thuốc điều trị bệnh tiểu đường loại 2 hoạt động theo những cách khác nhau để làm giảm lượng đường trong máu:

Thuốc làm tăng sản xuất insulin của tuyến tụy, bao gồm chlorpropamide (Diabinese), glimepiride (Amaryl), glipizide (Glucotrol), glyburide (Diabeta, Micronase), nateglinide (Starlix), và repaglinide (Prandin).

Thuốc làm giảm sự hấp thụ đường của ruột, chẳng hạn như acarbose (Precose) và miglitol (Glyset).

Thuốc hỗ trợ cơ thể sử dụng insulin hư pioglitazone (Actos) và rosiglitazone (Avandia).

Thuốc làm giảm sản xuất đường ở gan và cải thiện sức đề kháng insulin, như metformin (Glucophage).

Thuốc làm tăng sản xuất insulin của tuyến tụy hoặc nồng độ trong máu của nó và / hoặc giảm sản xuất đường từ gan, bao gồm albiglutide (Tanzeum), alogliptin (Nesina), dulaglutide (Trulicity).

Thuốc ngăn chặn sự tái hấp thu glucose ở thận và tăng bài tiết glucose trong nước tiểu, hay còn gọi là thuốc ức chế SGLT2.

Pramlinitide (Symlin) là một hormone tổng hợp dạng tiêm, có tác dụng giữ cho lượng đường trong máu thấp hơn sau khi ăn ở những người bị tiểu đường sử dụng insulin.

 

Chế độ ăn uống dành cho người bệnh tiểu đường

Chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường, vì thế nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng

 

Chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng đối với người bệnh tiểu đường, vì thế nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng của bản thân.

Ở bệnh nhân tiểu đường loại 1, thời gian tiêm insulin được xác định bởi chế độ ăn uống và tập thể dục. Thông thường các bác sĩ thường khuyên người bệnh nên ăn 3 bữa chính và 3 – 4 bữa phụ mỗi ngày để duy trì sự cân bằng giữa lượng đường và insulin trong máu.

Lượng carbohydrate, chất béo, protein trong chế độ ăn uống hàng ngày phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả cân nặng và sở thích của người bệnh. Nếu đang thừa cân, nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo. Chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống không được vượt quá 7% đồng thời nên cố gắng tránh tiêu thụ thực phẩm có chứa chất béo chuyển hóa.

 

Tập thể dục

Tập thể dục giúp cải thiện cách sử dụng insulin của cơ thể và có thể làm giảm lượng đường trong máu

 

Một yếu tố rất quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường là tập thể dục. Người bệnh tiểu đường ở bất cứ loại nào cũng nên tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục. Tập thể dục giúp cải thiện cách sử dụng insulin của cơ thể và có thể làm giảm lượng đường trong máu. Để ngăn chặn tình trạng đường huyết xuống thấp ở mức nguy hiểm, nên kiểm tra đường huyết và nếu cần thiết hãy ăn nhẹ khoảng nửa giờ trước khi tập.

Khi phát hiện thấy có những dấu hiệu của tình trạng hạ đường huyết, nên ngừng tập thể dục và ăn nhẹ. Chờ 15 phút và kiểm tra lại đường huyết, tiếp tục ăn nếu đường huyết vẫn ở mức thấp.

Tập thể dục cũng giúp bệnh nhân tiểu đường loại 2 làm giảm lượng đường trong máu  và ngăn ngừa phát triển bệnh này ở những người có nguy cơ cao.

Đối với những người có một trong hai loại bệnh tiểu đường, tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Hầu hết người bệnh tiểu đường đều được khuyến khích dành khoảng 150 phút/tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top