✴️ Các biến chứng hàng đầu của bệnh tiểu đường phổ biến và nguy hiểm

Nội dung

1. Biến chứng mạn tính

1.1.Biến chứng trên tim mạch

Các thống kê cho thấy, người tiểu đường có nguy cơ gặp các vấn đề về tim mạch cao gấp 2-4 lần so với người bình thường. Bệnh tiểu đường gây tổn thương các tế bào nội mạc, đây là yếu tố góp phần dẫn đến hình thành mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch. Việc tổn thương tại lớp nội mạc mạch máu cũng chính là nguyên nhân hình thành nên các cục huyết khối trong lòng mạch, gây tắc mạch. Người bệnh sẽ phải đối diện với nhiều mối nguy cơ như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…

1.2.Biến chứng trên thận

Biến chứng trên thận ở người tiểu đường còn được gọi là bệnh thận đái tháo đường. Tình trạng này xảy ra là do lượng đường máu tăng quá cao, lâu ngày không được kiểm soát sẽ hủy hoại các vi mạch máu trong thận, làm tổn thương cầu thận khiến cho chức năng lọc tại cầu thận bị ảnh hưởng, dẫn đến suy thận.

1.3.Biến chứng trên thần kinh

Đây là biến chứng mà người bệnh có thể cảm nhận rõ ràng nhất. Đường huyết tăng cao nếu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các sợi thần kinh trong cơ thể, biểu hiện rõ ràng nhất là các dây thần kinh ở chân. Do đó, người tiểu đường thường có cảm giác tê chân, mất cảm giác nóng lạnh, cơ bắp yếu dần, đi lại gặp nhiều khó khăn,….

1.4.Biến chứng trên thị giác

Các biến chứng tiểu đường tại mắt thường gặp bao gồm: tăng nhãn áp, bệnh võng mạc và đục thủy tinh thể. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối diện với nguy cơ mù lòa. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm năng suất lao động. Vì thế, bệnh nhân tiểu đường khi thấy bất kì sự thay đổi bất thường nào tại mắt cần phải đến ngay các cơ sở y tế thăm khám để được khắc phục kịp thời.

1.5.Nguy cơ nhiễm trùng

Chắc hẳn những vết loét trên cơ thể bệnh nhân tiểu đường đã không còn xa lạ với nhiều người. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là bởi nồng độ trong máu tăng cao chính là môi trường ưa thích của các loại vi khuẩn. Do đó, chỉ cần một vết xước nhỏ trên cơ thể người bệnh thôi cũng đã tạo nên điều kiện sống lý tưởng để các vi khuẩn sinh sôi. Kèm theo đó là hiện tượng rối loạn thần kinh cảm giác khiến người tiểu đường khó cảm nhận được các tổn thương ngoài da. Cộng gộp những vấn đề trên đã khiến cho các vết loét nhỏ trên cơ thể bệnh nhân ngày càng trở nặng, thậm chí tạo thành những ổ nhiễm trùng khó hồi phục, dẫn đến hoại tử.

Tiểu đường gây nhiễm trùng vết thương

1.6.Nguy cơ đối với phụ nữ mang thai

Bệnh tiểu đường thai kỳ (phụ nữ mang thai bị tiểu đường) chiếm đến 3-7% tổng số phụ nữ mang thai. Nếu không được phát hiện và kiểm soát đúng cách, tình trạng này sẽ gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai bị tiểu đường có thể phải đối diện với nguy cơ cao sẩy thai, thai lưu, sinh non, huyết áp cao, đa ối, nhiễm trùng đường tiết niệu,… Nghiêm trọng hơn, về lâu dài những đối tượng này có nguy cơ tiến triển thành tiểu đường type 2.

 Biến chứng cấp tính

2. Biến chứng cấp tính

2.1.Hạ đường huyết

Biến chứng hạ đường huyết ở người tiểu đường thường xảy ra do có quá nhiều insulin và không đủ lượng đường trong máu. Tình trạng này thường gặp ở người tiểu đường điều trị bằng tiêm insulin, một số ít trường hợp dùng điều trị bằng thuốc cũng có thể gặp phải. Dấu hiệu cảnh báo người tiểu đường hạ đường huyết bao gồm: chân tay run, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, nhịp tim nhanh,…

2.2.Hôn mê

Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Khi đã được chẩn đoán xác định mắc tiểu đường, tình trạng hôn mê có thể xảy ra ở cả 2 trường hợp: lượng đường trong máu cao nguy hiểm và lượng đường trong máu thấp nguy hiểm. Chính vì thế nếu kiểm tra thấy đường huyết quá cao hoặc quá thấp và cảm thấy không thể kiểm soát được thì bệnh nhân hoặc người thân cần liên lạc ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

2.3.Nhiễm toan ceton

Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm, xảy ra khi cơ thể bệnh nhân tiểu đường sản sinh quá hiểu acid trong máu (còn gọi là ceton). Nhiễm toan ceton xuất hiện khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, dẫn đến những rối loạn nghiêm trọng trong quá trình chuyển hóa protid, lipid, carbohydrate. Đây là một cấp cứu y tế cần được theo dõi tại bệnh viện vì có nguy cơ dẫn đến hôn mê, phù não, thậm chí là tử vong.

3. Biện pháp phòng ngừa và hạn chế biến chứng của bệnh tiểu đường

Để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường, điều quan trọng nhất là tuân thủ theo sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Uống thuốc đúng giờ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi loại thuốc hay liều lượng khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Chế độ ăn uống phải có kiểm soát nghiêm ngặt, giảm carbonhydrate, hạn chế muối, chất béo xấu (mỡ động vật), chất đạm (từ thịt đỏ, trứng, sữa,…). Tích cực bổ sung các thực phẩm chứa nhiều chất xơ hòa tan, giàu vitamin và khoáng chất. Chia nhỏ thành các bữa chính-phụ trong ngày, bữa phụ nên bổ sung nhiều hoa quả như bưởi, táo, cam, thanh long,…

Bên cạnh đó, người bị tiểu đường cần tích cực luyện tập thể dục. Các nghiên cứu chứng minh, việc tập luyện thường xuyên không chỉ giúp tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh mà còn giúp giảm đường huyết, tăng tiết insulin rất hiệu quả. Bệnh nhân tiểu đường có thể lựa chọn cho mình những môn thể thao phù hợp như: đi bộ, bơi lội, thiền, yoga,…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top