1. Khái niệm viêm túi mật
Viêm túi mật là khái niệm chỉ tình trạng túi mật bị viêm, nhiễm trùng. Biểu hiện là thành túi mật dày lên, việc lưu thông máu qua túi mật kém đi.
Thành túi mật ở trong trạng thái bình thường chỉ có độ dày 3mm. Điều này giúp túi mật thực hiện tốt các nhiệm vụ như co bóp, tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, khi túi mật bị viêm và thành dày lên, các quá trình trao đổi co bóp sẽ bị gián đoạn. Nguy hiểm hơn nữa nếu không kịp thời xử lý sẽ có thể bị thủng túi mật.
Dựa vào tính chất, viêm túi mật được chia thành 2 loại chính là viêm túi mật cấp và viêm túi mật mạn tính. Cũng có thể phân loại viêm túi mật dựa vào dấu hiệu có sỏi hay không có sỏi trong túi mật.
2. Triệu chứng viêm túi mật thường gặp
Các triệu chứng của viêm túi mật khá đa dạng, phụ thuộc vào tình trạng cấp tính hay mạn tính. Người bệnh cần thăm khám tại cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Vì các triệu chứng được nêu dưới đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý khác.
2.1. Triệu chứng viêm túi mật cấp tính
Viêm túi mật cấp tính thường gây nên cơn đau nhanh chóng. Biểu hiện ở 3 triệu chứng thường gặp như sau:
– Đau hạ sườn phải: Cơn đau từ vùng hạ sườn phải, lan cả sau lưng và cả vùng vai. Cơn đau ngày một tăng dần theo thời gian. Nếu bạn ăn hay uống trong thời gian xảy ra cơn đau thì càng bị đau dữ dội hơn do đường mật bị kích thích. Cơn đau sẽ kéo dài từ 12 – 18h, dai dẳng và khiến bệnh nhân mất sức.
– Sốt: Bệnh nhân có thể bị sốt khá cao, từ 39 – 40 độ C, đi kèm các biểu hiện ớn lạnh, toát mồ hôi…
– Da vàng, nước tiểu vàng hơn: Khi có triệu chứng này thì ống mật chủ đã bị tổn thương.
Ngoài ra, người bệnh bị viêm túi mật cấp tính cũng gặp các biểu hiện khác như chán ăn, ăn không ngon, thấy buồn nôn và bị nôn.
Biểu hiện của bệnh cũng tùy thuộc vào mức độ viêm túi mật. Viêm túi mật cấp tính chia ra làm 3 giai đoạn là:
– Viêm cấp độ nhẹ: Dấu hiệu không rõ ràng hoặc không thấy dấu hiệu
– Viêm cấp độ trung bình: Đau vùng hạ sườn phải, lan rộng và cơn đau kéo dài đến 72h.
– Viêm cấp độ nặng: Đau hạ sườn phải kéo dài, nôn, sốt cao, nước tiểu vàng, da vàng hơn.. Bắt đầu xuất hiện biến chứng như hạ đường huyết…
2.2. Triệu chứng viêm túi mật mạn tính
Viêm túi mật mạn tính thường khó phát hiện hơn, người bệnh đôi khi không nhận thấy biểu hiện gì khác lạ. Những dấu hiệu có thể nhận biết bao gồm: đau nhẹ, ngán mỡ, thi thoảng buồn nôn, không muốn ăn uống.
Bệnh nhân thường không phát hiện ra cho đến khi gặp đợt viêm túi mật cấp tính với các triệu chứng đã nêu ở phần một.
3. Viêm túi mật điều trị hiệu quả bằng cách nào?
Đối với viêm túi mật cấp tính, biện pháp hiệu quả để dứt điểm căn bệnh chính là phẫu thuật loại bỏ túi mật. Người bệnh có thể được mổ mở hoặc mổ nội soi tùy tình trạng và lựa chọn của bệnh nhân. Tuy nhiên, giải pháp được ưu tiên hiện nay là mổ nội soi. Vì phương pháp này có nhiều điểm ưu việt hơn so với mổ mở. Mổ nội soi cho phép bác sĩ rạch 4 vết ở bụng nhỏ tầm 3 – 5mm để đưa dụng cụ nội soi vào cắt bỏ túi mật. Trái ngược với vết mổ dài 5 – 10cm như mổ mở truyền thống. Bệnh nhân mổ nội soi gần như không có sẹo sau phẫu thuật, ít xâm lấn nên ít đau, hồi phục cũng nhanh hơn nhiều so với mổ mở.
Nếu bệnh nhân gặp biến chứng cần xử lý gấp hoặc cơ thể không thích hợp mổ nội soi, bệnh nhân sẽ cần mổ mở.
Sau khi cắt bỏ túi mật, mọi cơ quan đều hoạt động bình thường. Bạn không gặp khó khăn hay biến chứng đặc biệt nào nếu cơ thể không có túi mật. Trong khoảng thời gian từ 6 – 12 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị khó tiêu khi ăn nhiều chất béo. Tuy nhiên tình trạng này sẽ sớm chấm dứt.
Đối với bệnh nhân bị viêm túi mật do sỏi, phẫu thuật cắt bỏ túi mật cũng là giải pháp tối ưu nhất giúp loại bỏ sỏi, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm hơn.
4. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bệnh nhân viêm túi mật
Bệnh nhân viêm túi mật có thể hạn chế được cơn đau cũng như diễn tiến nặng nề của bệnh bằng những lưu ý sau:
– Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp: Ít chất béo, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước
– Thăm khám và điều trị theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ, tái khám đúng hẹn để kiểm soát tình trạng bệnh.
– Vận động nghỉ ngơi điều độ và duy trì sinh hoạt lành mạnh.
– Trường hợp phải phẫu thuật, sau điều trị cần dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Ăn thức ăn dễ tiêu, hoạt động nhẹ nhàng tránh lao lực.
Viêm túi mật thường được phát hiện khi bệnh lý đã rất nghiêm trọng và cần phẫu thuật kịp thời. Vì vậy, nếu bạn có gặp những triệu chứng viêm túi mật như đã nêu trong bài viết cần đến ngay địa chỉ y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Viêm túi mật không điều trị có thể gây ra biến chứng vỡ túi mật, nhiễm trùng ổ bụng nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh