Phần lớn chị em đều cảm nhận cơ thể của mình có nhiều thay đổi kể cả trong quá trình mang thai và sau khi sinh em bé. Vậy sự thay đổi nội tiết tố có ý nghĩa gì? Thực tế, khi mang thai, cơ thể thai phụ đã bắt đầu sản sinh số lượng lớn các hormone như Progesterone, Estrogen. Tuy nhiên, ngay thời điểm em bé chào đời và những ngày, những tuần sau đó, số lượng hormone này sẽ giảm đi đáng kể. Trong khi đó, nồng độ của hai loại hormone Oxytocin và Prolactin lại có biểu hiện tăng cao trong giai đoạn sau sinh.
Nội tiết tố phụ nữ thay đổi sau khi sinh con do đâu?
Theo bác sĩ, hiện tượng thay đổi nội tiết tố sau sinh được lý giải do sự mất cân bằng của các hormone sinh sản ở nữ giới khiến mặt tinh thần và thể chất của sản phụ bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đều nhanh chóng hồi phục sau vài ngày nên người thân cần phải tìm hiểu thêm những vấn đề liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố để có thể cảm thông và giúp đỡ mẹ bỉm vượt qua giai đoạn khó khăn sau sinh.
Hầu hết các thai phụ hiểu rõ sự xuất hiện của bào thai khiến cơ thể của mình có nhiều thay đổi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng được trang bị những kiến thức cơ bản về sự mất cân bằng nội tiết tố trong giai đoạn mang thai và nhất là sau khi em bé chào đời. Để giúp bạn đọc dễ dàng hình dung về những thay đổi nội tiết tố sau sinh trong từng thời điểm, sau đây là một số chia sẻ hữu ích từ bác sĩ:
Ngay giây phút em bé chào đời chính là thời khắc đáng nhớ nhất đối với mỗi người mẹ. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm nội tiết tố trong cơ thể sản phụ bắt đầu có sự thay đổi mới và kéo dài liên tục đến nhiều ngày sau đó. Tuy nhiên, biểu hiện của sự rối loạn nội tiết tố thường thể hiện rõ rệt sau vài giờ sinh em bé với những đặc điểm đặc trưng như:
Hormone Oxytocin gia tăng nhanh sau khi sinh con
Hàm lượng hormone Oxytocin sản sinh ngay lập tức nhằm thay thế cho hàm lượng hormone Progesterone và Estrogen đã mất đi. Theo một vài nghiên cứu cho thấy, hormone này có ý nghĩa quan trọng đến bản năng, tình cảm của nữ giới khi làm mẹ.
Ngay thời điểm em bé lọt lòng và bác sĩ lấy phần bánh nhau ra khỏi cơ thể mẹ thì hàm lượng hormone Estrogen và Progesterone bắt đầu giảm đáng kể.
Hormone Prolactin sản sinh hàm lượng lớn với tốc độ khá nhanh nhằm kích thích khả năng sản xuất sữa từ cơ thể mẹ.
Sau khoảng 3 tuần, phụ nữ sau sinh dần nhận thấy cảm xúc và suy nghĩ của mình dần có sự cải thiện và ổn định hơn. Đồng thời, với những chị em lần đầu có con, họ cũng dần quen với những công việc hằng ngày để chăm sóc em bé. Ở giai đoạn này, việc mất ngủ, cảm xúc không ổn định không chỉ xuất phát từ vấn đề chăm con mà còn liên quan đến sự sản sinh quá nhiều hàm lượng Adrenalin.
Sau khi sinh con khoảng 6 tuần, nội tiết tố của cơ thể mẹ bỉm sữa có sự thay đổi rõ rệt khiến nhiều chị em bắt đầu có những dấu hiệu cảnh báo tình trạng trầm cảm sau sinh. Trong đó, những vấn đề mà phụ nữ vừa sinh con có thể gặp phải như quá chú tâm hoặc không quan trọng đến việc vệ sinh, cảm thấy không an tâm khi để người khác chăm con, ăn không ngon, ngủ không đủ giấc, không có nhu cầu tiếp xúc với mọi người, không muốn đi ra ngoài,...
Sau ba tháng chăm sóc con, người mẹ đã hình thành và dần hoàn thiện hơn những công việc, thói quen trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ thì ở thời điểm này, hàm lượng hormone trong cơ thể phụ nữ vẫn chưa thực sự cân bằng và hồi phục như thời gian trước khi sinh em bé. Phần lớn các trường hợp, sự thay đổi nội tiết tố sau sinh sẽ dần cân bằng sau khoảng 2 - 3 tháng kể từ khi em bé chào đời.
Mẹ bỉm dần cân bằng nội tiết tố ở tháng thứ 3 sau sinh
Tuy nhiên, với những áp lực, căng thẳng trong quá trình chăm con, cơ thể chị em vẫn tiếp tục sản sinh hàm lượng lớn hormone Cortisol. Bên cạnh đó, hàm lượng hormone Serotonin và Melatonin cũng có biểu hiện giảm đi do giấc ngủ không sâu hoặc thiếu ngủ. Những yếu tố này có thể khiến tâm lý chị em càng trở nhạy cảm và ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm lý của mẹ bỉm khá nhiều.
Sau khi sinh em bé khoảng 6 tháng, hàm lượng các loại hormone Progesterone và Estrogen dần cân bằng và trở về mức trước bình thường trước trẻ chào đời. Tuy nhiên, hormone Prolactin (một dạng hormone liên quan đến khả năng sản sinh sữa của mẹ) bắt đầu sụt giảm. Thực tế, khi trẻ được 6 tháng, mẹ sẽ bắt đầu cho trẻ ăn dặm vì thế lượng sữa trẻ bú sẽ ít hơn lúc trước. Do đó, nhu cầu tiết sữa dần giảm đi, khả năng sản xuất sữa mẹ không còn nhiều như trước.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh