✴️ Kiểm soát và chẩn đoán đái tháo đường

Nội dung

Tiền đái tháo đường và đái tháo đường

Tiền đái tháo đường là một tình trạng mà mức đường huyết trên mức bình thường nhưng chưa đến mức đái tháo đường. Nhiều bác sĩ coi tiền đái tháo đường là giai đoạn đầu của bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Các nghiên cứu cho thấy 15 đến 30% của những người mắc tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành bệnh đái tháo đường trong khoảng 5 năm mà không có sự can thiệp. Trên thực tế, hầu hết những người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đều có tình trạng tiền đái tháo đường trước tiên.

Những người mắc bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người không mắc.

Có 4 xét nghiệm mà các bác sĩ thực hiện để xác định xem bệnh nhân có bị đường huyết cao hay không.

     xét nghiệm tầm soát đái tháo đường

Kiểm tra A1c

Xét nghiệm A1c là xét nghiệm máu đo tỷ lệ phần trăm đường gắn với huyết sắc tố - một loại protein trong các tế bào hồng cầu (RBCs). A1c hiện tại càng cao, nghĩa là lượng đường trong máu trung bình càng cao trong khoảng thời gian 2-3 tháng vừa qua.

Bài kiểm tra A1c còn được gọi bằng các tên sau:

  • Xét nghiệm huyết sắc tố A1c
  • Xét nghiệm HbA1c
  • Xét nghiệm huyết sắc tố glycosyl hóa

A1c bình thường là dưới 5,7%, tương ứng với mức đường trong máu trung bình ước tính thấp hơn 117 mg/dL.

A1c từ 5,7% đến 6,4% cho thấy tiền đái tháo đường. Chỉ số A1c từ 6,5 trở lên cho thấy bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, có tới 25% những người có A1C từ 5,5 đến 6% sẽ bị đái tháo đường trong 5 năm; đối với những người có A1c từ 6 đến 6,4 phần trăm, thời gian này rút ngắn chỉ còn 2,5 năm.

 

 

Kết quả

A1c

Mức đường huyết trung bình ước tính (mg / dL)

 

Kết quả A1C bình thường

Dưới 5,7%

Dưới 117

 

Kết quả tiền đái tháo đường

5,7 đến 6,4%

117 đến 137

Kết quả đái tháo đường

Trên 6,4%

Trên 137

 

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG)

Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói (FPG) là xét nghiệm máu được thực hiện sau khi đã nhịn ăn qua đêm.

Kết quả xét nghiệm glucose lúc đói bình thường thấp hơn 100 mg/dL. Kết quả 100-125 mg/dL được chẩn đoán tiền đái tháo đường. Nếu trên 126 mg/dL trở lên là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Kết luận tiểu được cần dựa trên nhiều lần xét nghiệm.

 

Kết quả

FPG (mg/dL)

Kết quả FPG bình thường

Dưới 100

Kết quả tiền đái tháo đường

100-125

Kết quả đái tháo đường

Trên 125

 

Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên (RPG)

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên (RPG) là một xét nghiệm máu có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày mà không cần phải nhịn ăn nhằm đo mức đường trong máu tại thời điểm lấy máu.

Kết quả RPG cho thấy, trên 200 mg/dL là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường, đặc biệt nếu có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như khát nước quá nhiều, đói hoặc đi tiểu kèm theo.

Nếu chỉ số ở mức cao hơn, bác sĩ sẽ sử dụng một trong những xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán.

 

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT)

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT) mất nhiều thời gian hơn một chút so với hai xét nghiệm glucose khác đối với bệnh đái tháo đường. Trong xét nghiệm này, máu được lấy vào buổi sáng khi chưa dung nạp bất kì thực phẩm hay đồ uống nào và tiếp đó hai giờ sau khi uống đồ uống có đường ở 01 nồng độ quy định sẵn.

Kết quả bình thường cho lượng đường trong máu tăng sau khi uống. Tuy nhiên, lượng đường trong máu bình thường giảm xuống dưới 140 mg/dL trong vòng hai giờ.

Nếu lượng đường trong máu nằm trong khoảng từ 140-199 mg / dL, bác sĩ sẽ chẩn đoán tiền đái tháo đường. Mức 200 mg/dL trở lên là chẩn đoán cho bệnh đái tháo đường tuýp 2.

 

Kết quả

Mức OGTT (mg/dL)

Kết quả OGTT bình thường

Dưới 140

Kết quả tiền đái tháo đường

140-199

Kết quả đái tháo đường

Trên 199

Kiểm soát tiền đái tháo đường

Nếu được chẩn đoán tiền đái tháo đường, có thể thực hiện một số biện pháp để giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường và đưa đường huyết trở về mức bình thường.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Thay đổi chế độ ăn uống có thể cần cả một quá trình dài, vì vậy hãy bắt đầu bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ. Theo dõi tất cả mọi loại thức ăn ăn vào trong vài ngày để có thể hiểu những nhóm thực phẩm nào đang ăn quá mức. Nên ăn thực phẩm mỗi ngày từ mỗi trong năm nhóm:

  • Rau
  • Trái cây
  • Hạt
  • Chất đạm
  • Sản phẩm bơ sữa

Mục tiêu là chọn thực phẩm tươi sống thay vì thực phẩm chế biến cao có chứa đường, ít chất xơ và chất béo không lành mạnh.

Lựa chọn các thực phẩm chứa ít năng lượng cũng như chuyển đổi thực phẩm carbohydrate đơn giản cho carbohydrate phức tạp….

Vận động thường xuyên

Tập thể dục cũng rất quan trọng để kiểm soát đường huyết của bạn. Mục tiêu cần đạt được là 30 phút tập mỗi ngày và ít nhất 5 ngày 1 tuần.

Hãy nhớ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một thói quen tập luyện mới nhằm có những sự lựa chọn vận động thể chất thích hợp.

Duy trì cân nặng hợp lý

Chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục có thể giúp giảm hoặc duy trì cân nặng hợp lý. Tránh trường hợp ăn kiêng không khoa học và kế hoạch tập luyện quá sức.

Quan điểm

Tiền đái tháo đường thường dẫn đến bệnh đái tháo đường, và hầu hết không có triệu chứng đáng chú ý. Đó là lý do tại sao cần phải kiểm tra mức đường huyết thường xuyên, đặc biệt với các đối tượng trên 45 tuổi hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.

Nên tiến hành xét nghiệm trước 45 tuổi nếu có một trong những yếu tố rủi ro khác như:

  • Ít hoạt động thể chất
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường
  • Sinh em bé nặng hơn 4kg
  • Huyết áp trên 140/90 mm Hg
  • Lipoprotein mật độ cao (HDL) dưới 35 mg/dL
  • Mức chất béo trung tính trên 250 mg / dL
  • Mức A1c bằng hoặc lớn hơn 5,7%
  • Đường huyết lúc đói cao trên 100 mg/dL trong lần kiểm tra trước.
  • Các tình trạng khác liên quan đến kháng insulin, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc tình trạng ứ đọng sắc tố trên da (acanthosis nigricans)
  • Tiền sử bệnh tim mạch

Nếu bị tiền đái tháo đường, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 bằng cách tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày và giảm 5-10% trọng lượng cơ thể.

Bác sĩ cũng có thể kê một số đơn thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Tiền đái tháo đường không phải lúc nào cũng tiến triển đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Thay đổi lối sống có thể giúp giữ mức đường trong máu được duy trì ở mức ổn định.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top