✴️ Trị loét dạ dày tại nhà đơn giản, hiệu quả nên tham khảo

Nội dung

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa có tỷ lệ mắc luôn nằm top đầu tại Việt Nam. Chính vì thế, các phương pháp điều trị nhất là trị loét dạ dày tại nhà được nhiều người bệnh đặc biệt quan tâm.

 

1. Bệnh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp bảo vệ thành niêm mạc dạ dày bị bào mòn để lộ ra các lớp bên dưới và hình thành các tổn thương dạng viêm loét. Viêm loét dạ dày có thể đến từ nhiều nguyên nhân mà điển hình là nhiễm vi khuẩn HP dương tính, sử dụng thuốc giảm đau liên tục hoặc đến từ các yếu tố nguy cơ như stress kéo dài, ăn uống kém khoa học, hút thuốc, uống rượu bia,…

Về điều trị bệnh nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Viêm loét dạ dày ở giai đoạn đầu (cấp tính) có thể tự làm lành nếu kịp thời phát hiện và xử lý đúng cách. Còn khi bệnh trở nặng tới giai đoạn tổn thương lâu năm (mạn tính) sẽ không thể tự khỏi và việc điều trị cũng tốn nhiều thời gian hơn.

Loét dạ dày có tỷ lệ mắc bệnh cao, có thể gặp phải ở cả nam và nữ, không phân biệt độ tuổi.

 

2. Cách trị loét dạ dày tại nhà

Điều trị tại nhà được nhiều người bệnh ưa chuộng vì sự tiện lợi, dễ thực hiện và chi phí thấp. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà cũng cần tuân thủ những yêu cầu sau đây.

2.1. Trường hợp nào có thể thực hiện điều trị loét dạ dày tại nhà

Việc thực hiện các cách điều trị viêm loét tại nhà được áp dụng trong trường hợp bệnh được phát hiện sớm, mức độ viêm loét nhẹ, tổn thương còn nông và chưa gây ra triệu chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhẹ thì bạn vẫn nên chủ động thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như chỉ định điều trị đúng cách. Khi đó, việc điều trị tại nhà cũng sẽ có cơ sở và thực hiện đúng cách.

2.2. Các cách trị loét dạ dày tại nhà được áp dụng

Chườm nóng và massage bụng

Chườm nóng vùng bụng sẽ kích thích tuần hoàn lưu thông máu tốt hơn, nhờ đó thuyên giảm cơn đau dạ dày nhanh chóng. Có 2 cách chườm nóng phổ biến có thể áp  dụng:

– Chườm muối: Muối hạt đem rang nóng rồi bọc kín vào trong khăn. Tiếp theo chườm bọc muối lên vùng bụng đang bị đau cho tới khi cơn đau giảm thì dừng lại;

– Chườm nước ấm: Nhúng khăn vào nước ấm rồi vắt ráo và chườm lên vùng bụng đau.

Cùng với việc chườm nóng thì bạn nên kết hợp các động tác massage xoa quanh vùng rốn theo chiều kim đồng hồ sẽ giúp tăng hiệu quả giảm đau hơn rất nhiều.

Nghệ

Trong nghệ tươi có thành phần chính là curcumin – hoạt chất này giúp chống lại sự tấn công của vi khuẩn HP cũng là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ở dạ dày. Vì vậy, dùng nghệ đúng cách có thể kiểm soát được các triệu chứng như viêm loét, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, giảm đau và phòng tránh cả nguy cơ ung thư.

Tuy nhiên, việc dùng nghệ quá liều có thể dẫn đến tình trạng máu loãng, hạ đường huyết, hạ huyết áp,… Vì vậy, người bệnh viêm loét dạ dày nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng nghệ.

Gừng

Củ gừng chứa hợp chất phenolic có công dụng giúp hạn chế sự kích ứng trong đường tiêu hóa, giảm co thắt dạ dày cũng như giảm tiết axit và hỗ trợ làm lành tổn thương viêm loét ở dạ dày. Hương vị của gừng còn giúp hạn chế cảm giác buồn nôn, ợ chua.

Bạn có thể dùng gừng như một loại gia vị cho đồ ăn hoặc ngâm gừng tươi, uống trà gừng cũng đều rất tốt.

Mật ong

Mật ong rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt mật ong còn được ứng dụng rộng rãi trong điều trị viêm loét dạ dày. Lý do là vì thành phần glucose oxidase có trong mật ong giúp tiêu diệt vi khuẩn HP cùng tác dụng giảm sưng, kháng viêm, chống oxi hóa rất tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày.

Nha đam

Loài cây này nổi tiếng với nhiều công dụng hữu ích đối trong lĩnh vực làm đẹp và cũng rất tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa như hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế táo bón, giải nhiệt cơ thể, ức chế tăng nồng độ axit trong dịch vị dạ dày và giúp chữa lành các vết viêm loét.

Rễ cam thảo

Rễ cam thảo với thành phần chính là Glycyrrhizin. Chất này khi dung nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành axit glycyrrhetinic và được máu hấp thu giúp ngăn cản vi khuẩn HP đồng thời hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày HP. Không chỉ có vậy, rễ cam thảo còn giúp gia tăng tiết dịch nhầy trong dạ dày, tăng cường bảo vệ thành mạch và hạn chế hình thành các vết loét mới.

Lá tía tô

Lá tía tô có thành phần rất giàu glucosid và tanin. Đây là 2 hoạt chất có tác dụng tốt trong việc làm lành vết loét và giảm tiết axit trong dịch vị ở dạ dày. Người bệnh có thể sử dụng lá tía tô dạng tươi hoặc dạng khô đun cùng với nước rồi uống trực tiếp mỗi ngày. Cách thực hiện đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn.

 

3. Những lưu ý khi thực hiện trị viêm loét dạ dày tại nhà

Những mẹo chữa viêm loét dạ dày nêu cần kiên trì thực hiện đều đặn và cũng cần kết hợp một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh sẽ mang tới hiệu quả tốt nhất:

– Mỗi bữa không nên ăn quá no hoặc để bụng bị quá đói. Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa/ngày;

– Hạn chế những món ăn kích thích dạ dày như đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ ăn chua, thức uống nhiều gas, đồ  uống có cồn,…;

– Bỏ hút thuốc  lá;

– Lựa chọn sữa chua, ngũ cốc, rau củ quả tươi, bánh mì, khoai lang, bắp cải, táo,… sẽ rất tốt cho tiêu hóa;

– Vận  động hợp lý bằng các bài tập yoga, tập hít thở hoặc thiền để nâng cao sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa.

Những biện pháp trị loét dạ dày tại nhà hầu hết đều có nguồn gốc từ thiên nhiên với ưu điểm là lành tính nhưng hiệu quả phát huy khá chậm và không đi đến tận cùng được căn nguyên bệnh. Do đó, khi nhận thấy tình trạng bệnh không được cải thiện thì người bệnh cần thăm khám bác sĩ ngay để được chỉ định điều trị đúng cách.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top