✴️ Bệnh viêm loét đại tràng

Viêm đại tràng là gì? Nó được coi là một trong các bệnh lý tiêu hóa phổ biến, thường gây những triệu chứng đau đớn, tiêu chảy… ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

 

Tìm hiểu về bệnh viêm loét đại tràng theo các phân tích dưới đây

Xem thêm: Tổng hợp những bài viết liên quan đến đại tràng

Viêm loét đại tràng gây đau và tiêu chảy, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh

 

Viêm loét đại tràng là gì?

Đại tràng là phần cuối của ống tiêu hóa, chứa thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu từ ruột non. Viêm loét đại tràng là tình trạng loét và viêm lớp niêm mạc đại tràng gây ra triệu chứng đau bụng, tiêu chảy và chảy máu trực tràng.

Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng

Hiện nay, nguyên nhân trực tiếp gây viêm loét đại tràng chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

Miễn dịch: sự xâm nhập của các vi sinh vật như vi khuẩn hay virus có thể gây viêm loét đại tràng.

Di truyền: nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người có người thân bị viêm loét đại tràng.

Ăn uống: chế độ ăn nhiều chất béo hoặc nhiều thực phẩm tinh chế cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.

Kháng sinh: điều trị kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột dẫn đến viêm loét đại tràng.

Triệu chứng của viêm loét đại tràng

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ của viêm loét mà người bệnh có những dấu hiệu viêm đại tràng khác nhau:

Viêm toàn bộ đại tràng: đi ngoài ra máu nặng, đau bụng, mệt mỏi, sút cân và ra mồ hôi trộm.

Viêm đại tràng trái: đi ngoài ra máu, đau bụng và sút cân.

Viêm đại tràng tối cấp: là dạng viêm hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, xảy ra ở toàn bộ đại tràng. Các triệu chứng bao gồm đau, tiêu chảy nặng dẫn đến mất nước.

Mức độ viêm đại tràng khác nhau có triệu chứng và cách điều trị khác nhau

 

Các xét nghiệm và chẩn đoán viêm loét đại tràng

Để chẩn đoán viêm loét đại tràng, người bệnh cần làm một số xét nghiệm sau:

Xét nghiệm máu: phát hiện thiếu máu, nhiễm trùng và phát hiện kháng thể.

Nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng sigma: dùng ống nội soi có gắn camera đưa vào đại tràng qua đường hậu môn để quan sát toàn bộ đại tràng, trong quá trình thực hiện có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết nếu cần thiết.

Chụp cản quang đại tràng: đưa thuốc cản quang (thuốc hấp thụ tia X mạnh hơn các mô xung quanh) vào đại tràng khi chụp Xquang để quan sát hình ảnh khung đại tràng rõ nét hơn.

Chụp X quang ruột non: kiểm tra phần ruột non không quan sát được qua soi đại tràng, giúp phân biệt viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.

Các biến chứng của viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng có thể gây biến chứng ung thư đại tràng

 

Thiếu máu: thường xảy ra ở bệnh nhân bị viêm loét đại tràng lan rộng gây mất máu từ nơi bị viêm, cần phải điều trị bổ sung thêm chất sắt hoặc truyền máu.

Phình đại tràng nhiễm độc: gây sốt cao, đau bụng, chướng bụng, mất nước và suy dinh dưỡng. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị bằng thuốc, nếu không thường cần phẫu thuật để phòng ngừa vỡ đại tràng.

Ung thư đại tràng: người bị viêm loét đại tràng mạn tính sau khoảng 8 – 10 năm có nguy cơ ung thư đại tràng cao gấp 10 – 20 lần so với người không mắc bệnh. Nếu kết quả sinh thiết cho thấy có sự thay đổi tiền ung thư, người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ đại tràng để ngăn ngừa ung thư.

Một số biến chứng khác: một số ít trường hợp viêm loét đại tràng mạn tính có thể dẫn tới các biến chứng như viêm khớp, giảm thị lực, viêm, nhiễm trùng đường mật, xơ gan…

Điều trị viêm loét đại tràng

Tùy thuộc vào mức độ viêm và vị trí viêm loét trên đại tràng mà người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị chống viêm: sử dụng các thuốc chống viêm và thuốc ức chế miễn dịch.

Điều trị triệu chứng: dùng thuốc chống tiêu chảy, thuốc giảm đau và bổ sung sắt.

Phẫu thuật: cắt một phần đại tràng rồi nối phần còn lại với trực tràng, hoặc cắt toàn bộ đại trực tràng và làm hậu môn nhân tạo, hoặc nối ruột non và hậu môn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top