Hiện nay, insulin là một yếu tố quan trọng trong các phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, các chế phẩm insulin rất đa dạng, tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin điều trị phù hợp. Vậy có những loại insulin nào? Insulin tác dụng nhanh là gì và phù hợp với những bệnh nhân nào?
1. Những loại insulin phổ biến hiện nay
Hiện nay, các loại insulin đang được sử dụng phổ biến là:
Insulin tác dụng nhanh: Có tác dụng nhanh chóng sau khi tiêm, chỉ trong vòng từ 5 đến 15 phút.
Insulin tác dụng ngắn: Có tác dụng sau 30 – 60 phút kể từ khi tiêm và nên tiêm trước bữa ăn khoảng 30 phút
Insulin tác dụng trung gian/bán chậm: Có tác dụng sau khi tiêm khoảng 1 đến 2 giờ nhưng tác dụng của nó thường kéo dài hơn so với insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng ngắn.
Insulin tác dụng kéo dài là loại insulin mà tác dụng của nó có thể kéo dài trên 1 ngày.
Insulin trộn (hay còn gọi là insulin hỗn hợp): Đây là loại insulin kết hợp giữa loại insulin tác dụng nhanh với các loại insulin khác, chẳng hạn như insulin tác dụng kéo dài hay insulin tác dụng trung gian/bán chậm.
Insulin là một yếu tố quan trọng trong các phác đồ điều trị dành cho bệnh nhân tiểu đường
Ngoài cấu trúc và thời gian tác dụng của insulin thì hiệu quả của việc sử dụng insulin còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Cụ thể là:
- Liều insulin: Khi sử dụng insulin liều cao thì tác dụng của nó có thể kéo dài hơn so với insulin liều thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý cần tuân thủ tuyệt đối theo các bác sĩ điều trị về liều dùng insulin trong quá trình điều trị bệnh.
Tiêm insulin vào vùng bụng thì khả năng hấp thu sẽ nhanh hơn ở những vị trí khác
- Vị trí tiêm: Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sử dụng insulin. Thông thường, tiêm insulin vào vùng bụng thì khả năng hấp thu sẽ nhanh hơn ở những vị trí khác. Trong khi đó, tiêm insulin ở vùng chân hay mông thì khả năng hấp thu insulin sẽ chậm hơn. Với những trường hợp tiêm insulin ở cánh tay thì có thể đạt tốc độ trung bình. Khi tiêm insulin, cần thường xuyên thay đổi vị trí tiêm để tránh gây loạn dưỡng mỡ hoặc chai sần vùng tiêm.
- Kỹ thuật tiêm: Bác sĩ cần thực hiện đúng kỹ thuật tiêm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Cụ thể, kim tiêm cần phải đâm đúng chỗ và đúng độ sâu. Nếu mũi tiêm quá nông thì có thể khiến bệnh nhân bị đau và giảm tác dụng của thuốc, ngược lại nếu mũi tiêm quá sâu có thể khiến insulin hấp thụ vào cơ nhiều hơn.
- Bên cạnh đó, một số yếu tố khác có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thu của insulin chẳng hạn như hút thuốc làm giảm giảm hấp thu insulin; xông hơi, tập luyện lại có thể làm tăng hấp thu insulin.
Vì những lý do trên, các bác sĩ sẽ kiểm tra và cân nhắc thật kỹ để đảm bảo sử dụng đúng loại, đúng liều và đúng vị trí, kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả sử dụng insulin trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
2. Insulin tác dụng nhanh là gì và phù hợp với những bệnh nhân nào?
2.1. Insulin tác dụng nhanh là gì? Có những loại nào?
Mục đích của việc sử dụng Insulin tác dụng nhanh chính là giúp bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn một cách hiệu quả và nhanh chóng, từ đó có thể hạn chế, phòng ngừa tình trạng đường huyết tăng sau khi ăn.
Insulin tác dụng nhanh giúp bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu sau khi ăn
Loại insulin này sẽ có thể đạt hiệu quả trong khoảng 5 đến 15 phút sau khi tiêm và tác dụng của nó sẽ đạt hiệu quả cao nhất từ 1 đến 2 tiếng và có thể kéo dài tác dụng đến khoảng 5 tiếng. Bệnh nhân thường được tiêm insulin tác dụng nhanh ngay sau khi ăn để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Dưới đây là một số loại insulin tác dụng nhanh:
- Insulin lispro: Thời gian tác dụng nhanh và có thể được sử dụng trong khi ăn. Phát huy tác dụng tối đa sau khoảng 1 giờ kể từ khi tiêm và tác dụng của nó có thể duy trì trong khoảng 2 đến 5 giờ.
- Insulin aspart: Loại insulin này có tác dụng cực nhanh và tác dụng của nó có thể kéo dài khoảng 3 đến 5 giờ. Bệnh nhân nên được tiêm trước bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
- Insulin glulisine: Loại insulin này hoạt động tốt nhất trong khoảng 15 phút trước bữa ăn và khoảng 20 phút kể từ khi bắt đầu bữa ăn. Nó có thể duy trì tác dụng trong khoảng 4-5 giờ.
- Insulin thông thường: Loại insulin này có tác dụng chậm hơn nhưng lại có tác dụng kéo dài lâu hơn so với những loại trên. Sau khi tiêm khoảng 30 đến 60 phút thì thuốc bắt đầu có tác dụng, phát huy tác dụng tối đa trong khoảng 2 đến 4 giờ và tác dụng duy trì trong khoảng 6 đến 8 giờ.
2.2. Insulin tác dụng nhanh phù hợp với những ai?
-Insulin tác dụng nhanh phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 với tác dụng đưa lượng đường về mức bình thường một cách nhanh chóng. Những bệnh nhân này cần được dùng insulin ngoại sinh suốt cuộc đời còn lại của họ vì cơ thể không có khả năng sản xuất đủ lượng insulin cần thiết.
Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 cũng có thể bổ sung insulin tác dụng nhanh nếu họ đã áp dụng chế độ ăn uống, tập luyện khoa học đồng thời sử dụng thuốc hạ đường huyết dạng uống nhưng vẫn không thể kiểm soát lượng đường trong máu.
Loại thuốc này cũng có thể được kết hợp với insulin tác dụng trung gian để dùng cho đối tượng phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.
Người bệnh cần chủ động sắp xếp để ăn uống và tiêm thuốc theo thời gian biểu cố định
- Khi sử dụng loại insulin tác dụng nhanh, bệnh nhân cần phải chú ý một số vấn đề sau:
Bệnh nhân nên được tiêm thuốc vào trước bữa ăn khoảng 15 phút. Người bệnh cần chủ động sắp xếp thời gian để có thể ăn uống và tiêm thuốc theo thời gian biểu cố định để thuốc phát huy tác dụng một cách tốt nhất.
Không được tiêm thuốc quá liều, nếu kết hợp tiêm thuốc quá liều với tình trạng không kịp ăn hoặc bệnh nhân ăn quá ít, có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết.
Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng hơn khi sử dụng và nên tham khảo ý kiến của bác sẽ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng.
Với những bệnh nhân mắc bệnh về thận, gan, cũng có thể được sử dụng thuốc nhưng cần giảm liều và sử dụng dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ điều trị.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh