Bạn có bị huyết áp thấp hay tăng huyết áp không? Cách đọc chỉ số huyết áp

Nội dung

Huyết áp thấp

Huyết áp thấp (hay hạ huyết áp, tụt huyết áp) là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg.

Huyết áp thấp thường không quá nghiêm trọng, nhưng đôi khi nó có thể khiến bạn ngất xỉu hoặc chóng mặt. Một số trường hợp có huyết áp thấp có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác cần được chẩn đoán và điều trị.

 

Huyết áp bình thường

Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 90-129 mmHg và huyết áp tâm trương vào khoảng 60-84 mmHg được xem là bình thường.

Nếu áp dụng cách đọc máy đo huyết áp của bạn cho kết quả thuộc loại này thì hãy kiên trì thực hiện các thói quen tốt cho tim mạch như ăn nhạt, nhiều chất xơ, giảm chất béo động vật và đồ ăn chế biến sẵn; và tập thể dục thường xuyên để huyết áp luôn đạt chỉ số lý tưởng nhất nhé!

 

Tiền tăng huyết áp

Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85-89 mmHg được xem là giai đoạn tiền tăng huyết áp.

Tiền tăng huyết áp không phải là tình trạng huyết áp cao, nhưng cho thấy huyết áp cao hơn một chút so với mức huyết áp bình thường. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ tiến triển thành bệnh cao huyết áp thật sự trong tương lai.

Điều quan trọng bạn cần làm lúc này là thay đổi lối sống lành mạnh để ổn định lại huyết áp, ngăn tình trạng này tiến triển nặng hơn.

 

Tăng huyết áp giai đoạn 1

Tăng huyết áp giai đoạn 1 là tình trạng huyết áp tâm thu từ 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trong khoảng 90-99 mmHg.

Lúc này, các bác sĩ sẽ khuyên bạn cần nghiêm túc thay đổi lối sống và có thể bắt đầu dùng một hoặc phối hợp các loại thuốc hạ huyết áp phù hợp.

Tăng huyết áp giai đoạn 2

Tăng huyết áp giai đoạn 2 là tình trạng chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100-109 mmHg.

Biết cách đọc chỉ số huyết áp lúc này sẽ rất có lợi. Bởi người bệnh tăng huyết áp ở giai đoạn này cần phải được theo dõi số đo tại nhà thường xuyên, dùng nhiều loại thuốc huyết áp phối hợp, thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa biến chứng.

 

Tăng huyết áp giai đoạn 3

Tăng huyết áp giai đoạn 3 là khi chỉ số huyết áp tâm thu luôn trên 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương trên 110 mmHg.

Nếu chỉ số huyết áp của bạn đột ngột vượt quá 180/110mmHg, hãy đợi 15 phút rồi đo lại huyết áp một lần nữa. Nếu chỉ số huyết áp vẫn cao bất thường, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám và điều trị hạ áp đúng cách.

Ngoài ra, nếu huyết áp luôn cao hơn 180/110mmHg và bạn đang có các dấu hiệu như: đau ngực, khó thở, đau lưng, tê/yếu, thay đổi thị lực hoặc khó nói…, đừng chờ đợi để huyết áp tự giảm xuống mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Đây là trường hợp huyết áp cao nguy hiểm, cần cấp cứu ngay vì nguy cơ mắc biến chứng, kể cả tử vong là khá cao. Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp và theo dõi sát biến chứng mắc phải theo từng trường hợp.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc xảy ra khi huyết áp tâm trương bình thường hoặc thấp dưới 90 mmHg nhưng huyết áp tâm thu lại cao từ 140 mmHg trở lên. Đây là dạng huyết áp cao phổ biến nhất ở những người trên 65 tuổi nhưng cũng không loại trừ người trẻ. Người bệnh có tình trạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc cũng cần thực hiện các biện pháp kiểm soát huyết áp toàn diện để đạt hiệu quả duy trì huyết áp.

Hi vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để giúp bạn có cách đọc chỉ số huyết áp chính xác nhất. Huyết áp bình thường tại thời điểm đo không chắc chắn là bạn không bị huyết áp cao, vì có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến huyết áp trong ngày như cường độ hoạt động, nhiệt độ ngoài trời, thời điểm bạn ăn lần cuối và trạng thái tinh thần…

Bạn có thể cần đo huyết áp nhiều lần trong ngày, kéo dài trong vài ngày trước khi kết luận. Trong trường hợp đo nhiều lần với các chỉ số huyết áp thu nhận được đều ở mức cao, người bệnh cần sớm được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch và lên kế hoạch kiểm soát huyết áp càng sớm càng tốt, phòng ngừa các biến chứng tim mạch tiềm ẩn trong tương lai.

return to top