Suy tim giai đoạn cuối, hay suy tim giai đoạn 4, là mức độ nặng nhất của bệnh suy tim. Ở giai đoạn này, các triệu chứng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các biểu hiện, biến chứng và phương pháp chăm sóc cho bệnh nhân suy tim ở giai đoạn cuối.
Mệt mỏi, kiệt sức, tiểu ít,… là những biểu hiện của người suy tim nặng.
Suy tim giai đoạn 4 là mức độ suy tim nặng nhất theo phân loại của Hội Tim mạch New York (NYHA). Ở giai đoạn này, bệnh nhân hầu như không còn đáp ứng với điều trị nội khoa. Các triệu chứng của bệnh trở nên rõ rệt và có thể diễn ra đột ngột. Những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bước vào giai đoạn cuối của suy tim bao gồm:
Mệt mỏi và kiệt sức: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, thậm chí không thể rời khỏi giường.
Không muốn ăn hoặc uống: Người bệnh có cảm giác no, đầy trướng bụng mặc dù ăn ít.
Rối loạn nhịp tim và huyết áp: Nhịp tim và huyết áp thường xuyên không ổn định.
Tiểu ít: Lượng nước tiểu giảm và tiểu ít.
Cảm giác lạnh: Tay chân lạnh, cơ thể nhợt nhạt, thân nhiệt giảm thấp.
Ho và khó thở: Cơ thể nặng nề, ho, khó thở nhiều.
Ngủ không ổn định: Nhịp ngủ thức không cố định.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột hoặc diễn ra chậm và có mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào từng bệnh nhân.
Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân suy tim dễ biến chứng nhồi máu cơ tim do cục máu đông.
Bệnh nhân suy tim ở giai đoạn cuối không chỉ phải đối mặt với những triệu chứng nặng nề mà còn dễ gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng thường gặp ở giai đoạn này bao gồm:
Suy tim giai đoạn cuối làm giảm sức co bóp của tim, khiến thận không được cung cấp đủ máu để thực hiện chức năng lọc và đào thải dịch, chất cặn bã ra khỏi cơ thể, dẫn đến suy thận.
Tình trạng ứ dịch lâu ngày gây tắc nghẽn mạch máu gan, làm gan to ra và hoạt động của gan bị cản trở. Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến xơ gan, viêm gan, và suy gan.
Suy tim làm giảm tốc độ lưu thông máu trong các động mạch tim, tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành. Điều này có thể gây nhồi máu cơ tim, làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Các cục máu đông có thể di chuyển đến các động mạch não hoặc động mạch cảnh, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây đột quỵ nhồi máu não.
Phù phổi cấp là tình trạng ứ dịch tại phổi, gây khó thở và suy hô hấp cấp tính. Đây là một tình trạng nguy hiểm, cần cấp cứu kịp thời để tránh đe dọa tính mạng.
Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, đặc biệt là các loại rau quả nhiều kali giúp tăng cường sức khỏe tim mạch cho bệnh nhân suy tim
Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi suy tim, đặc biệt là ở giai đoạn cuối, việc chăm sóc y tế, theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị hỗ trợ có thể giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống. Dưới đây là một số phương pháp điều trị và chăm sóc cho người bệnh suy tim:
Dù bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối không còn đáp ứng tốt với thuốc, việc sử dụng thuốc đúng cách vẫn quan trọng để giảm các triệu chứng như phù, khó thở. Bệnh nhân và người nhà cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều và không tự ý ngừng thuốc.
Theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên giúp phát hiện sớm các biến chứng, đặc biệt là các triệu chứng như ho có đờm hoặc bọt hồng, có thể là dấu hiệu của phù phổi cấp. Bên cạnh đó, cần theo dõi cân nặng để kiểm soát tình trạng bệnh, vì bệnh nhân thường sụt cân nhanh ở giai đoạn cuối.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp giúp bệnh nhân suy tim kiểm soát tình trạng bệnh và giảm các triệu chứng như trướng bụng, khó thở, ho. Các khuyến nghị chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối bao gồm:
Hạn chế natri: Lượng natri không nên vượt quá 2g/ngày. Các thực phẩm như muối, đồ muối chua cần được hạn chế.
Tăng cường chất xơ: Các loại rau, quả, đậu và ngũ cốc giàu chất xơ giúp cải thiện tiêu hóa và kiểm soát cholesterol.
Hạn chế chất béo: Người bệnh nên giảm lượng chất béo và ưu tiên các món chế biến bằng phương pháp hấp, luộc thay vì chiên, rán.
Bổ sung kali: Thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, bông cải xanh giúp bù đắp lượng kali bị mất do thuốc lợi tiểu.
Suy tim giai đoạn cuối là một tình trạng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chăm sóc y tế liên tục và theo dõi sát sao để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống khoa học, tuân thủ phác đồ điều trị và động viên tinh thần là yếu tố quan trọng giúp người bệnh duy trì sức khỏe và cải thiện chất lượng sống.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh