✴️ Tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

Bệnh tiểu đường xếp hàng thứ 10 là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia. Theo thống kê cứ 10 người mắc tiểu đường thì có tới 9 người mắc tiểu đường type 2. Vậy tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

 

Bệnh tiểu đường type 2 có nguy hiểm không?

Tiểu đường type 2 là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao, liên quan chủ yếu đến chế độ dinh dưỡng và lối sống chưa phù hợp. Bệnh thường gặp ở những người thừa cân, ít vận động, có chế độ ăn quá thừa năng lượng, giàu chất đường, chất béo. Tiểu đường type 2 là một bệnh lý nguy hiểm, bởi nếu không được kiểm soát tốt nó có thể gây ra nhiều biến chứng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, dẫn tới tàn phế hoặc tử vong. Những tổn thương thường gặp gồm có:

Biến chứng tiểu đường type 2 gây loét chân

  • Tổn thương mắt: gây suy giảm thị lực và dẫn tới mù lòa.

  • Biến chứng tim mạch: gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

  • Tổn thương thận: dẫn tới suy thận.

  • Bệnh thần kinh tiểu đường: làm tổn thương hệ thần kinh ngoại vi (với triệu chứng tê bì, châm chích, bỏng rát chân tay,…) và tổn thương thần kinh tự chủ (dẫn đến khô da, khô âm đạo, rối loạn cương, tiêu chảy, táo bón…).

Tổn thương võng mạc do tiểu đường type 2

  • Nhiễm trùng: gây nhiễm trùng răng lợi, sinh dục, tiết niệu,..

 

Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 2

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao:

– Tuổi > 45

– Người có BMI = 23, vòng eo > 90 cm (nam), > 80 cm (nữ)

– Người có người thân (bố, mẹ, anh, chị, em ruột đã mắc bệnh đái tháo đường)

– Người có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, xảy thai, đái tháo đường thai nghén, sinh con to ≥ 4kg)

– Tăng huyết áp vô căn ( ≥ 140/90 mmHg)

– Người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết lúc đói

– Người có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ

– Tăng triglyceride (mỡ) máu.

– Chế độ ăn nhiều chất béo.

– Uống nhiều rượu

– Ngồi nhiều

– Béo phì hoặc thừa cân.

Để kiểm soát tốt bệnh lý này, trước hết bạn cần tuân thủ sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, đồng thời kết hợp chặt chẽ với một chế độ ăn uống và luyện tập khoa học (hạn chế đồ ăn ngọt, ăn giảm muối, giảm mỡ, tăng cường rau xanh, tập thể dục đều đặn ít nhất 30p mỗi ngày). Nếu tuân thủ áp dụng một phác đồ điều trị đúng, bạn hoàn toàn có thể yên tâm chung sống khỏe mạnh với căn bệnh tiểu đường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top