✴️ Trị viêm dạ dày đúng cách, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát

Nội dung

Viêm loét dạ dày là bệnh lý phổ biến hàng đầu ở đường tiêu hóa. Trị viêm dạ dày cần thực hiện nhanh chóng và đúng cách, không để bệnh tái phát cũng như tăng nguy cơ biến chứng xảy ra, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh.

 

1. Bệnh viêm dạ dày

Bệnh viêm loét dạ dày gặp phải khi lớp bảo vệ thành dạ dày bị bào mòn và lộ ra các lớp bên dưới. Theo đó, hình thành nên các tổn thương dạng viêm loét trên thành dạ dày và trực tiếp gây ra các triệu chứng bệnh như: đau bụng thượng vị, buồn nôn và nôn, ợ hơi, ợ nóng kèm nóng rát vùng thượng vị,…

Trường hợp các tổn thương viêm loét nhẹ được phát hiện sớm, người bệnh kịp thời xử lý đúng cách như thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt thì các tổn thương có thể tự làm lành. Ngược lại, nếu chủ quan bỏ qua các triệu chứng, viêm loét dạ dày phát triển tới giai đoạn mạn tính. Lúc này, việc điều trị sẽ kéo dài và phức tạp hơn.

Trên hết, người bệnh cần chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác về bệnh cũng như được bác sĩ lên phác đồ điều trị cụ thể.

 

2. Nguyên nhân viêm dạ dày có thể tái phát

Viêm loét dạ dày khi đã được điều trị khỏi vẫn có thể tái lại khi gặp phải các nguyên nhân sau đây:

2.1. Tái nhiễm vi khuẩn HP

Có tới 80-90% ca bệnh mắc viêm loét dạ dày từ nguyên nhân nhiễm vi khuẩn HP- Helicobacter pylori. Chính vì thế, việc tái nhiễm vi khuẩn HP sau khi điều trị khỏi bệnh, cũng gần như đồng nghĩa nguy cơ tái viêm loét dạ dày là rất cao.

Các nguyên nhân gây tái nhiễm vi khuẩn HP gồm:

– Lây nhiễm HP từ chính thói quen ăn chung, uống chung: Vi khuẩn từ trong thức ăn, nước uống hay khoang miệng của người mắc bệnh có thể lây nhiễm tới người không mắc bệnh qua đường miệng – miệng;

– Lây nhiễm HP do thói quen hoặc điều kiện vệ sinh kém: Vi khuẩn HP có thể theo đường phân ra ngoài môi trường và tạo cơ hội lây nhiễm. Các thói quen như ăn đồ sống, rau sống, không rửa sạch bàn tay trước khi ăn/sau khi đi vệ sinh,.. đều làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP.

2.2. Không tuân thủ thực hiện đúng phác đồ điều trị

Hầu hết người bệnh viêm dạ dày thường không tuân thủ đúng chuẩn theo phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định. Người bệnh thường bỏ dở giữa chừng khi thấy các triệu chứng dần thuyên giảm hoặc tự ý thay đổi liều lượng, thay đổi loại kháng sinh.

Điều này không chỉ khiến bệnh nặng trở lại mà còn làm việc điều trị thêm khó khăn, nguy cơ bệnh tái đi tái lại cao hơn rất nhiều.

2.3. Lối sống không khoa học

Các thói quen sinh hoạt không khoa học như ăn nhiều đồ chua, cay; ăn uống không đúng giờ; bỏ bữa; uống nhiều rượu bia; lười vận động; làm việc căng thẳng, bị stress,… cũng là nguyên nhân khiến bệnh viêm loét dạ dày thường bị tái phát.

 

3. Trị viêm dạ dày đúng cách và những lưu ý cho người bệnh

3.1. Trị viêm dạ dày đúng cách

Viêm loét dạ dày được điều trị tốt bằng thuốc. Cụ thể, ở mỗi trường hợp bệnh, tình trạng cụ thể bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ điều trị phù hợp bao gồm kê đơn thuốc cùng hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Thông thường, thuốc điều trị viêm dạ dày bao gồm:

– Kháng sinh diệt vi khuẩn HP (nếu là trường hợp viêm loét dạ dày HP)

– Thuốc kháng tiết và trung hòa axit dạ dày

– Thuốc bao phủ ổ viêm loét bảo vệ dạ dày

 

3.2. Những lưu ý trong quá trình tiến hành điều trị viêm dạ dày

Những lưu ý quan trọng cho người bệnh khi tiến hành điều trị bệnh viêm dạ dày như sau:

– Người bệnh tuyệt đối không tự bắt bệnh tại nhà, không tự kê đơn mua thuốc. Chỉ sử dụng thuốc khi có đơn kê của bác sĩ sau khi đã thăm khám.

– Tuân thủ đúng phác đồ điều trị: đúng loại thuốc, đúng liều dùng, không tự ý ngưng thuốc dù các triệu chứng có thuyên giảm,…

– Song song với việc uống thuốc, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng cùng lối sống sinh hoạt lành mạnh, ngủ nghỉ điều độ, tránh căng thẳng mệt mỏi.

– Không lạm dụng các loại thuốc giảm đau hay kháng viêm. Trường hợp bắt buộc phải sử dụng hay tham khảo ý kiến bác sĩ để được đổi qua các loại thuốc tương tự nhưng ít tác dụng phụ.

– Thực hiện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá về kết quả điều trị cũng như kịp thời đối phó với những vấn đề phát sinh.

 

4. Biện pháp phòng bệnh, kiểm soát nguy cơ tái phát

Kể cả sau khi đã điều trị thành công, người bệnh viêm loét dạ dày vẫn cần duy trì thực hiện tốt các biện pháp giúp phòng bệnh và kiểm soát nguy cơ bệnh tái phát. Cụ thể như sau:

– Người bệnh nhân cần thực hiện nghiêm phác đồ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ đưa ra;

– Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt lành mạnh: Bổ sung thêm chất xơ và vitamin, không ăn đồ ăn chua, cay, hạn chế uống rượu bia hoặc các loại đồ uống có gas, không hút thuốc lá;

– Nên ngủ đủ giấc, hạn chế việc thức khuya kéo dài;

– Cân đối thời gian làm việc nghỉ ngơi, tránh bị căng thẳng lo lắng kéo dài;

– Tập thể dục đều đặn, vận động theo cường độ phù hợp;

– Chú ý giữ gìn vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và trong ăn uống hằng ngày.

– Thực hiện thăm khám sức khỏe đường tiêu hóa đều đặn nhằm kiểm soát bệnh lý một cách tốt nhất.

Điều trị viêm dạ dày cần thực hiện dứt điểm đúng phác đồ để ngăn ngừa nguy cơ bệnh có thể tái phát. Trên hết, một chế độ ăn uống khoa học, một lối sống nề nếp lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ chính là “chìa khóa vàng” giúp bạn nắm giữ một sức khỏe dẻo dai.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top