Chữ 'người bệnh' hay 'patient' đã từng được thảo luận trong y văn. Trong một bài viết trên tập san BMJ, tác giả Julia Neuberger, giám đốc một quĩ bảo hiểm, đề nghị định nghĩa lại chữ 'patient'. Bà nói đến những người bệnh mà khoẻ mạnh, còn gọi là 'well patient'. Nhưng cách bà tiếp cận là từ góc độ bình đẳng giữa nhân viên y tế và người bệnh. Để tạo bình đẳng bà đề nghị dùng chữ 'user' (người sử dụng dịch vụ y tế) thay vì 'patient'.
Thế nhưng trong bài bàn luận, Giáo sư Raymond Tallis thẳng thừng bác bỏ đề nghị của bà Neuberger. Ông lí giải rằng chẳng có gì sai khi dùng chữ 'patient' cả, và nếu bỏ chữ đó thì không có chữ nào thích hợp để thay thế. Ông hỏi thay đổi chữ có đem lại thay đổi tích cực cho người bệnh. Chẳng có bằng chứng nào để nói vậy cả. Còn thay patient bằng chữ user hay consumer thì càng tệ vì nó có thể dùng để cổ suý cho sự thương mại hoá mối liên hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, và làm xói mòn truyền thống chăm sóc và thấu cảm của ngành y.
Giáo sư Tallis gay gắt phê phán rằng cái đề nghị thay đổi chữ patient mà chẳng có chứng cứ gì cả là một loại nghị luận y khoa ban sơ (primitive medical discourses), ý nói nghị luận quá kém cỏi. (Trong tiếng Anh, chữ primitive có nghĩa khá nặng nề).
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1116090/
Chúng ta thử tham khảo từ điển y khoa định nghĩa chữ 'patient' (tức người bệnh) ra sao. Mỗi từ điển định nghĩa một cách, nhưng tựu trung lại, người bịnh là:
• người CẦN được chăm sóc bởi nhân viên y tế;
• người CHỜ được điều trị;
• người ĐANG được điều trị một bệnh hay một hội chứng nào đó;
• người BỊ THƯƠNG (kể cả quân nhân) và cần phải được điều trị;
• người TỰ ĐIỀU TRỊ tại nhà [theo hướng dẫn của nhân viên y tế] nhằm giảm đau hay phòng ngừa bệnh tật xảy ra.
Đó là cách hiểu -- cũng có thể nói là định nghĩa -- thế nào là 'người bệnh'. Không phải đơn giản chỉ là "người bệnh là người có bệnh".
Trích lược bài viết của Giáo sư Nguyễn Tuấn