Các vấn đề về tim thường gặp trong đột quỵ

Các biến chứng này thường kéo dài thời gian nằm viện, trì hoãn phục hồi chức năng hoặc khiến tình trạng người bệnh trở nên tồi tệ hơn.

Các vấn đề về tim thường gặp trong đột quỵ

Có một vài vấn đề về tim thường thấy ở những người bị đột quỵ, bao gồm nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim - đặc biệt là  rung nhĩ, nhịp nhanh thất và rung thất.

Các vấn đề về tim liên quan đến đột quỵ có thể do chính đột quỵ gây ra hoặc có thể do cùng một nguyên nhân gây ra đột quỵ (phổ biến nhất là huyết khối động mạch). Hoặc ngược lại, vấn đề về tim xuất hiện trước và sau đó đột quỵ xảy ra. (Điều này thường thấy nhất khi rung tâm nhĩ tạo ra một  khối thuyên tắc lên não.)

Vì vậy, bất cứ khi nào đột quỵ có đi kèm với vấn đề về tim thì bác sĩ cần phải xem xét xác định nguyên nhân và hậu quả của cơn đột quỵ và ảnh hưởng đến tim. Điều này rất quan trọng để có thể lựa chọn liệu pháp phục hồi hiệu quả nhất cũng như ngăn ngừa nhiều vấn đề hơn trong tương lai.

 

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Có đến 13% nạn nhân đột quỵ từ 60 tuổi trở lên cũng sẽ bị nhồi máu cơ tim trong vòng ba ngày sau đột quỵ. Ngược lại, không có gì lạ khi cơn đau tim có thể dẫn đến cơn đột quỵ ngay sau đó.

Nhiều bệnh nhân bị đột quỵ có thể gặp khó khăn trong việc nhận biết hoặc báo cáo các triệu chứng của cơn đau tim nên vấn đề về tim có thể không được chú ý. Do đó, các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần đặc biệt chú ý theo dõi các triệu chứng thiếu máu cơ tim. 

Điều này bao gồm kiểm tra điện tâm đồ mỗi ngày trong vài ngày đầu và theo dõi các enzyme tim để tìm dấu hiệu tổn thương tim.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao các cơn đau tim và đột quỵ cấp tính xảy ra cùng nhau thường xuyên như vậy nhưng có khả năng cao một số người bị xơ vữa động mạch và lại có nguy cơ huyết khối tại vị trí của mảng xơ vữa động mạch (ví dụ, trong một hoặc hai ngày sau khi hút thuốc lá).

Vì các mảng bám thường được tìm thấy trong các động mạch cấp máu cho cả tim và não, nên tại những thời điểm nguy cơ cao như vậy, đột quỵ và đau tim có thể xảy ra gần như đồng thời.

Điều đặc biệt quan trọng đối với các bác sĩ khi điều trị cơn đau tim cấp tính là đảm bảo rằng bệnh nhân cũng không bị đột quỵ trước khi họ sử dụng thuốc tan huyết khối. Trong khi làm tan huyết khối trong động mạch vành thường mang tính trị liệu thì việc làm tan huyết khối trong động mạch não có thể dẫn đến xuất huyết não và làm cho cơn đột quỵ trở nên tồi tệ hơn.

Trên thực tế, một người đã bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đau tim trong tương lai. Điều này là do trong hầu hết các trường hợp, đột quỵ thường bắt nguồn từ cùng một nguyên nhân với đau tim là xơ vữa động mạch. Vì vậy, hầu hết những người sống sót sau đột quỵ có khả năng mắc bệnh động mạch vành (CAD) rất cao, và họ cần phải thực hiện những biện pháp tích cực để giảm nguy cơ bệnh tim trong tương lai.

 

Đột quỵ và suy tim

Đột quỵ có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên xấu đi hoặc xuất hiện tình trạng suy tim.

Suy tim cũng có thể xảy ra nếu đột quỵ đi kèm cơn nhồi máu cơ tim.

Hơn nữa, đột quỵ có thể trực tiếp làm tim bị suy yếu do sự gia tăng đáng kể nồng độ adrenaline (cũng như các thay đổi về thần kinh khác ít được xác định hơn). Những thay đổi này có thể gây thiếu máu cơ tim đáng kể dẫn đến thiếu oxy trong cơ tim ngay cả ở những người không có bệnh mạch vành. Tổn thương tim do thiếu máu cơ tim do trung gian thần kinh này gây ra rất phổ biến ở những người trẻ, khỏe mạnh bị đột quỵ do xuất huyết dưới nhện.

Đột quỵ cũng liên quan đến thiếu máu cơ tim thoáng qua, trong đó một phần cơ tim đột nhiên ngừng hoạt động. Tình trạng này, có lẽ giống hệt với hội chứng trái tim tan vỡ,  có thể tạo ra các cơn suy tim nặng, nhưng tạm thời.

 

Đột quỵ và rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim xuất hiện trong những ngày đầu ở khoảng 25% bệnh nhân nhập viện do đột quỵ.

Rối loạn nhịp tim liên quan đến đột quỵ hay gặp nhất là rung nhĩ, chiếm hơn một nửa các vấn đề về nhịp tim liên quan đến đột quỵ.

Những loại rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng cũng có thể xảy ra, bao gồm rung thất và ngừng tim. Trong nhiều trường hợp, rối loạn nhịp tim có khả năng gây tử vong là do hội chứng QT kéo dài (hội chứng khi hệ thống điện tim trở nên bất thường) gây ra bởi đột quỵ.

Nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra sau đột quỵ. Thông thường, nhịp tim chậm chỉ là hệ quả thoáng qua. Tuy nhiên, nếu nhịp tim chậm đáng kể và kéo dài thì có thể cần phải đặt máy tạo nhịp tim.

 

Tóm lại

Các vấn đề nghiêm trọng về tim xảy ra khá phổ biến sau đột quỵ. Bất cứ ai bị đột quỵ đều cần phải được đánh giá và theo dõi cẩn thận trong ít nhất vài ngày về khả năng bị nhồi máu cơ tim, suy tim và rối loạn nhịp tim. Bản thân đột quỵ đã là dấu hiệu chỉ ra rằng bạn có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim trong tương lai, vì vậy rất cần các biện pháp tích cực để giảm nguy cơ bệnh tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top