Các bệnh van tim thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh van tim cũng hay gặp ở người cao tuổi và thường do nguyên nhân khác. Thông thường khi nói đến bệnh tim ở người cao tuổi người ta thường nghĩ ngay đến các bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch mà không để ý rằng một số bệnh van tim có thể là nguyên nhân của triệu chứng về tim mạch. 

Các bệnh van tim ở người cao tuổi thường gặp là:

Hẹp van động mạch chủ

Nguyên nhân phổ biến nhất của hẹp van động mạch chủ đơn độc là dị dạng bẩm sinh có nhiễm calci ở vòng van. Tình trạng calci hóa cũng thường gặp ở cả vòng van hai lá và các động mạch vành, ở người cao tuổi bị hẹp van động mạch chủ calci hóa, gần như bao giờ cũng có một mức độ nhẹ hở van động mạch chủ, có thể quan sát được qua cinéangiocardiographie (quay phim X quang khoang tim mạch). Mức độ hở van động mạch chủ thông thường không phát hiện được bằng nghe tim và nguyên nhân là do van động mạch chủ cứng đờ, không có khả năng tự đóng kín lại được.

Bệnh cảnh lâm sàng của hẹp van động mạch chủ ở người cao tuổi gồm một hoặc nhiều triệu chứng như sau: suy nhược cơ thể, hay ngất lịm, có cơn đau thắt ngực và suy tim sung huyết. Tiếng thổi tâm thu tống máu của hẹp van động mạch chủ là do có sự chênh lệch áp lực do chỗ hẹp gây nên. Tất cả các bệnh nhân cao tuổi đều cần được làm thông tim để đánh giá mức độ hẹp van động mạch chủ và đều nên chụp động mạch vành để phát hiện xem có bệnh mạch vành phối hợp hay không. Nếu có bệnh động mạch vành phối hợp, cần thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành, cùng với việc thay van.

 

Sa van hai lá

Trong các thể bệnh sa van hai lá dẫn đến hở nặng, các van hai lá đều có bề mặt không đồng đều, van phía sau lớn hơn van phía trước và có tình trạng thoái hóa do thâm nhiễm mucopolv- saccharid. Tổ chức nâng đỡ bị rối loạn, vòng van hai lá rộng ra và hay nhiễm calci. Cũng hay gặp tình trạng đứt đoạn các dây thừng tim và cột trụ. Trong phần lớn các trường hợp sa van hai lá không gây rối loạn huyết động nặng. Nếu có hở van hai lá thì triệu chứng nghe cũng như trong hở van hai lá thông thường, có chăng là có tiếng clic đặc hiệu giữa thì tâm thu do căng bộ van hai lá lúc van sa tối đa.

Thường phát hiện được ở tuổi từ 50 trở đi, nhất là ở nữ. Bệnh nhân hay có khó thở khi gắng sức, đánh trống ngực, ngất lịm, đau vùng trước tim. Siêu âm tim phát hiện sự chuyển dịch vào cuối thì tâm thu của lá van phía sau hoặc của toàn bộ bộ van về phía tâm nhĩ trái. Bệnh có thể gây một số biến chứng như cơn nhịp nhanh thất, thiếu máu cục bộ nhất thời ở não. Có chỉ định thay van nếu có hở van hai lá nặng.

 

Hẹp dưới van động mạch chủ phì đại nguyên phát

Còn gọi là bệnh cơ tim bít phì đại (CTBPĐ) hoặc hẹp co dưới van động mạch chủ, thường hay bị bỏ qua không được phát hiện ở người cao tuổi. Nhờ có kỹ thuật siêu âm tim ngày càng phát hiện được nhiều trường hợp CTBPĐ ở lứa tuổi cao. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là khó thở khi gắng sức, suy nhược cơ thể, có những cơn đau thắt ngực, choáng váng, ngất. Khám bệnh sẽ phát hiện được một tiếng thổi tâm thu. Vì vậy thường nhầm với một bệnh mạch vành hay hẹp van động mạch chủ. Trong 30% trường hợp có tăng huyết áp kèm theo.

Phương pháp tốt nhất không gây sang chấn để xác định chẩn đoán là siêu âm tim. Hình ảnh siêu âm cho thấy vách liên thất có sự mất cân đối (chiều dầy của vách liên thất gấp 1,3 lần chiều dầy của thành sau tâm thất trái, cử động tâm thu phía trước của lá lớn van hai lá, van sigma động mạch chủ đóng lại ở thì giữa tâm thu. Cần nghĩ đến bệnh này khi ở người cao tuối đồng thời với các dấu hiệu trên, có calci hóa ở vòng van hai lá.

Bệnh CTBPĐ ở người cao tuổi hay gặp ở nữ hơn ở nam. Tỷ lệ tử vong ở nữ vẫn ít hơn ở nam, bệnh động mạch vành hay phối hợp với bệnh này hơn ở nữ.

Những bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh CTBPĐ không được chẩn đoán, nếu lại dùng digitan, lợi niệu để điều trị thì các triệu chứng thường lại nặng lên do các thuốc trên làm giảm thể tích máu và tăng co bóp cơ tim. Rung nhĩ thường khó chịu đựng được vì ảnh hưởng đến sự làm đẩy tâm thất trái đã phì đại, khó giãn nở. Nên làm sốc điện cấp cứu khi rung nhĩ gây suy sụp nhanh chóng tình trạng huyết động. Các chất chẹn bêta thường được dùng trong bệnh CTBPĐ; nếu ít kết quả có thể dùng verapamil. Việc điều trị bằng cách phẫu thuật cắt một phần cơ tim nhiều khi là cần thiết và cũng đem lại kết quả như đối với bệnh nhân trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top