✴️ Rối loạn tiêu hóa: nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và hướng xử trí

1. Khái niệm

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng biểu hiện bằng sự co bóp bất thường của hệ cơ trơn trong ống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: đau bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Đây không phải là một bệnh lý riêng biệt, mà là hậu quả của nhiều nguyên nhân khác nhau.

Mặc dù rối loạn tiêu hóa thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và làm tăng nguy cơ biến chứng đường tiêu hóa.

 

Đau bụng. khó tiêu hay rối loạn đại tiện là những biểu hiện đặc trưng của rối loạn tiêu hóa.

 

2. Nguyên nhân thường gặp

Nhóm nguyên nhân Mô tả chi tiết
Chế độ ăn không hợp lý Ăn thực phẩm ôi thiu, nhiều dầu mỡ, cay nóng, lạm dụng rượu bia làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột
Bệnh lý tiêu hóa Viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm đại tràng, hội chứng ruột kích thích
Mất cân bằng vi sinh Do lạm dụng kháng sinh kéo dài, phổ biến ở trẻ em
Căng thẳng kéo dài (stress) Làm rối loạn thần kinh ruột qua trung gian serotonin
Luyện tập quá sức Gây áp lực lên vùng bụng và vòng cơ tiêu hóa
Tác dụng phụ của thuốc NSAIDs, kháng sinh, thuốc điều trị tiểu đường… có thể gây rối loạn tiêu hóa

 

3. Triệu chứng nhận biết

3.1 Ở người lớn:

  • Đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng

  • Đau bụng âm ỉ hoặc quặn từng cơn

  • Chán ăn, buồn nôn, nôn

  • Rối loạn đại tiện: tiêu chảy hoặc táo bón

  • Mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân

3.2 Ở trẻ nhỏ:

  • Nôn trớ, quấy khóc, sốt nhẹ

  • Bụng căng, đầy hơi

  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài

  • Trào ngược sữa hoặc thức ăn sau khi bú

 

4. Biến chứng tiềm ẩn

Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn tiêu hóa có thể gây:

  • Suy dinh dưỡng do kém hấp thu, chán ăn kéo dài

  • Mất nước, rối loạn điện giải do tiêu chảy

  • Rối loạn chức năng đường ruột: dễ tiến triển thành hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng mạn

  • Tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng nếu có tổn thương kéo dài không được kiểm soát

 

5. Hướng xử trí và điều trị

5.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

  • Bổ sung đủ nước (2 – 2,5 lít/ngày), tăng cường rau xanh, trái cây tươi

  • Ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa: khoai lang, chuối, gừng, sữa chua

  • Tránh: rượu bia, thực phẩm dầu mỡ, cay nóng, lên men, sống/tái

  • Thực hiện “ăn chín, uống sôi”; ăn đúng giờ – đúng bữa

5.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Tập thể dục đều đặn, vừa sức

  • Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng kéo dài

  • Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh thực phẩm

  • Không nằm ngay sau ăn, tránh ăn quá no hoặc quá đói

5.3. Dùng thuốc theo chỉ định

  • Thuốc chống đầy hơi, giảm đau bụng

  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: cầm tiêu chảy hoặc xổ táo

  • Kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn, theo chỉ định)

  • Men vi sinh, Oresol bù nước và điện giải

Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mạnh. Cần khám bác sĩ nếu có các biểu hiện như: sốt cao, mất nước, nôn kéo dài, đi cầu ra máu, tiêu chảy nặng >2 ngày không cải thiện.

 

6. Khuyến cáo

  • Rối loạn tiêu hóa là vấn đề thường gặp, song có thể kiểm soát hiệu quả bằng chế độ ăn hợp lý, lối sống khoa học và điều trị đúng cách.

  • Đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già, người bệnh mãn tính cần được theo dõi sát và điều trị tích cực hơn.

  • Khám chuyên khoa tiêu hóa nếu triệu chứng kéo dài trên 2 tuần hoặc xuất hiện dấu hiệu cảnh báo: giảm cân nhanh, đi ngoài ra máu, mệt mỏi, sốt kéo dài…

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top