✴️ Vai trò Cortisol

Nội dung

Cortisol là một loại hormone corticosteroid (corticosteroid là một loại hooc môn loại steroid – tức là loại hợp chất hữu cơ tự nhiên được tổng hợp bởi một số tuyến nội tiết ở trong cơ thể con người) được sinh ra bởi vỏ thượng thận (thuộc tuyến thượng thận). Nó được sản xuất ra nhờ vào sự kích thích của hormone ACTH (hormon hướng vỏ thượng thận được sản xuất bởi tuyến yên).

Cortisol tổng hợp (Hydrocortisone) được dùng làm  thuốc để điều trị một số bệnh dị ứng , sốc phản vệ và chống viêm cũng như dùng làm chất thay thế bổ sung trong các chứng thiếu hụt cortisol bẩm sinh. Khi lần đầu được giới thiệu như là thuốc điều trị bệnh thấp khớp nó được gọi là hợp chấp E. Cortisol thuộc loại Glucocorticoid. Bên cạnh đó, cortisol kiểm soát quá trình giáng hóa hydrat-cacbon, chất béo và trao đổi protein và là chất kháng viêm với tác dụng: không cho quá trình  giải phóng phospholipid xảy ra,  giảm hoạt động bạch cầu ưa toan và hàng loạt các cơ chế khác.

Trong trường hợp gặp nguy hiểm, cortisol sẽ ngăn chặn bất kỳ chức năng không cần thiết hoặc gây bất lợi cho việc đối phó với nguy hiểm. Lúc này, có thể nhịp tim tăng nhanh, khô miệng, đau bụng, tiêu chảy và hoảng loạn.

Việc sản sinh cortisol cũng ức chế quá trình tăng trưởng, tiêu hóa và hoạt động hệ thống sinh sản và làm thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch.

Cortisol có một số chức năng sau đây:

  • Kích thích hình thành glucose (tân tạo glucose [gluconeogenesis]).
  • Kích thích thoái giáng các chất dự trữ năng lượng của cơ thể (Vd: mỡ, protein carbohydrat).
  • Khởi động các đáp ứng giao cảm đối với tác nhân gây stress.
  • Giảm chức năng gây viêm và chức năng miễn dịch.
  • Kích thích bài tiết axit dịch vị.

Nồng độ cortisol máu cung cấp các thông tin quý báu liên quan với chức năng của vỏ thượng thận. Trong điều kiện bình thường, bài xuất cortisol của thượng thận thay đổi theo nhịp ngày đêm, với đỉnh hay nồng độ cao nhất trong khoảng 6 – 8h sáng và đáy hay nồng độ thấp nhất xảy ra vào nửa đêm.

Hầu hết cortisol hiện diện trong cơ thể được gắn với globulin mang cortisol (cortisol- binding globulin) và albumin. 5 -10% là cortisol “tự do” hay không liên hợp, vì vậy được thận lọc vào nước tiểu. Định lượng cortisol niệu sẽ xác định hàm lượng cortisol “tự do” có trong nước tiểu và được sử dụng để đánh giá chức năng thượng thận, nhất là tình trạng cường năng thượng thận. Nói chung, nồng độ cortisol niệu sẽ tăng lên khi nồng độc cortisol huyết tương tăng cao và sẽ giảm xuống khi nồng độ cortisol huyết tương thấp. Nồng độ creatinin trong mẫu nước tiểu 24h cũng thường được định lượng cùng với nồng độ cortisol niệu để khẳng định rằng thể tích nước tiểu là thỏa đáng.

Khi nào thì cần xét nghiệm cortisol trong máu?

Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra xem mức độ sản xuất cortisol có quá cao hay quá thấp hay không. Có những rối loạn nhất định như bệnh Addison (suy tuyến thượng thận) và hội chứng Cushing sẽ ảnh hưởng đến lượng cortisol được sản xuất ra bởi tuyến thượng thận. Xét nghiệm này được sử dụng trong việc chẩn đoán các bệnh trên và giúp đánh giá hoạt động của tuyến thượng thận và tuyến yên.

Do đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đo nồng độ cortisol trong máu nếu có những triệu chứng gợi ý hội chứng Cushing, như là:

Tăng huyết áp; tăng đường huyết; béo phì, nhất là béo bụng; da mỏng; có những vết sọc màu tím trên da bụng; teo cơ và yếu cơ; loãng xương.

Xét nghiệm này cũng dùng để chẩn đoán bệnh Addison nếu bạn có những triệu chứng gợi ý như: sụt cân; yếu cơ; mệt mỏi; hạ huyết áp; đau bụng; những mảng da thẫm màu.

Đôi khi sự giảm sản xuất cortisol có thể kết hợp với stress gây ra suy tuyến thượng thận và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Những triệu chứng của có thể gồm: Đau khởi phát đột ngột tại vùng thắt lưng, bụng, hoặc chân; nôn ói và tiêu chảy, dẫn đến mất nước; hạ huyết áp; rối loạn tri giác.

Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm cortisol

  • Nồng độ cortisol máu và niệu có thể thay đổi khi gắng sức, khi ngủ và trong tình trạng stress.
  • Mẫu bệnh phẩm bị vỡ hồng cầu có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm.
  • Bệnh nhân nghiện rượu hay đang bị một bệnh lý cấp tính có thể có nồng độ cortisol niệu tăng cao bất thường.
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ cortisol máu: amphetamin, estrogen, cồn ethylen, lithium carbonat, methadon, nicotin, thuốc ngừa thai uống, spironolacton, glucocorticoid tổng hợp (Vd: prednison, prednisolon).
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ cortisol máu: androgen, barblturat, dexamethason, levodopa, phenytoin.
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ cortisol niệu: amphetamin, hormon hướng thượng thận (corticotropin), estrogen, nicotin, thuốc ngừa thai uống, spironolacton, glucocorticoid tổng hợp (Vd: prednison, prednisolon).
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ cortisol niệu: dexamethason.

Xem thêm: Xét nghiệm Cortisol: ý nghĩa lâm sàng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top