✴️ Nguyên nhân nuốt nghẹn là gì?

Nội dung

Nuốt nghẹn là tình trạng như thế nào?

Khi ăn, thức ăn được vận chuyển từ miệng qua họng, xuống thực quản rồi đến dạ dày. Đầu tiên thức ăn được nhai, nghiền nát tại miệng, sau đó được đẩy ra sau họng. Tại đây thức ăn kích thích các thụ thể cảm nhận gây ra phản xạ nuốt để đẩy thức ăn qua họng tới thực quản.

Ở thực quản nhờ sự co bóp nhịp nhàng của cơ thực quản mà thức ăn được đẩy xuống dạ dày. Bình thường quá trình này diễn ra một cách suôn sẻ, nhưng vì một lý do nào đấy mà thức ăn bị dừng lại tạm thời hoặc tắc lại trên đường vận chuyển thì xảy ra nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn không phải là bệnh mà là triệu chứng biểu hiện của các bệnh lý khác nhau.

Ðể phòng nuốt nghẹn cần thay đổi cách ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nuốt từ từ. Những loại thức ăn có tính chất dai, nhầy, trơn cần cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ngồi vào bàn ăn tinh thần cần được thoải mái, tránh bức xúc tức giận.

 

Nguyên nhân nuốt nghẹn

Nuốt nghẹn do nhiều nguyên nhân khác nhau

 

Nghẹn do rối loạn chức năng co bóp của thực quản

Do ăn uống vội vàng, nhai không kỹ, nuốt miếng thức ăn to; do tính chất thức ăn, đặc biệt các loại thức ăn đặc, nhầy, dai và dính dễ dẫn đến rối loạn chức năng nuốt. Phản xạ co bóp nhịp nhàng của thực quản bị rối loạn làm cho thức ăn, nước uống tạm thời dừng chuyển động gây nên nghẹn. Đầu óc căng thẳng, tức giận, uất ức trong khi ăn cũng dễ dẫn đến rối loạn co bóp thực quản gây nghẹn

Nghẹn do bệnh lý

Các bệnh lý tại thực quản: sẹo hẹp thực quản thường là di chứng để lại khi bị bỏng thực quản. Bỏng có thể do nhiệt nhưng rất hay gặp do uống nhầm phải hóa chất như axit, kiềm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi gặp ở người lớn do bất cẩn trong sinh hoạt, lao động.

Các khối u thực quản

Thường là ung thư thực quản, cũng có thể là khối u lành tính. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây nuốt nghẹn hay gặp ở người lớn. Viêm thực quản, túi thừa thực quản, dị vật thực quản, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản cũng gây nên nuốt vướng, nuốt nghẹn.

Các bệnh lý bên ngoài thực quản

Bệnh Basedow, bướu giáp đơn thuần với kích thước lớn gây chèn ép thực quản cổ; Các khối u, hạch di căn vùng trung thất; Các khối u phế quản, phổi; Suy tim, dầy thất, tim to, phình mạch đều là những nguyên nhân gây chèn ép thực quản dẫn đến nuốt nghẹn.

 

Cần phải làm gì khi nuốt nghẹn

Những trường hợp nghẹn do phản xạ gây rối loạn chức năng co bóp thực quản chỉ cần uống một ngụm nước, vươn cổ, vươn vai hoặc vuốt dọc theo đường đi của thực quản là có thể hết nghẹn. Để phòng nuốt nghẹn cần thay đổi cách ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nuốt từ từ.

Những loại thức ăn có tính chất dai, nhầy, trơn cần cắt nhỏ trước khi ăn. Khi ngồi vào bàn ăn tinh thần cần được thoải mái, tránh bức xúc tức giận. Trong trường hợp nuốt nghẹn lặp đi lặp lại nhiều lần, nuốt nghẹn tăng dần, thì cần phải đến bác sĩ để được thăm khám cẩn thận, phát hiện và có hướng xử lý kịp thời. Nếu nghi ngờ tổn thương tại thực quản bác sĩ tiến hành soi thực quản, bấm sinh thiết tổ chức u sùi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.

Nếu nghi ngờ tổn thương ngoài thực quản thì tiến hành chụp phim XQ, chụp CT scan, MRI hoặc soi khí phế quản và các xét nghiệm cần thiết khác. Hướng điều trị sẽ được bác sĩ quyết định sau khi thăm khám cho bệnh nhân.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top