✴️ Những loại tổn thương trong biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

1. Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh ở bệnh tiểu đường

Nguyên nhân gây biến chứng thần kinh tiểu đường là sự kết hợp của tổn thương dây thần kinh và tổn thương mạch máu nhỏ nuôi dưỡng dây thần kinh đó.

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài ở người tiểu đường có thể sinh ra các chất độc hại, gây ra tổn thương trên các mô thần kinh. Đồng thời, mạch máu nuôi dưỡng cũng bị chít hẹp do đường huyết cao, khiến các dây thần kinh không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, dần dần thoái hóa.

Ước tính rằng khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường có biểu hiện của biến chứng thần kinh. Đây là một biết chứng phổ biến và nguy hiểm. Bởi chúng là “tác nhân” thúc đẩy sự tiến triển của loét bàn chân, gây ra ảnh hưởng to lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (đặc biệt nếu phải cắt cụt chi).

Thống kê cho thấy nguy cơ cắt chi ở người bệnh tiểu đường có biến chứng thần kinh cao hơn gấp 23 lần so với người bình thường. Điều này cũng gây ra gánh nặng kinh tế cho người bệnh và gia đình của họ.

2. Dấu hiệu nhận biết biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường có thể gặp ở các nhóm tổ chức thần kinh khác nhau với các triệu chứng khác nhau.

2.1. Dấu hiệu bệnh thần kinh ngoại vi

Biến chứng thần kinh ngoại vi của bệnh tiểu đường là các tổn thương ở dây thần kinh ngoại vi, phổ biến nhất là dây thần kinh bàn chân và chân.

Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân và cẳng chân
  • Đau hoặc cảm giác nóng rát
  • Mất cảm giác ở bàn chân hoặc cẳng chân

Đôi khi, các triệu chứng này có thể xảy ra ở bàn tay hoặc cánh tay.

2.2. Dấu hiệu bệnh thần kinh khu trú

Biến chứng này ảnh hưởng đến một dây thần kinh hoặc một khu vực cụ thể tại bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các triệu chứng có thể xuất hiện một cách đột ngột. Bệnh thường không gây ra các vấn đề lâu dài và các triệu chứng thường cải thiện trong vài tuần đến vài tháng. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm: 

  • Tức ngực
  • Đau mắt, thay đổi về tầm nhìn
  • Liệt một bên mặt
  • Đau ở một vùng cục bộ trên cơ thể

2.3. Dấu hiệu bệnh thần kinh tự chủ

Bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh tự chủ – hệ thống kiểm soát các hoạt động vô thức và các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, phản ứng con ngươi, tiểu tiện và kích thích tình dục.

Vì thế, người bệnh bị biến chứng thần kinh tự chủ sẽ có các dấu hiệu như:

  • Tiểu không kiểm soát, không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn…
  • Tiêu chảy, táo bón, nôn, buồn nôn, khó nuốt…
  • Rối loạn chức năng tình dục…
  • Chóng mặt, ngất xỉu…
  • Giảm lượng dịch nhờn âm đạo…
  • Ra nhiều mồ hôi, có thể ra mồ hôi ban đêm…
  • Hạ huyết áp tư thế, nhịp tim nhanh…

2.4. Dấu hiệu bệnh thần kinh gần

Biến chứng này sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đùi, hông hoặc mông, thường gặp ở các bệnh nhân trung niên trở lên. Các triệu chứng có thể không đối xứng giữa 2 chân. Một số biểu hiện thường gặp:

  • Đau dữ dội ở vùng đùi và bụng
  • Loạn cảm ở chân
  • Cơ đùi yếu và teo cơ.
  • Khó khăn khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
  • Đôi khi có giảm cân đáng kể

Những biểu hiện do bệnh thần kinh gần ở người tiểu đường có thể giảm dần khi đường huyết kiểm soát tốt trở lại.

 

3. Cách điều trị biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Mặc dù biến chứng thần kinh do tiểu đường rất khó để chữa khỏi, nhưng vẫn có những phương pháp điều trị để giúp kiểm soát triệu chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Đầu tiên, người bệnh cần giữ được mức đường huyết ổn định để tổn thương thần kinh không trở nên trầm trọng hơn. Theo đó, một chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp với thuốc men đầy đủ là điều tối quan trọng. 

Các biểu hiện của bệnh thần kinh do tiểu đường cũng có thể được kiểm soát bằng một số loại thuốc như:

  • Thuốc chống trầm cảm (Duloxetine – Cymbalta, Nortriptyline – Pamelor, Aventyl và desipramine – Norpramin), thuốc chống động kinh (gabapentin – Neurontin, carbamazepine – Tegretol và pregabalin – Lyrica), Opioid để giảm đau.
  • Thuốc chống co thắt hoặc kháng cholinergic giúp ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ.
  • Thuốc điều trị rối loạn cương dương như sildenafil ( Viagra ), tadalafil ( Cialis ) và vardenafil ( Levitra ). 
  • Kem bôi trơn hay estrogen âm đạo giúp giảm khô và kích ứng âm đạo.
  • Tiêm botulinum (Botox) đã điều trị chứng đổ mồ hôi bất thường.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò quan trọng của các sản phẩm thảo dược chuyên biệt cho biến chứng tiểu đường trong việc hỗ trợ cải thiện biến chứng thần kinh. Theo đó sản phẩm này có thể giúp bảo vệ tính toàn vẹn của mạch máu, thần kinh, cân bằng rối loạn chuyển hóa, từ đó mang lại tác động “kép” cho người bệnh:

  1. Hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau tê, châm chích, bỏng rát, rối loạn cương… do biến chứng thần kinh gây ra.
  2. Giúp ổn định đường huyết, phòng ngừa các biến chứng tiểu đường khác.

Nhiều chuyên gia nhận định: Đây cũng là lựa chọn tốt giúp người tiểu đường tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Ngoài ra người bệnh có thể dùng miếng dán có chứa chất gây tê tại chỗ lidocain và kem capsaicin. Kem Capsaicin là một loại thuốc bôi không kê đơn đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau dây thần kinh.

4. Phòng ngừa biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường

Kiểm soát bệnh tiểu đường là cách tốt nhất để phòng ngừa hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thần kinh do tiểu đường. Người bệnh cần ổn định đường huyết trong giới hạn khuyến cáo của bác sĩ bằng một chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc đều đặn.

Bên cạnh đó, đừng quên chăm sóc bàn chân hằng ngày để giảm nguy cơ gặp biến chứng loét bàn chân. Cách chăm sóc bàn chân tiểu đường như sau:

  • Kiểm tra bàn chân, kẽ chân, móng chân, da chân hàng ngày xem có vết xước, vết chai sạn, vết rộp, khô nứt, đỏ nóng căng bất thường nào không. Nếu có bất thường, cần báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện để được hướng dẫn cách chăm sóc đúng.
  • Vệ sinh bàn chân sạch sẽ bằng xà phòng nhẹ và nước ấm. Nếu da quá khô có thể dùng kem dưỡng ẩm nhưng không thoa vào kẽ chân.
  • Cắt móng tay, móng chân thường xuyên bằng cách cắt thẳng ngang, tránh cắt quá sát phần da và không cắt vào khóe móng.
  • Luôn mang giày dép, vớ để giữ ấm và bảo vệ chân. Với giày, phải chọn giày kín ngón và gót, mềm, bên trong không gồ ghề, không bó sát vào bàn chân. Với vớ, cần chọn vớ mềm, không có đường may và thường xuyên thay vớ sạch, khô mỗi ngày.
  • Cẩn thận với nhiệt độ, nên dùng nhiệt kế hoặc khuỷu tay, mu bàn tay để kiểm tra nhiệt độ nước trước khi dùng.
  • Không ngồi bắt chéo chân quá lâu, nên nâng cao chân khi ngồi và tập vận động bàn chân, ngón chân hàng ngày.

 

Có thể thấy, biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra rất nhiều rắc rối ảnh hưởng đến cuộc sống. Việc kiểm soát đường huyết và điều trị tích cực, đồng thời sử dụng sản phẩm từ thảo dược để bảo vệ tính toàn vẹn của mạch máu, thần kinh sẽ giúp người bệnh phòng tránh từ sớm biến chứng thần kinh tiểu đường. Khi biến chứng không may xảy ra, người bệnh cũng có thể giảm nhẹ được các triệu chứng để sống khỏe mạnh hơn với tiểu đường.

Có thể bạn quan tâm: Những bệnh da có liên quan đến bệnh lý đái tháo đường

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top