Thực tế cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp ngày càng tăng chủ yếu ở dân văn phòng và những người thường xuyên hoạt động thể lực quá sức. Chính vì thế, chúng ta cần có cách phòng ngừa thoái hóa khớp hiệu quả để thoát khỏi nỗi lo mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn, xương dưới sụn và làm giảm chất lượng dịch khớp. Khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì, nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn; đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng, tấy.
Thoái hóa khớp không chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi mà đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ.
Để phòng tránh nguy cơ mắc thoái hóa khớp, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sau đây:
Kiểm soát cân nặng
Thừa cân – béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp bởi lượng cân dư thừa sẽ tạo áp lực lên các khớp xương, nhất là vùng lưng, hông, háng, đầu gối, bàn chân. Theo thời gian, áp lực này sẽ làm phá hủy các sụn trong khớp và gây hư hỏng và dẫn đến bệnh thoái hóa.
Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng có thể làm giảm áp lực lên khớp cũng như nguy cơ viêm khớp, và đồng thời làm giảm nguy cơ thoái hóa khớp
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ ăn uống cũng có liên quan tới sự hình thành và phát triển bệnh thoái hóa khớp. Nhiều minh chứng chỉ ra có một số chất dinh dưỡng có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Do đó, bạn nên bổ sung những chất sau trong chế độ ăn uống hàng ngày giúp tái tạo sụn khớp, tăng độ dẻo dai, đàn hồi cho các khớp xương.
Canxi: Bổ sung thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn hàng ngày có thể giúp phòng bệnh lý xương khớp hiệu quả. Thực phẩm giàu canxi gồm tôm, cua, cá, rau họ cải, sữa và các chế phẩm từ sữa…
Vitamin C: Vitamin C có nhiều trong ớt xanh, các loại trái cây họ cam quýt, cà chua, bông cải xanh… Nếu mỗi ngày cơ thể được hấp thụ được 120-200mg vitamin C thì có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp gấp ba lần so với người bình thường.
Vitamin D: Những người có nồng độ vitamin D trong máu thấp có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp hơn. Bạn có thể hấp thu vitamin D từ nguồn ánh sáng mặt trời, trong các loại thực phẩm như: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, sữa và trứng.
Omega-3: Omega-3 là axit béo có tác dụng làm giảm viêm khớp. Đây là chất béo tốt cho cơ thể có nhiều trong dầu cá, hạt lanh, đậu nành, quả óc chó và cá hồi.
Tích cực vận động
Thường xuyên vận động thể dục thể thao không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, duy trì cân nặng hợp lý mà còn làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường, tăng sức khỏe cho tim phổi và ngăn ngừa thoái hóa khớp hiệu quả.
Vì vậy mỗi ngày bạn cần dành ra 30 phút tập luyện, 5 ngày/ tuần sẽ giúp xương khớp chắc khỏe. Tuy nhiên trong hoặc sau khi tập luyện, bạn thấy xuất hiện cơn đau ở xương khớp thì cần dừng ngay. Để tránh chấn thương trong quá trình luyện tập, bạn hãy bắt đầu bài tập thật chậm và từ từ tăng dần lên, đồng thời hãy thay đổi các bài tập thể dục mỗi ngày.
Duy trì tâm lý thoải mái
Việc lặp đi lặp lại một hành động, công việc hay tư thế nào đó vượt quá sức của cơ thể nếu diễn ra thường xuyên và trong một thời gian dài sẽ gây tổn thương cho khớp. Vì thế, chúng ta cần có một thời khóa biểu lao động và nghỉ ngơi một cách hợp lý để làm dịu cơ thể và khôi phục năng lượng cho bản thân.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ
Các bệnh lý xương khớp có thể được phát hiện nhờ thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ngoài ra, nếu có bất cứ tổn thương nào ở xương khớp, bạn cần đi khám ngay để có biện pháp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm.
Nhiều người lầm tưởng thoái hóa khớp chỉ gặp ở người trung niên, cao tuổi. Thực tế, bệnh cũng xuất hiện ở cả người trẻ do chế độ ăn uống thiếu khoa học, vận động không hợp lý hoặc thường xuyên làm việc nặng, chấn thương trong thời gian dài… Vì thế, việc áp dụng những cách phòng ngừa thoái hóa khớp nêu trên rất cần thiết để có hệ xương khớp khỏe mạnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh