Nguyên nhân gây ra mùi cơ thể

Nội dung

Những thay đổi bất thường về mồ hôi như đổ mồ hôi quá nhiều, hay ít và thậm chí không đổ mồ hôi cũng đều là những vấn đề đáng lo ngại. Bên cạnh đó, những thay đổi về mùi cơ thể cũng có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe cần quan tâm.

Triệu chứng

Một số người có thể đổ mồ hôi nhiều hơn hoặc ít hơn những người khác. Mùi cơ thể cũng tương tự, đối với người này có thể có mùi được coi là nặng – nhưng đối với người khác, mùi có thể là bình thường. Nhìn chung, bạn nên gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng bao gồm:

  • Đột nhiên đổ mồ hôi nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường
  • Đổ mồ hôi làm gián đoạn các thói quen sinh hoạt hàng ngày
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm không rõ lý do
  • Tự nhận ra sự thay đổi trong mùi cơ thể bản thân

 

Nguyên nhân nào gây ra điều này?

Đổ mồ hôi và mùi cơ thể là do tuyến mồ hôi trong cơ thể tiết ra và kéo theo các mùi đặc trưng. Hai loại tuyến mồ hôi chính là eccrine và tuyến apocrine. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, các tuyến này tiết ra chất lỏng làm mát cơ thể bằng cách bay hơi. Các tuyến apocrine được tìm thấy ở những nơi có lông, chẳng hạn như nách và vùng bẹn. Các tuyến này tiết ra chất lỏng có màu trắng đục, không có mùi khi gặp căng thẳng, và các chất lỏng sẽ kết hợp với vi khuẩn trên da và tạo mùi đặc trưng.

Việc chẩn đoán gặp phải các vấn đề về mồ hôi và mùi cơ thể có thể được xác định ở các cơ sở y tế. Bác sĩ có thể sử dụng máu và nước tiểu để xét nghiệm. Xét nghiệm có thể chỉ ra các vấn đề sức khỏe bạn đang mắc phải, chẳng hạn như nhiễm trùng, đái tháo đường hoặc cường giáp.

 

Điều trị tình trạng này như thế nào?

Nếu bạn đang gặp phải các lo lắng về vấn đề mồ hôi và mùi cơ thể, giải pháp hiệu quả và đơn giản nhất là sử dụng các phương pháp khử mùi và chống tiết mồ hôi.

  • Các sản phẩm chống tiết mồ hôi thường là các hợp chất có gốc là kim loại nhôm, giúp tạm thời chặn vùng lỗ chân lông và qua đó giảm lượng mồ hôi tiết ra ở da.
  • Các chất khử mùi cơ thể là các chất giúp khử mùi hôi nhưng không có tác dụng trên tiết mồ hôi. Chúng thường chứa cồn và làm cho da có tính acid, khiến da trở nên kém hấp dẫn với vi khuẩn. Từ đó, vi khuẩn ít tích tụ trên da và giảm khả năng tạo mùi. Các chất khử mùi cũng thường có mùi thơm để che đi mùi khó chịu.

Nếu các phương pháp đơn giản này không giúp ích được nhiều, bạn có thể gặp bác sĩ để được tư vấn các biện pháp mạnh hơn như thuốc kê đơn. Tuy nhiên, những loại thuốc kê đơn cũng thường kèm theo những vấn đề kích ứng da.

 

Thay đổi lối sống để khắc phục

Bạn có thể thử một số phương pháp giảm tiết mồ hôi và ngăn mùi cơ thể như:

  • Tắm hàng ngày. Tắm thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn giúp làm giảm sự phát triển của vi khuẩn trên da và có thể giúp hạn chế mùi cơ thể.
  • Chọn quần áo phù hợp cho các hoạt động hàng ngày. Nên lựa chọn các loại vải tự nhiên như bông, len, lụa… Chúng cho phép làn da thoáng mát và lưu thông không khí đều đặn. Với các trang phục thể dục, nên chọn các loại vải tổng hợp giúp thấm hút mồ hôi tốt hơn.
  • Thử các kỹ thuật thư giãn. Bạn có thể thử các bài tập như yoga, thiền hoặc các phương pháp phản hồi sinh học. Những biện pháp này giúp kiểm soát căng thẳng và sẽ giúp giảm tiết mồ hôi.
  • Thay đổi chế độ ăn uống. Đồ uống có chứa caffein hay thức ăn cay hoặc có mùi mạnh có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn hay có mùi nặng hơn bình thường. Bạn nên hạn chế những thực phẩm này.

 

Tổng kết

Mồ hôi và mùi cơ thể là những vấn đề gặp phải ở khá nhiều người, gây những phiền toái và trở ngại trong hoạt động hàng ngày. Bằng các biện pháp đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà, bạn có thể ngăn ngừa và cải thiện vấn đề này. Trong trường hợp các vấn đề trở nên nghiêm trọng và không thể dùng các phương pháp đơn giản hỗ trợ, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và có các biện pháp mạnh hơn, triệt để hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top