Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, có thể dẫn đến tổn thương gan cấp tính hoặc mạn tính. Phần lớn người nhiễm HBV không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu, do đó bệnh thường chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm máu hoặc kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan B mạn tính có thể tiến triển đến xơ gan, suy gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) – một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu liên quan đến bệnh gan tại Việt Nam.
Viêm gan B là bệnh lây qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Cụ thể:
Virus HBV hiện diện với nồng độ cao trong máu người bệnh. Các hình thức lây truyền qua đường máu bao gồm:
Dùng chung kim tiêm, kim chích ma túy.
Tiếp xúc trực tiếp với máu người bệnh qua vết thương hở, niêm mạc.
Truyền máu hoặc các chế phẩm máu chưa được sàng lọc kỹ.
Dùng chung vật dụng cá nhân dễ gây trầy xước như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng tay.
Can thiệp y khoa/phẫu thuật bằng dụng cụ chưa được vô trùng đúng quy chuẩn.
HBV hiện diện trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su, dùng chung dụng cụ tình dục không khử khuẩn) là yếu tố nguy cơ cao. Đặc biệt lây truyền phổ biến trong các hình thức quan hệ đồng giới nam, quan hệ tình dục tập thể hoặc mại dâm.
Lây truyền chu sinh là con đường quan trọng trong lan truyền HBV tại cộng đồng. Nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con cao nếu:
Người mẹ có nồng độ HBV DNA cao trong ba tháng cuối thai kỳ.
Dương tính với HBeAg – chỉ điểm của sự sao chép virus mạnh.
Trẻ sinh ra từ mẹ mang HBV có nguy cơ trở thành người mang virus mạn tính nếu không được tiêm phòng và điều trị dự phòng kịp thời ngay sau sinh.
Là biện pháp hiệu quả nhất, với hiệu lực bảo vệ lên đến 90–95% nếu được tiêm đủ 3 mũi.
Mũi đầu tiên nên được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con.
Người sống cùng, vợ/chồng hoặc bạn tình của người nhiễm HBV cần được xét nghiệm kháng thể và tiêm phòng nếu chưa có miễn dịch.
Tiêm phòng viêm gan B là cách phòng chống lây nhiễm viêm gan B
Sử dụng dụng cụ y tế một lần hoặc tiệt trùng đúng quy trình.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu.
Quan hệ tình dục an toàn.
Sàng lọc máu và chế phẩm máu trước truyền.
Người nhiễm HBV cần theo dõi định kỳ chức năng gan, tải lượng HBV DNA và các chỉ dấu HBeAg, Anti-HBe để đánh giá nguy cơ tiến triển.
Trường hợp có chỉ định điều trị (ALT tăng, tải lượng virus cao, xơ gan, nguy cơ ung thư gan...), cần điều trị kháng virus theo hướng dẫn chuyên khoa.
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát được nếu được phát hiện sớm, tiêm phòng đầy đủ và điều trị đúng phác đồ. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, đóng vai trò then chốt trong công tác dự phòng bệnh gan virus tại Việt Nam.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh