✴️ Các biểu hiện thường gặp của bệnh tim mạch

Ðồng thời còn đem lại cho chúng ta cơ hội sớm được tiếp cận các phương pháp điều trị mới để có thể đạt kết quả chữa bệnh tim mạch tốt nhất. Dưới đây là các biểu hiện cần được chú ý.

Bệnh tim mạch gây khó thở

Khó thở do bệnh tim mạch thường xuất hiện khi khả năng bơm máu của quả tim bị suy yếu hoặc có sự cản trở trên đường dòng máu chảy từ quả tim vào các mạch máu.

Khi sức bơm máu của quả tim giảm xuống sẽ gây ra khó thở do ứ trệ máu và dịch, điều này dẫn tới sự gia tăng áp lực máu ở phổi gây rò rỉ dịch vào các phế nang (túi khí nhỏ ở phổi).

Khó thở đột ngột về đêm là cơn khó thở xuất hiện khoảng vài giờ sau khi bạn đi ngủ, là hậu quả của lượng dịch tích tụ ở hai chân chúng ta ban ngày thấm trở lại dòng máu khi bạn nghỉ ngơi vào ban đêm. Hiện tượng này làm tăng gánh nặng cho quả tim và tăng áp lực máu ở phổi gây cơn khó thở.

Ðau ngực

Nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi một trong các nhánh của động mạch vành bị lấp tắc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

Triệu chứng đau ngực trong nhồi máu cơ tim cũng có tính chất giống như cơn đau thắt ngực nhưng kéo dài hơn (>20 phút) và không thuyên giảm khi ta nghỉ ngơi và khi bệnh nhân dùng một số thuốc giãn mạch.

Ngoại trừ một số trường hợp nhồi máu cơ tim “thầm lặng” tức không gây đau ngực, nhìn chung cơn đau ngực trong nhồi máu cơ tim thường dữ dội và hay kèm theo cảm giác buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi và trạng thái hết sức lo âu. Đây là một cấp cứu nên cần phải được quan tâm và có hành động kịp thời.

Viêm màng ngoài tim là một nguyên nhân nữa gây đau ngực. Quả tim cũng như các lá phổi được bao bọc bởi một lớp màng kép, bình thường mỏng như giấy bóng kính.

Viêm màng ngoài tim là khi hai lá màng này bị viêm, dày lên và cọ xát vào nhau khi quả tim đập gây đau ngực. Viêm màng ngoài tim thường do virus, đặc biệt là nhóm virus có tên Coxsackie.
Đau ngực do tim có thể do một số nguyên nhân khác như là: Bệnh lý van tim đặc biệt là hẹp hoặc hở van động mạch chủ. Đau ngực cơ năng hay đau ngực do căn nguyên tâm lý đôi khi rất khó xác định vì thực tế một số trường hợp có thêm bệnh lý thực tổn đi kèm.

Một nghiên cứu được tiến hành trên những phụ nữ tuổi trung niên có biểu hiện đau ngực nhưng không hẹp động mạch vành cho thấy: sự mất thăng bằng về nội tiết là một trong số các nguyên nhân gây ra cơn đau.

Ðánh trống ngực

Nhịp tim nhanh và không đều, còn gọi là rối loạn nhịp, có thể xảy ra ở người khoẻ mạnh nhưng cũng có thể là một biểu hiện gợi ý bệnh tim mạch. 

Nhịp tim rất nhanh xuất hiện không liên quan đến gắng sức thường do các rối loạn gọi là tim nhanh kịch phát trên thất hay tim nhanh nhĩ kịch phát, các thuật ngữ y học này để chỉ nhịp tim nhanh có căn nguyên từ các buồng phía trên của quả tim, gọi là tâm nhĩ.

Lúc này có thể bạn vẫn cảm thấy bình thường ngoại trừ cảm giác đánh trống ngực. Các cơn tim nhanh trên thất thường không kéo dài và nếu thấy chúng kéo dài nhiều phút thì bạn cần đi gặp bác sĩ.

Nguy hiểm nhất là hiện tượng gọi là tim nhanh thất, thường gặp ở những người có bệnh tim mạch thực sự. Tim đập nhanh bắt nguồn từ các buồng tim phía dưới, có chức năng bơm máu gọi là các tâm thất.

Người bị tim nhanh thất thường rất mệt và khó thở do lượng máu quả tim bơm đi nuôi cơ thể bị sút giảm đáng kể.

Ngất xỉu

Bệnh tim mạch thường gây ngất xỉu nhất là các rối loạn về nhịp như nghẽn nhĩ thất (tim đập đều đặn là do những tín hiệu thần kinh được truyền nhịp nhàng từ tâm nhĩ xuống tâm thất, nghẽn nhĩ thất là khi sự dẫn truyền này bị gián đoạn).

Lúc đó tim sẽ đập rất chậm, không đủ khả năng đưa máu và dưỡng khí lên nuôi bộ não. Ngược lại, vì một lý do nào đó khi tim đập quá nhanh (nhiều hơn 150 lần trong một phút), khả năng bơm máu lên não của tim bị giảm sút cũng có thể gây ngất.

Nếu chỉ là ngất (mất ý thức) thì hãy để ngay bệnh nhân nằm nơi thoáng, nới rộng quần áo, có thể nhấc bổng 2 chân bệnh nhân lên để tăng cường máu về tim và não cần theo dõi để có thể cấp cứu hồi sinh tim phổi ngay nếu bệnh nhân chuyển sang tình trạng ngừng tuần hoàn.

Phù

Về bản chất hiện tượng phù là do nước thoát quản khỏi lòng mạch để ứ đọng ở khoảng gian bào gây phù. Do vậy thực tế thường phát hiện được phù ở các vị trí trên nền xương cứng hoặc nơi mô lỏng lẻo.

Trong các bệnh tim mạch, vì lý do nào đó mà tuần hoàn ở hệ tĩnh mạch bị ứ trệ (thường do suy tim bên phải) làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch gây hiện tượng nước trong tĩnh mạch ra ngoài gian bào ứ đọng gây phù.

Một số trường hợp tắc tĩnh mạch cũng gây phù, nhưng ở đây là phù cục bộ tương ứng trước chỗ tắc tĩnh mạch.

Tím tái

Tím trung ương khi máu tĩnh mạch và máu động mạch bị trộn lẫn với nhau ngay trong quả tim do một luồng thông bẩm sinh nằm giữa tim trái và tim phải hoặc do khuyết tật di truyền tạo nên một buồng tim chung (máu động mạch có màu đỏ tươi do giàu ôxy còn máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm do đã nhường ôxy cho cơ thể).

Tím trung ương cũng có thể do một bệnh lý phổi đang tiến triển như khí phế thũng ngăn cản  ôxy hoà tan vào máu động mạch.

Tím ngoại vi là dạng tím thường do sự ứ trệ tuần hoàn hoặc trao đổi khí kém.

Trong thực tế, ta tương đối dễ dàng phân biệt hai loại tím trên qua các dấu hiệu của chúng. Tím ngoại vi thường xuất hiện ở những vùng da hở như đầu ngón tay, cằm, mũi và môi. Trong khi tím trung ương xuất hiện ở quanh kết mạc mắt, niêm mạc ở trong họng và lưỡi.

Mệt mỏi

Tình trạng mệt mỏi ở người mắc bệnh tim mạch còn có thể do thuốc gây ra, khoảng 10% số người dùng thuốc điều trị hạ huyết áp than phiền vì cảm thấy mệt mỏi tăng lên.

Nhiều bệnh thể chất khác gây mệt mỏi bao gồm thiếu máu và các bệnh mạn tính như suy nhược tuyến giáp, đái đường và bệnh lý về phổi…

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi ngay từ khi thức giấc cho tới cuối ngày với một mức độ gần như không đổi thì nguyên nhân có lẽ do rối loạn tâm thần hơn là bệnh tim mạch, thường nhất là chứng trầm cảm.

Dấu hiệu đi cách hồi

Tắc cấp tính:

Các biểu hiện của tắc động mạch ngoại vi cấp (đặc biệt là tắc động mạch chi dưới) được mô tả kinh điển là hội chứng nhiều chữ “P” (theo tiếng Anh):

Painess – Đau đột ngột chi bị tắc. Đau có thể xảy ra trên một chi đã từng có triệu chứng đau cách hồi trước đó hoặc không. Đau có thể rất dữ dội và liên tục, Pallor – xanh tái chi bị tắc động mạch nuôi dưỡng, Pulseless – mất mạch vùng chi bị tắc.

Trong trường hợp tắc động mạch chủ bụng hoặc động mạch chậu gốc, thì mất mạch cả hai bên, Paralysis – liệt bên chi bị tắc mạch. Mức độ nhẹ hơn là yếu bên chi bị tắc động mạch.

Khi bị tắc động mạch chủ bụng có thể gây liệt cả 2 chi dưới, Poikilothermia – lạnh bên chi bị tắc mạch. Nếu bị tắc động mạch chủ bụng thì cả 2 chi dưới bị lạnh hơn.

Tắc mạn tính:

Trong trường hợp nặng, đau có thể tồn tại ngay cả khi nghỉ, xuất hiện ở đoạn xa của chi, có thể xuất hiện khi ngủ và để giảm đau bệnh nhân thường phải để thõng chân tự do ngoài thành giường hoặc ghế.

Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ có dấu hiệu đau cách hồi còn khám chi bình thường. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển, có thể thấy các dấu hiệu sau:

– Mạch bên chi bị tổn thương động mạch yếu hơn hoặc có thể mất ở một số vị trí.

– Bên chi bị tắc mạch mạn tính thường nhỏ hơn, da khô, móng và lông kém phát triển, bong vảy và có thể lạnh hơn bên chi không bị bệnh mạch.

Trong trường hợp bị nặng, có thể thấy các dấu hiệu loét, hoại tử các vùng viễn cực (đầu chi, gót chân). Các tổn thương loét hoặc nhiễm trùng đặc biệt dễ xảy ra khi bệnh nhân bị chấn thương.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top