Làm thế nào khi bị viêm đường tiết niệu?

Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang, niệu đạo. Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Việc dùng kháng sinh là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, cũng có những biện pháp khắc phục tại nhà để hỗ trợ quá trình phục hồi và giảm bớt các triệu chứng khó chịu do viêm đường tiết niệu gây ra.

1. Uống đủ nước và ăn thực phẩm nhiều nước

Một trong những điều cần làm đầu tiên khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu là uống nhiều nước. Uống nước có thể giúp đào thải vi khuẩn gây nhiễm trùng ra ngoài. Uống đủ nước sẽ giúp quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn. Khi bị viêm đường tiết niệu, bạn nên uống ít nhất 6-8 ly nước mỗi ngày.

 

2. Chườm nóng để giảm đau 

Viêm và kích ứng do viêm đường tiết niệu gây ra cảm giác đau, rát xung quanh vùng xương mu. Chườm nóng có thể làm giảm cảm giác khó chịu này. Hãy để nhiệt độ ở mức thấp, không đắp trực tiếp lên da và sử dụng dưới 15 phút mỗi lần để tránh bỏng.

 

3. Loại bỏ các chất kích ứng bàng quang khỏi chế độ ăn

Khi bị viêm đường tiết niệu, caffeine, rượu, đồ ăn cay, thuốc lá, đồ uống có ga và chất làm ngọt nhân tạo có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, tùy thuộc vào từng người. Hãy tập trung vào các thực phẩm lành mạnh, như chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.

 

4. Đi tiểu thường xuyên  

Mỗi lần bạn đi tiểu - thậm chí chỉ là một lượng nhỏ - sẽ loại bỏ một lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng ra khỏi bàng quang. Hãyc đi vệ sinh thường xuyên. Đây cũng là lý do tại sao bạn nên uống đủ nước khi đang bị viêm đường tiết niệu.

 

5. Sử dụng thực phẩm bổ sung

Một chất bổ sung có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu là probiotic. Chủng Lactobacillus và Bifidobacterium có thể giúp khôi phục lại hệ vi khuẩn bình thường ở âm đạo, đặc biệt khi dùng kháng sinh, cũng như có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng tái phát.

D-mannose, một loại đường có trong quả việt quất, được cho là giúp ngăn vi khuẩn bám dính vào thành đường tiết niệu. Một số nghiên cứu cho thấy D-mannose có thể giúp điều trị nhiễm trùng bàng quang ở phụ nữ cũng hiệu quả như kháng sinh, tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn và không nên thay thế hoàn toàn liệu pháp chính thống. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào. Các thực phẩm bổ sung, thảo dược và thuốc khác có thể gây tác dụng phụ hoặc tương tác với nhau.

 

6. Thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày

Thay đổi lối sống rất quan trọng vì có thể giúp phục hồi nhanh hơn sau khi bị viêm đường tiết niệu và ngăn ngừa tái nhiễm, bao gồm:

- Bỏ thuốc lá

- Mặc quần áo, đồ lót cotton thoáng mát

- Lau sạch từ trước ra sau khi đi vệ sinh

- Chỉ dùng các sản phẩm vệ sinh cá nhân không mùi

 

7. Hạn chế ăn thịt và thịt gia cầm

Một nghiên cứu cho thấy rằng thịt gia cầm và thịt bị nhiễm bẩn với các chủng vi khuẩn E.coli có thể gây viêm đường tiết niệu. Nghiên cứu này không chứng minh ăn thịt hoặc gia cầm gây ra viêm đường tiết niệu. Thực tế, một số E.coli có thể sống trong ruột mà không gây vấn đề gì. Tuy nhiên, vi khuẩn từ ruột có thể xâm nhập vào đường tiết niệu và gây nhiễm trùng. Nguy cơ này ở phụ nữ cao hơn nam giới, vì phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn, có nghĩa là vi khuẩn có ít khoảng cách hơn để đi đến bàng quang.

Giảm thịt và tăng trái cây và rau có thể làm giảm nhẹ nguy cơ mắc viêm đường tiết niệu. Theo một nghiên cứu, những người ăn chay có nguy cơ bị viêm tiết niệu thấp hơn 16% so với những người không ăn chay.

Nếu bạn có các triệu chứng viêm đường tiết niệu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được đánh giá và điều trị bằng kháng sinh. Các biện pháp khắc phục tại nhà và các phương pháp bổ sung này có bằng chứng và độ an toàn khác nhau và tốt nhất bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi kết hợp chúng vào kế hoạch chăm sóc của mình .

Nhìn chung, kết hợp các biện pháp điều trị tại nhà cùng với phác đồ điều trị của bác sĩ có thể giúp kiểm soát triệu chứng viêm đường tiết niệu và hỗ trợ quá trình phục hồi hiệu quả. Điều quan trọng là luôn trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu. Kết hợp chăm sóc y tế chính thống cùng các biện pháp tự nhiên sẽ giúp người bệnh vượt qua giai đoạn viêm đường tiết niệu khó khăn và nhanh chóng lấy lại sức khỏe.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top