✴️Con đường lây nhiễm vi khuẩn HP và cách phòng tránh

Nội dung

Vi khuẩn HP là nguyên nhân gây ra các bệnh lý ở dạ dày như viêm loét dạ dày – tá tràng, đau dạ dày. Do đó việc tìm hiểu về các con đường lây nhiễm vi khuẩn HP và cách phòng tránh trong bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta loại bỏ nguy cơ mắc các bệnh ở dạ dày.

 

Các con đường lây nhiễm vi khuẩn HP

Sở dĩ tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP cao là do vi khuẩn này được lây truyền qua nhiều con đường khác nhau.

Lây qua đường miệng – miệng

Vi khuẩn HP được tìm thấy trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh. Vi khuẩn này có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành do dùng chung đồ dùng như bát, đũa, hôn trực tiếp, mớm cơm cho trẻ…

Lây nhiễm qua đường phân – miệng

Vi khuẩn HP có trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi rửa tay không sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Ngoài ra, các côn trùng như ruồi, gián, chuột… mang vi khuẩn HP từ phân vào thức ăn khi không được che đậy kỹ sẽ khiến người lành nhiễm vi khuẩn HP.

Lây qua đường dạ dày – miệng

Đây cũng là một trong những con đường lây nhiễm vi khuẩn HP. Nếu người có vi khuẩn HP trong dạ dày khi bị trào ngược hoặc ợ chua có thể đẩy vi khuẩn lên miệng cùng với dịch dạ dày. Các vi khuẩn có thể theo hơi nước tồn tại trong không gian và bay vào miệng người ở gần gây nhiễm vi khuẩn HP.

Lây qua đường dạ dày – dạ dày

Khi tiến hành nội soi dạ dày ở các cơ sở y tế không đảm bảo, dụng cụ nội soi không được khử trùng sạch sẽ sẽ mang vi khuẩn HP từ người bệnh sang người lành.

Trên đây là các con đường lây nhiễm vi khuẩn HP. Căn cứ vào các con đường lây lan bệnh cụ thể, chúng ta sẽ có biện pháp phòng ngừa cho bản thân và gia đình.

 

Thay đổi chế độ ăn uống cách phòng ngừa vi khuẩn HP

Không dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau, ăn chung thìa, đũa, bát. Không rửa chung khăn mặt, sử dụng chung bàn chải đánh răng…

Không chọc ngoáy thức ăn bằng đũa của mình, hoặc làm đảo lộn thức ăn của trẻ nhỏ trong bữa cơm gia đình. Khi gắp thức ăn cho người xung quanh cần đổi đầu đũa.

Hạn chế ăn uống tại các quán xá vỉa hè do đồ ăn không đảm bảo vệ sinh, dụng cụ đựng thức ăn không sạch sẽ.

Hạn chế ăn các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi; các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc… bởi vì những thực phẩm này không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm khuẩn HP.

Không nhai mớm cơm cho trẻ.

Ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến là cách giúp phòng ngừa vi khuẩn HP hiệu quả.

 

Thay đổi chế độ sinh hoạt

Giữ gìn vệ sinh bát đũa sạch sẽ, diệt trừ muỗi, gián, duồi nhặng…. ; thường xuyên tráng nước sôi các dụng cụ ăn uống.

Các vật dụng trong nhà cần được làm sạch thường xuyên; vật nuôi như chó mèo cũng cần tắm rửa để hạn chế mầm bệnh.

Khám sức khỏe định kỳ

Việc chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/ lần giúp phát hiện sớm các mầm mống gây bệnh trong cơ thể, trong đó có vi khuẩn HP để kịp thời điều trị, tránh các bệnh lý ở dạ dày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top