Bệnh tim ở Việt Nam và những con số đáng lưu ý

Nội dung

Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, con người ngày càng phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó có bệnh lí tim mạch. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, mỗi năm bệnh lí tim mạch cướp sinh mạng của 17,5 triệu người. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Bệnh lí tim mạch là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới (ảnh minh họa).

 

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, các bệnh lí tim mạch phổ biến và có nguy cơ gây tử vong cao như: tăng huyết áp; thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, và tiểu đường…ngày càng gia tăng và gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển, có mô hình bệnh tim mạch phức tạp với các bệnh lí không lây nhiễm (như bệnh mạch vành, tăng huyết áp…) gia tăng nhanh chóng. Bệnh tim ở Việt Nam đã và đang là gánh nặng cho sức khỏe và chất lượng dân số. Một số nghiên cứu và điều tra dịch tễ học tại Việt Nam cho thấy: nếu như những năm 1970 tỉ lệ người lớn mắc chứng tăng huyết áp và các bệnh lí tim mạch liên quan chỉ khoảng 2% thì tới giai đoạn 2003 – 2008, con số này đã tăng lên gấp 12,5 lần (vào khoảng 25,1%)…Do vậy, việc nâng cao kiến thức hiểu biết của người dân về bệnh và cách phòng tránh, điều trị bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và ngăn chặn xu hướng phát triển; làm giảm gánh nặng của bệnh này lên xã hội.

Bệnh lí tim mạch gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

 

Các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, hẹp mạch vành… là những bệnh lí tim mạch thường gặp và có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở nước ta hiện nay. Những bệnh này đòi hỏi chữa trị lâu dài, tốn kém; nguy cơ tử vong cao. Do đó, việc có kiến thức để phòng tránh và điều trị bệnh là rất quan trọng. Nguyên nhân chính gây ra hầu hết các bệnh lí tim mạch là do thói quen sống và chế độ ăn uống, sinh hoạt. Để phòng tránh bệnh tim mạch hiệu quả, mỗi chúng ta cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh; tập thể dục thường xuyên và điều độ kết hợp với chế độ dinh dưỡng thích hợp, tuân thủ các nguyên tắc:

Chế độ ăn hợp lí và một lối sống lành mạnh giúp hạn chế tối đa nguy cơ gây bệnh và biến chứng của bệnh tim mạch.

 

1. Ăn uống đa dạng: Bao gồm cả thức ăn có nguồn gốc từ động vật  và thực vật như: thịt, cá, trứng, sữa,rau củ, hoa quả, gạo, mỳ, các loại đậu, đỗ…

2. Chế độ dinh dưỡng hợp lí: Nên ăn 3 bữa/ngày (người già 4-5 bữa/ngày), ăn đúng giờ quy định để tạo cho cơ thể hình thành phản xạ: dạ dày tiết nhiều dịch vào khoảng thời gian nhất định, khiến sự tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và dễ dàng.

3. Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lí: Béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng và gây ra biến chứng nguy hiểm do bệnh tim mạch. Do vậy, kiểm soát cân nặng cũng chính là kiểm soát nguy cơ gây bệnh.

4. Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo và đồ ngọt để giảm gánh nặng cho tim cũng như kiểm soát nguy cơ gây bệnh tiểu đường dẫn đến các biến chứng tim mạch khác.

5. Hạn chế dùng muối ăn: Thói quen ăn mặn rất có hại, là một trong những nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim và xuất hiện các cơn đau tim.

6. Hạn chế uống rượu, bia: Nghiện rượu gây ra những rối loạn trầm trọng về tâm thần kinh. Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim và khi đó, những công việc nhẹ có thể gây khó thở. Rượu làm giãn các mạch máu ngoại vi, máu dồn ra ngoài da nhiều hơn, bởi vậy người uống rượu dễ bị nhiễm lạnh (mất nhiệt), nhất là vào mùa đông.

7. Theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Khám sức khỏe định kì để theo dõi và tầm soát bệnh lí; phát hiện và điều trị kịp thời (nếu có bệnh) là giải pháp bảo vệ sức khỏe và phòng tránh bệnh tim mạch nói riêng cũng như các bệnh lí nói chung một cách hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top