✴️ Những điều cần biết về bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Nội dung

Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là lupus) là một trong những rối loạn hệ miễn dịch thuộc nhóm bệnh tự miễn. Trong các bệnh lý tự miễn, hệ miễn dịch trở nên hoạt động thái quá và chống lại các mô lành mạnh của chính mình. Điều này dẫn đến tình trạng viêm và gây tổn hại cho nhiều mô trong cơ thể.
Lupus là một tình trạng viêm mạn tính, có thể tác động lên nhiều mô và nhiều hệ thống khác nhau của cơ thể như các khớp, da, thận, tim, phổi, các tế bào máu và não.

Hiện tại, lupus là bệnh không chữa khỏi được hoàn toàn. Tuy nhiên lupus có thể điều trị hiệu quả với thuốc, và hầu hết người bệnh lupus có thể có cuộc sống chủ động, khỏe mạnh. Lupus điển hình tiến triển bùng phát từng đợt đan xen với những thời kỳ lui bệnh khỏe mạnh. Hiểu rõ cách phòng ngừa và điều trị thích hợp các đợt bùng phát sẽ giúp cho người bệnh lupus duy trì được sức khỏe tốt hơn.

Triệu chứng

Các biểu hiện của lupus không phải bao giờ cũng giống hệt nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra đột ngột hay từ từ, có thể nhẹ hay nặng, và có thề là tạm thời hay thường xuyên. Đa số người bệnh lupus có biểu hiện nhẹ với các đợt bùng phát nặng hơn, sau đó được cải thiện và cũng có thể đôi khi biến mất hẳn theo thời gian.

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất là:

  • Tỷ lệ mắc bệnh nữ / nam là 9:1. Độ tuổi hay gặp: 20 - 30 tuổi.

  • Toàn thân: mệt mỏi, sốt dai dẳng.

  • Da: khoảng 70 % người bệnh lupus có triệu chứng da. Các tổn thương da xuất hiện hoặc xấu đi khi phơi ra nắng (nhạy cảm với ánh sáng).

Có 3 dạng tổn thương da: mạn tính (ban dạng đĩa), bán cấp và cấp tính.

  • Tổn thương ban dạng đĩa có thể mọc dày từng mảng đỏ trên da.
  • Tổn thương da bán cấp biểu hiện là các mảng đỏ, vảy da với các hình thù khác nhau.
  • Tổn thương da cấp tính là các ban đỏ, điển hình là ban hình cánh bướm ở sống mũi và hai bên má, nhạy cảm với ảnh nắng. Ban này có ở 30-60% người bệnh lupus. Đi kèm với các tổn thương khác như rụng tóc, loét miệng và mũi.
  • Đau khớp: trong đợt bệnh phát hay gặp đau cơ, đau các khớp nhỏ của bàn tay-cổ tay, cứng khớp và phù. Thường không dẫn đến giảm khả năng vận động hay hủy hoại khớp.
  • Các ngón tay ngón chân trắng ra hay xanh tái khi bị lạnh hoặc trong các thời kỳ tâm trạng căng thẳng - stress (hiện tượng Raynaud).
  • Khó thở.
  • Đau ngực.
  • Khô mắt.

Huyết học: thiếu máu, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu ảnh hưởng đến đông máu gây tăng đông, tăng nguy cơ tắc mạch máu.
Tim: tổn thương tại nhiều nơi khác nhau của tim như xơ hóa màng ngoài tim, viêm cơ tim, tổn thương van hai lá, van 3 lá.
Phổi: gây tràn dịch màng phổi do viêm, viêm phổi mô kẽ, tăng áp lực động mạch phổi, thuyên tắc phổi, xuất huyết phổi.
Thận: người bệnh có thể tiểu máu hoặc tiểu đạm. Các tổn thương thận cấp hoặc mạn tính đều có thể tiến triển thành viêm thận lupus, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo.
Thần kinh: biểu hiện tâm thần kinh là do tổn thương lan tới hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Biểu hiện bao gồm: đau đầu, rối loạn nhận thức, co giật, lo âu, trầm cảm.
Sinh sản: lupus có thể làm tăng tỷ lệ thai chết lưu và sẩy thai. Nhìn chung tỷ lệ thai sống ở người bệnh lupus khoảng 72%. Tiên lương không tốt cho những người mang thai có đợt lupus bùng phát. Lupus sơ sinh (ở trẻ có người mẹ mắc bệnh lupus và khi sinh ra có triệu chứng của lupus), thường có biểu hiện ban đỏ da dạng đĩa, đôi khi nặng trẻ có thể có các bất thường như rối loạn nhịp tim (blôc tim) hoặc gan lách to. Tiên lượng:lupus sơ sinh thường lành tính và tự khỏi.

Nguyên nhân

Lupus xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tấn công vào các mô lành mạnh của chính cơ thể bạn. Một người có khuynh hướng di truyền lupus có thể sẽ phát triển thành bệnh khi tiếp xúc với một yếu tố nào đó trong môi trường để gây ra lupus.

Tuy nhiên, các nguyên nhân của lupus trong đa số trường hợp là chưa được biết. Một số yếu tố khởi phát lupus có khả năng là:

  • Ánh nắng mặt trời. Phơi nắng có thể gây ra các tổn thương da của lupus hay làm khởi phát một đáp ứng bên trong ở người dễ mắc bệnh (người nhạy cảm).
  • Các nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn có thể mở đầu lupus hay gây ra tái phát lupus cho một số người.
  • Các thuốc. Lupus có thể được khởi phát bởi một vài loại thuốc chống động kinh, các thuốc chữa huyết áp và các kháng sinh. Ở người bỉ lupus do thuốc, thường sẽ hết các triệu chứng khi họ ngừng thuốc.

     Lupus ban đỏ

Yếu tố nguy cơ

  • Giới. Lupus gặp nhiều hơn ở nữ. Tuổi. Tuy có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng lupus thường gặp nhất là từ 15 đến 40 tuổi
  • Chủng tộc. Lupus thường gặp hơn ở người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và người châu Á.

Biến chứng

Tình trạng viêm của lupus có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan của cơ thể:

  • Thận. Lupus có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng của thận, và suy thận là một trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu của lupus. Các dấu hiệu và triệu chứng về thận bao gồm: ngứa khắp nơi, đau ngực, buồn nôn, nôn và phù chân.
  • Não và thần kinh trung ương. Lupus có thể gây ra nhức đầu, chóng mặt, thay đổi hành vi, chứng ảo giác, và cả đột quị hay động kinh. Nhiều người bị các vấn đề về trí nhớ, khó diễn đạt các ý nghĩ.
  • Máu và mạch máu. Có thể bị thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu hay đông máu và viêm thành mạch
  • Phổi. Lupus làm tăng nguy cơ viêm màng phổi, có thể gây đau khi thở. Cũng làm cho dễ bị viêm phổi.
  • Tim. Lupus có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Gây nguy cơ bệnh tim-mạch và các cơn đau tim.
  • Có thể làm tăng: nhiễm khuẩn (vì điều trị lupus làm yếu hệ miễn dịch), ung thư, hoại tử vô mạch của xương nhất là khớp háng (xảy ra khi giảm cấp máu cho xương).

 Biến chứng khi thai nghén. Lupus làm cho dễ sẩy thai, cao huyết áp (tiền sản giật) và đẻ non. Để giảm các biến chứng này, người ta khuyến cáo nên trì hoãn việc có thai cho đến khi bệnh đã kiểm soát được ít nhất 6 tháng.     

Chế độ sinh hoạt

  • Gặp bác sĩ của bạn đều đặn. Giúp đề phòng các đợt tái phát, giảm căng thẳng tâm lý, chế độ ăn và bài tập đề phòng biến chứng
  • Nghỉ ngơi và giấc ngủ đầy đủ.
  • Phải cẩn thận với ánh nắng mặt trời. Vì các tia cực tím có thể gây ra đợt phát ban, phải bảo vệ bằng cách đội mũ, mặc áo dài tay, quần dài. Bôikem chống nắng khi đi ra ngoài.
  • Tập tành đều đặn. Giúp hồi phục sau đợt phát ban, giúp giảm nguy cơ đau tim, chống buồn phiền.
  • Không hút thuốc.Vì hút thuốc làm nặng thêm hiệu quả của lupus lên hệ tim-mạch của bạn.
  • Chế độ ăn lành mạnh. Ưu tiên dùng trái cây, rau củ quả toàn hạt.
  • Các thuốc bổ sung:

          + Dầu cá. Trong dầu cá có các acid béo omega-3 có ích cho người bị lupus. Tác dụng phụ của dầu cá: buồn nôn, ợ hơi, và mùi vị cá trong miệng.
          + Vitamin D, calcium, chống viêm không steroid.

Lupus và thai nghén

Phụ nữ lupus mang thai có các tỷ lệ sẩy thai và sinh non cao hơn so với dân số chung. Thêm vào đó, phụ nữ có kháng thể kháng phospholipid có nguy cơ sẩy thai cao, nhất là trong tam cá nguyệt thứ hai vì tăng nguy cơ tạo cục máu đông trong nhau thai.

     

Người bệnh lupus có tiền căn bệnh thận có nguy cơ cao mắc tiền sản giật (tăng huyết áp với tình trạng tăng giữ nước trong tế bào hoặc trong các mô). Do đó, tư vấn mang thai và đặt kế hoạch khi nào mang thai là rất quan trọng. Lý tưởnglà khi người phụ nữ bị lupus đã ổn định, không còn triệu chứng và đã ngưng các thuốc được ít nhất 6 tháng, khi đó mới nên có thai.

 Một số phụ nữ có thể trải qua đợt cấp từ nhẹ đến trung bình lúc mang thai trong khi những người khác lại không bị. Đối với phụ nữ lupus mang thai, đặc biệt là những người sử dụng corticosteroids có nguy cơ của tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn dung nạp đường và biến chứng thận, việc chăm sóc và dinh dưỡng tốt trong thai kỳ là rất cần thiết. Đồng thời cũng nên xem xét việc chuyển đơn vị chăm sóc tích cực trẻ sơ sinh tại thời điểm sinh nếu thấy em bé cần được chăm sóc đặc biệt về mặt y tế.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top