Nguyên nhân hạ đường huyết
Khi các tế bào không được cung cấp glucose, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng rối loạn suy nghĩ, mất định hướng, nhức đầu, lên cơn co giật, bất tỉnh, hôn mê. Nguyên nhân gây hạ đường huyết có thể do các yếu tố sau:
Chế độ dinh dưỡng
Nếu bạn ăn không đủ, bỏ bữa, ăn quá ít, có thể gây ra các vấn đề như:
Hạ đường huyết do ăn không đúng bữa (ăn trễ giờ) hoặc bỏ bữa (đặc biệt là bỏ bữa ăn sáng).
Bỏ bữa vì quên ăn hoặc muốn giảm cân bằng cách nhịn ăn hoặc bụng lúc đó vẫn còn no nên không muốn ăn.
Hạ đường huyết do ăn không đủ lượng cacbohydrat (các loại tinh bột)
Đói lâu ngày sẽ khiến hạ đường huyết
Uống nhiều rượu, bia, đặc biệt là lúc đang đói cũng có thể gây hạ đường huyết.
Do bị tiểu đường
Việc điều hòa lượng đường trong máu một cách hài hòa là do hai loại hormon insulin và glucagon do tuyến tụy sản xuất ra: insulin sẽ làm giảm lượng glucoza còn glucagon sẽ làm tăng glucoza. Sự điều hòa của hai loại hormon này rất nhịp nhàng. Trong bệnh tiểu đường do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng tốt với insulin nên làm tăng lượng glucoza trong máu. Điều trị đái đường không đúng phương pháp, như dùng quá liều insulin; insulin hấp thu quá nhanh hoặc quá kéo dài do loạn dưỡng mỡ dưới da ở những vùng tiêm insulin lâu ngày; tiêm ở những vùng hoạt động nhiều (tay, chân…); chườm nóng sau khi tiêm insulin.
Đối với người bệnh điều trị bằng thuốc viên (sulfamid), hạ đường huyết thường có các nguyên nhân do uống quá liều, uống thuốc xa bữa ăn chính. Không ăn nhưng vẫn uống thuốc. Tự động uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Hoạt động thể lực quá sức.
Nguyên nhân khác
Hạ đường huyết do hoạt động quá mức bình thường như tập thể dục, thể thao (chạy điền kinh, bơi lội, leo núi, lao động nặng…) Mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn như nhiễm trùng phổi và đường tiểu tiện, đặc biệt ở người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão. Các bệnh nghiêm trọng về thận, gan, tuyến giáp, ung thư. Rối loạn các cơ quan nội tiết hormon. Hạ đường huyết cũng có thể xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi người phụ nữ phải làm việc vất vả, hoặc xảy ra ở những người uống quá nhiều đồ uống có cồn.
Các triệu chứng khi bị hạ đường huyết
Thể nhẹ: đói, người run, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, lờ đờ, người mệt mỏi,… Nếu được uống nước đường hay thức ăn thức ăn ngọt sẽ các triệu chứng nhanh chóng sẽ hết.
Thể nặng: buồn nôn, đau bụng, ngất, hôn mê, co cơ hàm hoặc cơn co giật toàn thân, có khi liệt nửa thân, trụy tim mạch,…
Điều trị hạ đường huyết như thế nào?
– Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay. Hạ đường huyết nhẹ thì dùng ngay bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà. Tuy nhiên không được quá lạm dụng vì dễ đẫn đến việc đường huyết tăng.
– Nếu hạ đường huyết do bệnh tiểu đường thì nên tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày
– Không bỏ bữa ăn, ăn đủ lượng cacbonhydrat, ăn thêm bữa phụ, ăn nhiều rau…
– Nên tập thể dục thường xuyên và đúng bài bản.
– Đối với người do bị đái đường cần tiêm hay cho bệnh nhân uống glucoza, tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân khó phát hiện. Chất insulin do tuyến tụy tiết ra có tác dụng điều hòa đường huyết.
– Trường hợp do u tuyến tụy gọi là hạ đường huyết tự phát. Bệnh này có thể điều trị khỏi hẳn nếu được phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh