Dự phòng hình thành sỏi mật

1. Ai cần phải dự phòng sỏi

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định trong việc hình thành nên sỏi cholesterol. Trước tuổi thanh thiếu niên sỏi mật rất ít gặp, còn sau tuổi 40 tỉ lệ này gia tăng rõ rệt. Những yếu tố nguy cơ khác để hình thành nên sỏi mật bao gồm: nữ , sinh đẻ nhiều, uống thuốc ngừa thai, chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất sợi, béo bệu, giảm cân nhanh, một vài loại thuốc, bệnh đường ruột làm mất muối mật như là bệnh Crohn và do yếu tố di truyền nữa.

Nguy cơ sỏi cholesterol đặc biệt cao ở những phụ nữ sinh đẻ nhiều. Hormon estrogen của nữ làm gia tăng nồng độ cholesterol trong mật và giảm sự co bóp của túi mật. Tác dụng của estrogen cũng được chứng minh ở những người dùng thuốc ngừa thai và phụ nữ dùng liệu pháp estrogen thay thế thì nguy cơ sỏi mật gia tăng.

Vai trò của chế ăn trong việc hình thành nên sỏi mật thì không rõ ràng. Tuy nhiên, chế độ ăn có calorie cao, nhiều chất béo, ít sợi đã cho thấy có liên quan đến nguy cơ của sự hình thành nên sỏi cholesterol. Điều đáng chú ý là nồng độ cholesterol huyết thanh cao có thể không là nguy cơ cao của sỏi cholesterol nhưng trái lại nồng độ triglyceride cao lại có thể là yếu tố nguy cơ. Béo bệu thường kèm với sự gia tăng bài tiết cholesterol trong mật, vì vậy làm gia tăng nguy cơ bị sỏi cholesterol. Khi người béo bệu trải qua thời kỳ sụt cân nhanh chóng thì nguy cơ bị sỏi mật lại tăng hơn nữa. Điều này xảy ra là do hậu quả của sự gia tăng cholesterol và giảm muối mật ở những bệnh nhân có chương trình giảm cân nhanh.

Những bệnh có ảnh hưởng lên ruột có thể làm mất muối trong cơ thể và dẫn tới sự hình thành sỏi cholesterol. Đây là điều quan trọng cần để ý những bệnh nhân bị bệnh Crohn, một bệnh viêm ruột non, nguy cơ cao bị sỏi mật hơn.

Những thuốc làm hạ thấp lipid trong cơ thể như là clofibrate có thể làm gia tăng cholesterol trong mật và dẫn tới làm gia tăng nguy cơ cao bị sỏi mật.

Yếu tố di truyền đóng vai trò khá quan trọng. Sỏi mật thường gặp ở nhiều thành viên trong gia đình. Một ví dụ khá rõ ràng cho vấn đề này là ở những người Pima Indian sống ở Tây Nam Mỹ, nơi bệnh sỏi mật ở phụ nữ trẻ có thể tới 80%.

Những yếu tố nguy cơ của sỏi sắc tố mật là vệ sinh ăn uống kém thường liên quan tới sự gia tăng sắc tố bilirubin trong mật. Điều này được thấy rõ ở những bệnh có sự phá hủy hồng cầu như bệnh hồng cầu hình liềm, sốt rét hoặc trên nền bệnh gan như xơ gan.

Trong các nguy cơ trên, có những nguy cơ không thay đổi được, nhưng có nhiều nguy cơ có thể thay đổi được giúp chúng ta có thể có những biện pháp dự phòng hình thành sỏi mật.

Những người cần dự phòng sỏi:

+ Người có tiền sử sỏi mật: người đã được mổ lấy sỏi, đã cắt túi mật do sỏi...

+ Người béo phì: Theo nghiên cứu của Đại học Kentucky (Mỹ), béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh sỏi túi mật. Theo dõi trong 15 năm cho thấy 3.200 trong tổng số 42.000 phụ nữ béo phải mổ sỏi mật. Người có vòng eo hơn 91,5 cm nguy cơ mổ lấy sỏi mật cao gấp đôi người có vòng eo dưới 66 cm. Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, gần 42% bệnh nhân sỏi mật có béo phì.

+ Những người béo phì trong đợt giảm cân nhanh có nguy cơ cao hình thành sỏi mật cũng cần dự phòng.

+ Người tăng cholesterol máu: Sỏi mật thường đi kèm với tình trạng cholesterol cao trong máu. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo nhất là tăng triglycerid máu.

+ Người có nhiễm khuẩn đường mật.

+ Người có dị dạng đường mật hoặc có những cản trở lưu thông của đường mật.

 + Người có tình trạng hủy hồng cầu: hồng cầu bị hủy sẽ làm tăng bilirubin trong máu và được gan chuyển thành bilirubin liên hợp không kịp, bilirubin tự do đào thải qua mật sẽ tạo sỏi sắc tố mật.

Siêu âm túi mật cho thấy sỏi túi mật

 

2. Biện pháp dự phòng sỏi mật

- Chế độ ăn:

Chế độ ăn là biện pháp quan trọng nhất trong dự phòng sỏi mật hình thành.

+ Giảm mỡ: Cần hạn chế các thực phẩm cholesterol như phủ tạng động vật (óc, tim, gan, lòng, bầu dục..), lòng đỏ trứng... Không nên ăn quá 50g mỡ mỗi ngày, riêng cholesterol không nên sử dụng quá 250mg mỗi tuần, tương đương không nên sử dụng quá hai quả trứng một tuần và càng không nên sử dụng liên tiếp trong một ngày.

+ Tăng đạm để tăng tạo tế bào gan đã bị tổn thương, chống thoái hóa mỡ tế bào gan. Nên ăn cá nhiều hơn thịt.

+ Giàu đường bột: Thức ăn này dễ tiêu, lại không ảnh hưởng đến mật. Nhiều chất xơ lại giúp tiêu hóa tốt tránh táo bón. Nên ăn gạo lứt (gạo mới xay còn nguyên vỏ cám, không sát trắng) trong vỏ cám có nhiều vitamin B1.

+ Giàu vitamin C và nhóm B (để tăng chuyển hóa chất mỡ và đường bột). Dùng rau và hoa quả tươi rất tốt. Ăn nhiều rau giúp ruột tăng co bóp đồng thời kích thích mở cơ Oddi để mật xuống ruột, vì thế rau rất có lợi để dự phòng sỏi mật.

+ Tỷ lệ giữa các chất dinh dưỡng đạm, mỡ, đường ở người trưởng thành bình thường là 1/0,75/5 còn ở người bị sỏi mật nên là 1/0,5/5.

+ Thức ăn không nên dùng: Trà, cà phê, cacao, chocolate; thịt nhiều mỡ, dầu cọ, dầu dừa, phủ tạng động vật. Hạn chế ăn lòng đỏ trứng.

+ Thức ăn nên dùng: Nước quả, hoa quả tươi các loại, rau tươi, bánh kẹo ít trứng bơ, các loại thịt cá nạc như nạc thăn lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các loại đậu đỗ như đậu tương, đậu xanh, đậu đen. Ngoài ra có một số thức ăn lợi mật như nghệ, lá chanh, có thể dùng được.

+ Để kích thích túi mật co bóp nhẹ nhàng, có thể dùng một ít chất béo dễ tiêu như bơ rồi đến dầu thảo mộc sống, mỡ gà vịt.

- Điều trị tích cực viêm đường mật:

Viêm đường mật là cơ hội lớn nhất cho ứ mật và sỏi hình thành. Nếu được điều trị kịp thời, mọi biểu hiện viêm sẽ không còn, mật sẽ không bị ứ lại và như vậy không có nguy cơ tạo sỏi.

- Phẫu thuật chỉnh sửa các dị dạng và tình trạng cản trở đường mật

Sự cản trở lưu thông mật tạo cơ hội cho nhiếm khuẩn và hình thành sỏi đường mật, vì vậy khi có cản trở lưu thông đường mật cần giải quyết bằng các biện pháp thích hợp.

return to top