Tăng huyết áp xuất hiện khi máu chảy qua các động mạch với áp suất cao hơn bình thường. Huyết áp được tạo thành từ hai con số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp suất khi tâm thất bơm máu ra khỏi tim. Huyết áp tâm trương là áp suất giữa các nhịp tim khi tim chứa đầy máu.
Huyết áp của bạn thay đổi trong suốt cả ngày dựa trên các hoạt động hàng ngày. Đối với hầu hết người trưởng thành, huyết áp bình thường là dưới mức 120/80 mm thủy ngân (mm Hg). Huyết áp của bạn được coi là cao khi bạn có chỉ số tâm thu ổn định từ 130 mm Hg trở lên hoặc chỉ số tâm trương từ 80 mm Hg trở lên.
Tuy nhiên, huyết áp cao không trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, khả năng rụng trứng, tình trạng trứng và phôi. Mặc dù có một số nghiên cứu chỉ ra rằng huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung và gây cản trở quá trình làm tổ của phôi thai, tuy nhiên vấn đề này chủ yếu liên quan đến mặt lý thuyết. Dù vậy, chẩn đoán huyết áp cao vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với phụ nữ muốn mang thai vì một số lý do.
Hầu hết phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị tăng huyết áp cũng có một hoặc nhiều bệnh liên quan, có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản. Các ví dụ phổ biến bao gồm: béo phì, hút thuốc và trên 40 tuổi. Mỗi trường hợp này đều có liên quan chặt chẽ với việc tăng nguy cơ tăng huyết áp cũng như giảm khả năng sinh sản. Thêm vào đó, một tình trạng sức khỏe khác như hội chứng buồng trứng đa nang thường liên quan đến béo phì, vô sinh và tăng huyết áp.
Nhiều loại thuốc huyết áp không an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai. Trước khi mang thai, phụ nữ dùng thuốc tăng huyết áp cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ về việc chuyển sang dùng thuốc huyết áp tương thích an toàn với thai kỳ. Các loại thuốc có phân loại A hoặc B dành cho phụ nữ mang thai được ưu tiên hơn; thuốc loại C đôi khi được chấp nhận, nhưng phải được thảo luận với bác sĩ.
Sau khi mang thai, phụ nữ bị tăng huyết áp mạn tính có nguy cơ mắc các biến chứng thai kỳ cao hơn đáng kể, chẳng hạn như sảy thai, tiền sản giật, thai nhi phát triển kém và nhau thai bong non sớm. Tư vấn trước khi thụ thai với bác sĩ sản khoa để thảo luận về những rủi ro có thể xảy ra và tối ưu hóa thuốc cũng như cách quản lý trước khi mang thai để giúp giảm nguy cơ biến chứng tiềm ẩn.
Thông thường tăng huyết áp sẽ không gây ra các triệu chứng cho đến khi tình trạng này gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo thống kê, tăng huyết áp rất phổ biến và nhiều trường hợp người bệnh không biết mình đang mắc bệnh hoặc không được điều trị để kiểm soát bệnh. Đó là lý do tại sao bạn cần phải kiểm tra huyết áp ít nhất mỗi năm một lần.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh