✴️ U tuyến yên tiết prolactin là bệnh gì có nguy hiểm không?

Tuyến yên được đánh giá là “tuyến chủ” trong hệ thống nội tiết với nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của tuyến thượng thận, tuyến giáp, đặc biệt là buồng trứng và tinh hoàn. Tuy nhiên, u tuyến yên tiết prolactin là một trong những “rào cản” khiến cơ quan này không thể thực hiện được toàn bộ nhiệm vụ vốn có của mình trong cơ thể người.

 

1. U tuyến yên tiết prolactin là bệnh gì? 

U tuyến yên tiết prolactin không phải là tên gọi duy nhất của bệnh lý này. Bên cạnh đó, nó còn có tên gọi khác như u tuyến yên tăng tiết prolactin hay đơn giản hơn u tiết prolactin. 

U tuyến yên thường là khối u lành tính phát triển ở tế bào tuyến yên và ít có xu hướng phát triển nhanh chóng theo thời gian. Khối u này được chia thành hai nhóm chính: u tuyến yên không tăng tiết và u tuyến yên tăng tiết. 

 

U tuyến yên tiết prolactin ảnh hưởng đến sức khỏe 

 

Còn đối với prolactin, đây là một hormone do tuyến yên sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tuyến vú, đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan khác trong tế bào. 

U tuyến yên tiết prolactin là khối u làm tăng nồng độ prolactin trong máu. Lúc này, nồng độ prolactin trong cơ thể bệnh nhân có thể tăng lên cấp số nhân so với người bình thường. 

Đây là bệnh lý không giới hạn về tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, phụ nữ trong giai đoạn từ 20 - 34 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Mặc dù không phải là bệnh lý đe dọa đến tính mạng nhưng đây cũng là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe sinh sản và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

 

2. Nguyên nhân của u tuyến yên tăng tiết prolactin 

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh lý này. Tuy nhiên, vẫn có một số lý do nhất định khiến nồng độ prolactin trong máu tăng nhanh mà bạn cũng cần biết để chủ động chăm sóc sức khỏe đúng cách. Cụ thể: 

Nguyên nhân bệnh lý 

Để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh luôn là yếu tố tiên quyết. Bởi vì tuyến yên có tác dụng kiểm soát hoạt động của nhiều bộ phận khác nên khi những bộ phận này không khỏe mạnh, tuyến yên cũng rất dễ “nhiễm bệnh”. 

Suy tuyến giáp là một trong những bệnh lý gây ra tình trạng này

 

Suy tuyến giáp: Đây là bệnh lý không hiếm gặp xảy ra do tuyến giáp không có đủ khả năng để sản xuất đủ hormone cho quá trình trao đổi chất. Nếu không được điều trị kịp thời, suy giáp có thể khiến cho prolactin trong máu tăng nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm hơn nữa. 

Tổn thương vùng dưới đồi: Đây là một vùng nằm giữa tuyến yên và đồi thị. Dù chỉ là một vùng nhỏ trong trung tâm não bộ nhưng lại đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng trong việc sản xuất hormone cùng với nhiều hoạt động khác trong cơ thể. 

Trong một vài trường hợp, những tổn thương, khối u hoặc nhiễm trùng vùng dưới đồi có thể là nguyên nhân chính khiến cho tuyến yên tiết nhiều prolactin hơn. 

Một số bệnh lý khác như xơ gan, suy thận mãn tính, tủy sống bị tổn thương. 

Nguyên nhân sinh lý 

Bên cạnh những nguyên nhân bệnh lý kể trên, u tuyến yên tiết prolactin cũng bắt nguồn từ những chấn thương sau phẫu thuật, thường xuyên căng thẳng, thời gian sinh hoạt ngủ nghỉ không hợp lý. Ngoài ra, đối với phụ nữ, u tiết prolactin còn xuất phát từ những nguyên nhân như sau: 

Mang thai: Trong suốt quá trình mang thai, hormone prolactin huyết thanh không ngừng tăng nhanh mà đỉnh điểm là sau khi sinh. nồng độ estradiol huyết thanh tăng cũng có thể kéo theo sự phát triển của prolactin trong máu. 

Phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

 

Giai đoạn cho con bú: Đây là thời điểm mà prolactin tăng lên một cách nhanh chóng thông qua việc kích thích núm vú mỗi lần cho con bú. Đặc biệt, nồng độ prolactin có thể chạm ngưỡng 300ng/ml trong những tuần đầu tiên sau khi sinh. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng cần kể đến như mặc áo ngực quá chặt, thường xuyên kích thích, xoa bóp núm vú và đã từng tiến hành phẫu thuật có liên quan trực tiếp đến vòng 1. 

Nguyên nhân dược lý 

Trên thực tế, chính những loại thuốc mà bạn sử dụng thường xuyên lại là nguyên nhân khiến cho tuyến yên sản xuất một lượng lớn prolactin trong máu. 

Có thể kể đến một vài ví dụ điển hình như thuốc tránh thai có chứa estrogen, thuốc ức chế thụ thể H2 như cimetidin hay metoclopramid - một loại thuốc có tác dụng chống buồn nôn được rất nhiều ưa chuộng nhờ vào sự tiện lợi của nó. 

 

3. Triệu chứng của bệnh u tuyến yên tiết prolactin 

Triệu chứng của bệnh không có sự tương đồng giữa hai giới tính. Cụ thể như sau:

Ở nam giới: 

Thị lực suy giảm. 

Nữ hóa tuyến vú: Đây là tình trạng kích thước tuyến vú tăng lên bất thường ở nam giới do tăng sản lành tính ở các mô. Trong một vài trường hợp có thể gây đau nhức cho người bệnh. 

Xuất hiện những cơn đau đầu thường xuyên. 

Đau đầu là một trong những triệu chứng thường gặp ở nam giới 

 

Ham muốn tình dục suy giảm một cách rõ rệt. 

Trường hợp nặng hơn có thể gây vô sinh. 

Ở nữ giới: 

Dịch tiết bất thường ở núm vú và có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. 

Thường xuyên cảm thấy đau tức vòng một. 

Giảm ham muốn trong chuyện “vợ chồng”. 

Mệt mỏi kèm theo những cơn đau đầu kéo dài. 

Rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có thể gây vô sinh. 

Thị lực ngày một suy giảm. 

 

4. Phương pháp điều trị u tiết prolactin

Nhìn vào những triệu chứng vừa rồi cũng có thể dễ dàng nhận thấy hệ quả nghiêm trọng của bệnh lý này. Do đó, khi phát hiện những biểu hiện bất thường trong cơ thể, hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị một cách kịp thời. 

Tùy vào kích thước của từng khối u mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất. Với khối u nhỏ có thể kiểm soát bằng thuốc và theo dõi. Còn đối với những khối u có kích thước lớn hơn sẽ cần đến phẫu thuật hoặc xạ trị để có thể loại bỏ một cách triệt để, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Điều trị bằng phẫu thuật để cắt bỏ khối u ra khỏi cơ thể

 

Bên cạnh đó, việc xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa những biến chứng có thể xảy ra của u tuyến yên prolactin. Điều mà bạn cần làm chính là tái khám đúng lịch để kịp thời theo dõi tiến triển của bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Như vậy, u tuyến yên tiết prolactin là một trong những bệnh lý dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, thậm chí cản trở quá trình được “chạm” đến thiên chức làm bố, làm mẹ mà bao người hằng ao ước. Hy vọng bài viết vừa rồi sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích để chủ động phòng tránh cũng như điều trị kịp thời! 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top