Triệu chứng và nguyên nhân gây đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân đứng thứ 5 gây tử vong và là nguyên nhân chính gây ra các di chứng ở người trưởng thành tại Mỹ. Hiện nay, các phương pháp điều trị có thể làm giảm hậu quả của đột quỵ và việc điều trị càng sớm càng tốt có thể giúp ngăn ngừa tình trạng khuyết tật vĩnh viễn. Hiểu biết về các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ có thể giúp phòng tránh cũng như xử lý đúng cách trong trường hợp nguy cấp, giúp tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.

Các dấu hiệu thường gặp của đột quỵ

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng.

  • Đột ngột tê, yếu hoặc không thể cử động mặt, cánh tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên cơ thể).
  • Lú lẫn.
  • Khó khăn trong giao tiếp.
  • Khó nhìn ở một hoặc hai bên mắt.
  • Chóng mặt, đi lại khó khăn hoặc mất thăng bằng.
  • Đau đầu đột ngột, dữ dội.
  • Khó thở.
  • Mất ý thức.

Dấu hiệu FAST

  • F (Face - khuôn mặt): một bên khuôn mặt chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống. Bằng cách yêu cầu bệnh nhân mỉm cười và so sánh đối xứng 2 bên khuôn mặt.
  • A (Arms - cánh tay): Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên cao qua khỏi đầu, nâng thẳng cánh tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức.
  • S (Speech - Lời nói): Người có dấu hiệu đột quỵ thường khó phát âm một câu đơn giản, có thể nói lắp, khó hiểu hoặc không thể nói.
  • T (Time - thời gian): Nếu có bất kì dấu hiệu nào của đột quỵ, thậm chí chỉ một trong số chúng, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi phút với người đột quỵ đều quý giá và việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu các tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi.

 

Một số triệu chứng ở phụ nữ có thể khác biệt

Đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở nam giới. Theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, mỗi năm có thêm 55.000 phụ nữ bị đột quỵ so với nam giới.

Các triệu chứng đột quỵ mà phụ nữ gặp phải có thể khác với những triệu chứng của nam giới, bao gồm:

  • Khó thở hoặc hụt hơi.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Mệt mỏi.
  • Đau ngực.
  • Buồn nôn.
  • Nấc cụt.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể sử dụng để chẩn đoán đột quỵ

  • Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) sử dụng tia X để chụp ảnh não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để hiển thị những thay đổi trong mô não.
  • Siêu âm động mạch cảnh hoặc chụp động mạch cảnh, quan sát các động mạch cung cấp máu cho não.
  • Điện tâm đồ giúp phát hiện các vấn đề về tim có thể dẫn đến đột quỵ.
  • Siêu âm tim.

 

Nguyên nhân đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi quá trình máu vận chuyển oxy lên não vì một lý do nào đó mà bị chặn lại. Có hai loại đột quỵ: thiếu máu cục bộ và xuất huyết não.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là trình trạng xuất hiện các cục máu đông làm tắc nghẽn dòng máu đến não. Loại đột quỵ này chiếm 87% tổng số trường hợp. Sự tắc nghẽn có thể hình thành khi các động mạch cung cấp máu cho não bị thu hẹp do tích tụ mảng bám. Các mảng bám đó là sự kết hợp của chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ ở lớp lót bên trong thành động mạch. Tình trạng này thường được gọi là xơ vữa động mạch, hay “xơ cứng động mạch”.

Xuất huyết là tình trạng chảy máu trong hoặc xung quanh não. Chúng chiếm khoảng 13% các trường hợp đột quỵ. Chảy máu xảy ra khi một mạch máu bị suy yếu trong não và bị vỡ, rò rỉ vào các mô não xung quanh. Chảy máu có thể làm tăng áp lực trong não và gây tổn thương.

Hai tình trạng bất thường của mạch máu có thể gây ra đột quỵ xuất huyết đó là:

  • Chứng phình động mạch - sự giãn bất thường của động mạch và
  • Dị dạng động tĩnh mạch - sự bất thường của các mạch máu kết nối động mạch và tĩnh mạch.

 

Các yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ

Một số yếu tố môi trường, điều kiện y tế và thói quen sinh hoạt làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một số yếu tố rủi ro đó có thể thay đổi được nhưng một số thì không thể như:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ đột quỵ có thể cao hơn nếu ông bà, cha mẹ hoặc anh chị em đã từng bị đột quỵ trong quá khứ.
  • Tuổi: Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, đột quỵ thường gặp nhất ở người lớn trên 65 tuổi. Nguy cơ bị đột quỵ tăng gấp đôi trong mỗi thập kỷ của cuộc đời sau tuổi 55.
  • Giới tính: phụ nữ gặp tình trạng đột quỵ nhiều hơn nam giới và đột quỵ là nguyên nhân dẫn đến cái chết mỗi năm ở phụ nữ nhiều hơn.
  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ và người Alaska bản địa có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người da trắng hoặc người châu Á không phải gốc Tây Ban Nha.
  • Bệnh sử cá nhân: đã từng bị đột quỵ trước đó sẽ có nguy cơ cao gặp đột quỵ lần tiếp theo.

Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, bao gồm:

  • Huyết áp cao: huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Nó có thể làm hỏng và suy yếu các động mạch khắp cơ thể, khiến chúng dễ vỡ hoặc tắc nghẽn hơn.
  • Cholesterol cao: Cholesterol là một chất béo góp phần hình thành mảng bám trong động mạch, chúng có thể sẽ ngăn chặn lưu lượng máu đến não.
  • Các bệnh lý tim mạch: Bệnh động mạch vành, sự tích tụ mảng bám trong động mạch, đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các bệnh lý tim mạch khác cũng vậy, bao gồm khuyết tật van tim và nhịp tim không đều (rung nhĩ).
  • Bệnh tiểu đường: Không chỉ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhiều người mắc huyết áp cao, cholesterol cao và thừa cân đều làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm: Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một dạng thiếu máu di truyền thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ. Khi đó, trẻ sẽ không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đủ oxy đến các bộ phận của cơ thể. Tình trạng này làm tăng nguy cơ đột quỵ nếu tế bào hình liềm chặn lưu lượng máu đến não. Các bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm đặc biệt, không gây đau để đánh giá trẻ có nguy cơ bị đột quỵ cao. Truyền máu thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Các yếu tố nguy cơ khác:

Một số thói quen và điều kiện lối sống nhất định cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

  • Hút thuốc
  • Ăn kiêng
  • Thừa cân béo phì
  • Căng thẳng và trầm cảm
  • Có thói quen uống rượu thường xuyên
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp bao gồm cocaine và amphetamine.  

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top