✴️Biến chứng xuất huyết tiêu hóa

Nội dung

Xuất huyết tiêu hóa có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách. Cùng tìm hiểu về những biến chứng xuất huyết tiêu hóa qua bài viết dưới đây.

Biến chứng xuất huyết tiêu hóa

Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội và ngoại khoa nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Những biến chứng xuất huyết tiêu hóa gồm:

  • Tình trạng sốc do mất máu đột ngột.
  • Khó thở.
  • Thiếu máu lên não.
  • Thiếu oxy não gây co giật.
  • Tử vong.

Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội và ngoại khoa nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

 

Các bác sĩ tiêu hóa khuyến cáo, bất cứ ai cũng có thể bị xuất huyết tiêu hóa “hỏi thăm” nếu như không biết cách quan tâm đến sức khỏe bản thân. Biến chứng xuất huyết tiêu hóa vô cùng nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của người bệnh một cách dễ dàng và điều trị rất tốn kém. Do đó, khi có bất cứ bất thường nào tại đường tiêu hóa, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để tìm nguyên nhân, đánh giá đúng tình trạng sức khỏe và điều trị kịp thời (nếu có bệnh) để tránh những biến chứng không mong muốn. Đặc biệt, khi được chẩn đoán mắc xuất huyết tiêu hóa, người bệnh nên điều trị sớm và tích cực theo y lệnh của bác sĩ, tuyệt đối không được chủ quan không điều trị hoặc tự ý mua thuốc về dùng mà không qua thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.

 

Làm gì khi bị xuất huyết tiêu hóa?

-Sơ cứu:

+Để bệnh nhân nằm nghỉ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh; tư thế nằm đầu thấp và hai chân kê cao hơn cho máu và oxy lưu thông lên não, hồi lưu về tim một cách dễ dàng nhất.

+Có thể ủ ấm bệnh nhân bằng chăn và chườm đá để cầm máu tại thượng vị.

+Gọi ngay cấp cứu để đưa người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

-Điều trị:

Sau khi thăm khám, làm các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ xuất huyết và đưa ra phương án điều trị phù hợp cho người bệnh. Bệnh nhân có thể được chỉ định nhịn ăn và nuôi ăn bằng tĩnh mạch. Để bệnh nhân nằm nghỉ đầu thấp, cho thở oxy xông mũi, nếu có nguy cơ trào ngược có thể đặt ống nội khí quản. Truyền dịch, truyền máu (nếu cần).

Tiến hành điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.

 

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa như thế nào?

Để phòng tránh xuất huyết tiêu hóa cần:

  • Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, xơ gan, viêm gan – nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa bất cứ lúc nào.
  • Quan tâm đến chế độ ăn uống, sinh hoạt. Chế độ ăn nên tránh toàn bộ các chất kích thích và đồ uống có cồn, không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và khó tiêu hóa; nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả các loại, ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa. Ngủ đủ giấc và đúng giờ, không thức quá khuya, tránh căng thẳng kéo dài.
  • Cần thường xuyên tập luyện các môn thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng, sự dẻo dai chống lại bệnh tật.
  • Đối với những bệnh nhân đã mắc xơ gan, viêm loét dạ dày…, người bệnh cần thực hiện khám và kiểm tra nội soi thực quản thường xuyên. Việc nội soi này giúp đánh giá độ giãn tĩnh mạch thực quản để kiểm soát các biến chứng của bệnh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top